Hễ có rượu vào là chồng tôi lải nhải chửi. Anh chửi mà tôi im lặng thì cho là tôi xem thường nên lao vào đánh tôi túi bụi. Nhiều khi không chịu nổi đòn đau, tôi chạy trốn về nhà mẹ ruột nhưng vẫn bị chồng hành hung. Mỗi lần như thế, anh lại chửi cả cha, mẹ vợ và đánh tôi dã man hơn. Hỏi tôi phải làm gì để bảo vệ cho mình?
Gửi bởi: Nguyễn Minh Vân
Trả lời có tính chất tham khảo
Tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi như: “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;” là hành vi bạo lực gia đình. Theo chị trình bày thì chồng chị ngoài việc chửi bới còn thường xuyên đánh đập chị. Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ như sau:
”Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:
a) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
b) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
d) Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc)”.
Như vậy nếu người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình va cấp cứu nạn nhân.
Căn cứ điều 20 và điều 21 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định Uỷ ban Nhân dân và Toà án Nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”
Theo quy định tại điều điều 24 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì “Nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về chăm sóc sức khoẻ, ứng xử trong gia đình, pháp luật và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình”.
Căn cứ khoản 1 điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ các quy định nêu trên chị có thể được tư vấn để bảo vệ sức khoẻ, ứng xử trong gia đình, pháp luật và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình. Nếu tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của chị thì chị có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân hoặc Toà án nơi chị cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với chồng của chị. Hành vi dùng bạo lực gia đình của chồng chị tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Luật 02/2007/QH12 Phòng, chống bạo lực gia đình
Trả lời bởi: z