Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quản lý, cấp phát vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách huyện, xã

Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quản lý, cấp phát vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách huyện, xã

Trước tình hình con em bà con các dân tộc ở phía bắc sông Kỳ Cùng thuộc xã biên giới B, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, phần nhiều không được đến trường đi học do đường xa cách trở và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, tháng 1 năm 2006, UBND huyện Đình Lập quyết định dùng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện cấp bổ sung cho xã B để xây dựng một ngôi trường tiểu học gồm 05 phòng học và 02 phòng ở cho giáo viên nhằm tạo điều kiện thu hút con em bà con các dân tộc ở khu vực này đến trường; đồng thời giao cho HĐND, UBND xã B lựa chọn địa điểm và phương thức xây dựng trường sao cho có hiệu quả nhất. HĐND xã B đã họp bàn và quyết định xây dựng ngôi trường tại bản C, là nơi có đường giao thông tương đối thuận lợi nối liền với các thôn, bản khác trong khu vực và trường sẽ được làm bằng phương pháp tường trình bằng đất nện, mái lợp ngói ống, vì kèo, cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ (một phương pháp làm nhà phổ biến của bà con các dân tộc tại đây); giao UBND xã B triển khai thực hiện công trình này. Tại sao UBND huyện Đình Lập giao cho HĐND và UBND xã B quyết định địa điểm và phương pháp thi công xây dựng ngôi trường? Cán bộ tài chính xã cần làm gì để tham mưu cho UBND xã B, huyện Đình Lập thực hiện được dự án đầu tư xây dựng cơ bản nói trên?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Xã B là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn nên được Nhà nước hỗ trợ đầu tư vốn để xây dựng công trình hạ tầng cơ sở theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, UBND huyện Đình Lập quyết định dùng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện và xã để xây dựng trường tiểu học cho xã B là đúng. Tuy nhiên, huyện Đình Lập cũng là huyện khó khăn nên ngân sách có hạn, việc UBND huyện quyết định xây trường theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, giao HĐND và UBND xã B lựa chọn địa điểm và quyết định phương pháp thi công sao cho tiết kiệm nhất là biện pháp hợp lý. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng trường của xã B là đúng theo quy định tại các điều 28, 29, 30 của Luật Xây dựng năm 2003. Cụ thể, UBND cấp xã lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, trình HĐND cùng cấp thông qua và trình UBND cấp huyện phê duyệt. Nội dung quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn bao gồm:

– Xác định các khu chức năng, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hướng phát triển cho từng điểm dân cư, thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán cho từng vùng để hướng dẫn nhân dân xây dựng;

– Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã phải xác định vị trí, diện tích xây dựng của các công trình: trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, các công trình giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại và các công trình khác…

Ngoài ra, quyết định sử dụng phương pháp thi công bằng tường trình đất nện, mái lợp ngói ống, vì kèo, cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ của UBND xã B là phù hợp với đặc điểm của địa phương với nguồn nguyên, vật liệu có sẵn, có thể dễ dàng thu mua hoặc thuê mướn nhân công tại chỗ hay huy động sự đóng góp ngày công lao động của bà con các dân tộc trong việc xây dựng trường; đồng thời cũng phù hợp với những nguyên tắc chung trong việc quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa như huy động cao nhất nguồn lực của nhân dân trong xã thuộc chương trình, gắn quyền lợi, trách nhiệm, tình cảm của nhân dân địa phương vào việc đầu tư, khai thác, sử dụng công trình có hiệu quả lâu dài. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã đặc biệt khó khăn cần đạt hai lợi ích: xã có công trình để phục vụ nhân dân, người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập từ lao động xây dựng công trình của xã. UBND xã B lập dự toán, thiết kế công trình và các hồ sơ có liên quan gửi UBND cấp huyện để thẩm định.

Hồ sơ công trình gồm:

– Tổng nhu cầu vốn để xây dựng và hoàn thành công trình, phân bổ chi tiết theo từng hạng mục công trình;

– Thiết kế và báo cáo dự kiến tiến độ thực hiện công trình;

– Dự kiến và cân đối các nguồn vốn bố trí cho công trình, trong đó có phần huy động nhân dân đóng góp.

Khi dự án đầu tư được phê duyệt, UBND xã B có trách nhiệm thành lập Ban quản lý công trình của xã. Ban quản lý công trình gồm có một Trưởng ban và các uỷ viên do Chủ tịch UBND xã chỉ định sau khi có sự bàn bạc, nhất trí của Thường trực HĐND xã, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể quần chúng cùng cấp khác. Ban quản lý công trình thực hiện các nhiệm vụ:

– Tổ chức, theo dõi thi công công trình bảo đảm đúng dự toán, đúng thiết kế và tiến độ được duyệt;

– Quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn đầu tư cho công trình;

Ban Tài chính xã có trách nhiệm tham mưu cho xã về dự toán công trình, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp của nhân dân, chịu trách nhiệm về mặt ghiệp vụ trong việc quản lý, sử dụng các khoản huy động đóng góp của nhân dân theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.

Chú ý: vì xã B là xã biên giới nên sẽ có các đơn vị bộ đội biên phòng hoặc/và bộ đội địa phương… đóng quân trên địa bàn, nên UBND xã B cần liên hệ với Ban chỉ huy các đơn vị bộ đội để các đơn vị này thu xếp hỗ trợ ngày công lao động trực tiếp thi công công trình trường học cho các cháu theo Thông tư liên tịch số 416/1999/TTLT/BKH-UBDTMN-BTC-BXD ngày 29/4/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học tại bản C là dự án đầu tư thuộc ngân sách xã B, trong đó có nguồn vốn cấp bổ sung từ ngân sách huyện Đình Lập và nguồn vốn do ngân sách xã thu trực tiếp (kể cả ngày công, vật tư đóng góp quy thành tiền). Do đó, đối với nguồn vốn bổ sung từ ngân sách huyện, Ban Tài chính xã giúp UBND xã tổng hợp kế hoạch vốn gửi Phòng Tài chính huyện; trên cơ sở thông báo mức chi của Phòng Tài chính huyện, Ban Tài chính xã phân bổ mức chi cho dự án rồi thông báo cho Kho bạc nhà nước huyện để làm căn cứ thanh toán. Đối với nguồn vốn do ngân sách xã thu trực tiếp, căn cứ vào kế hoạch vốn cả năm và khả năng thu, Ban Tài chính xã bố trí mức chi cho dự án rồi thông báo cho Kho bạc nhà nước huyện để làm căn cứ thanh toán theo Thông tư số 76/TC-ĐTPT ngày 01/11/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện, xã.

Các văn bản liên quan:

Quyết định 135/1998/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa

Thông tư liên tịch 416/1999/TTLT/BKH-UBDTMN-BTC-BXD Hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (theo Quyết định số 135/1998 /QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ)

Luật 16/2003/QH11 Xây dựng

Thông tư 76/TC-ĐTPT Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện, xã

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191