Khi cha đẻ không chịu ký Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi

Khi cha đẻ không chịu ký Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi


Anh Ất là người làm ăn xa gia đình. Tháng 6/2006, chị Giáp vợ anh ở nhà sinh con. Do sức khoẻ yếu nên chị nhờ mẹ đẻ mang Giấy chứng nhận kết hôn của anh chị đi đăng ký khai sinh cho cháu bé tại UBND thị trấn, nơi vợ chồng anh chị cư trú.

Tháng 8/2006, anh Ất về thăm nhà. Do nghe đàm tiếu nên đã nghi ngờ vợ mình có quan hệ bất chính với người khác. Anh cho rằng, cháu bé không phải là con mình nên đã ép vợ phải cho con đi làm con nuôi. Bị chồng hắt hủi, lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Giáp đành phải cho con đi làm con nuôi. Tuy nhiên, khi ra UBND xã làm thủ tục cho con nuôi anh Ất kiên quyết không chịu ký tên vào Giấy thoả thuận về việc cho trẻ làm con nuôi vì cho rằng, mình không phải là cha của đứa trẻ. Đồng thời, biết việc mẹ chị Giáp là người đi đăng ký khai sinh cho cháu bé nên anh Ất đã khiếu nại việc cán bộ hộ tịch ghi tên anh vào phần khai về người cha trên Giấy khai sinh của cháu bé khi chưa được sự đồng ý của anh. Vậy, cán bộ hộ tịch phải giải quyết trường hợp này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong vụ việc nói trên, các khiếu nại của anh Ất về việc cán bộ hộ tịch thực hiện nghiệp vụ đăng ký khai sinh và việc anh Ất không chịu ký tên vào Giấy thoả thuận việc cho trẻ làm con nuôi là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật. Để giải quyết vấn đề này cán bộ hộ tịch cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Về việc đăng ký khai sinh và ghi tên anh Ất vào Giấy khai sinh của cháu bé

Anh Ất khiếu nại việc mẹ vợ mình đi đăng ký khai sinh cho cháu bé và khai tên anh vào phần khai về người cha của cháu bé khi không được sự đồng ý của anh là sai vì theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, nếu cha mẹ không thể đi khai sinh, thì ông bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Khi đi khai sinh cho cháu mình, mẹ chị Giáp đã thực hiện đúng thủ tục cần thiết là xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng chị Giáp làm cơ sở để cán bộ tư pháp – hộ tịch xác định cha đẻ, mẹ đẻ của cháu bé. Việc xác định con chung được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Như vậy, Giấy chứng nhận kết hôn của anh Ất và chị Giáp là cơ sở để cán bộ tư pháp khẳng định quan hệ hôn nhân của anh Ất, chị Giáp đang tồn tại, từ đó xác định anh Ất là cha đẻ cháu bé theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc anh ất không thừa nhận cháu bé là con của mình và không chịu ký vào Giấy thoả thuận cho và nhận con nuôi

Cán bộ hộ tịch cần căn cứ vào Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc xác định con chung, cháu bé do chị Giáp sinh ra đương nhiên được xác định là con chung của anh Ất và chị Giáp. Trong trường hợp, anh Ất không thừa nhận cháu bé là con đẻ của mình thì theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì anh Ất phải có các chứng cứ và đề nghị Toà án cấp huyện thực hiện thủ tục tố tụng để xác định cháu bé không phải là con mình. Khi chưa yêu cầu Toà án xác định mình không phải là cha cháu bé thì anh Ất vẫn được xác định là cha đẻ của cháu bé nên việc cho cháu đi làm con nuôi người khác bắt buộc phải có sự đồng ý của cả anh Ất và chị Giáp thể hiện trên Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi, cũng như phải cùng có mặt khi làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Do đó, nếu anh Ất không chịu ký vào Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi thì cán bộ hộ tịch không thụ lý việc đăng ký nuôi con nuôi.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191