Tôi có một đời chồng, đã ly dị và có 1 cậu con trai chung với người chồng cũ. Hiện nay tôi đang nuôi cháu và chuẩn bị kết hôn với một Việt Kiều người Việt Nam, quốc tịch Đức.
Xin được hỏi:
1. Tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì để đi đăng ký kết hôn?(Chúng tôi sẽ đăng ký ở Đức, chỉ khai báo thủ tục di cư tại Đại sứ quán)
2. Tôi sẽ đưa con trai theo đi khi di cư, vậy khi làm thủ tục xuất cảnh, tôi có cần lấy chữ ký xác nhận của chồng cũ về việc đồng ý cho tôi đưa cháu đi hay không? Con tôi hiện hơn 3 tuổi và tôi nuôi cháu là hợp pháp theo phán quyết của Tòa án
Gửi bởi: Nguyễn Thị Thùy Hương
Trả lời có tính chất tham khảo
Thứ nhất, nếu bạn làm thủ tục kết hôn tại Đức và khai báo thủ tục di cư tại Đại sứ quán nên căn cứ theo hướng dẫn đăng kí kết hôn/đoàn tụ với vợ hoặc chồng tương lai của Đại sứ quán của Đức đặt tại Hà Nội thì bạn cần phải chuẩn bị những loại giấy tờ sau:
A- Về phía bạn khi xin cấp thị thực cần có:
1. Tờ khai xin cấp thị thực dài hạn 2 bản, khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.
2. 2 ảnh mới chụp, phông nền trắng, chụp chính diện.
3. Hộ chiếu của bạn khi xin cấp thị thực. Hộ chiếu phải còn giá trị và có chữ ký của bạn.
4. Chứng minh kiến thức tiếng Đức cơ bản của bạn về trình độ A1 theo mẫu chung châu Âu về ngôn ngữ.
5. Các giấy tờ bạn phải nộp kèm:
a) Quyết định ly hôn đã có hiêu lực pháp luật,
b) Bằng chứng về việc dự định kết hôn bên Đức của bạn là giấy xác nhận của Phòng Hộ tịch Đức.
Khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực, tất cả các giấy tờ nộp kèm phải còn giá trị.
B- Về phía người chồng tương lai tại Đức:
1. Giấy mời bạn sang Đức không cần theo mẫu.
2. Bản sao công chứng hộ chiếu.
3. Bản sao quyết đinh ly hôn liên quan tới các lần kết hôn trước (nếu có).
3. Giấy chứng nhận đăng ký địa chỉ thường trú do Phòng Đăng ký nhân khẩu tại Đức cấp.
4. Chứng nhận về tài chính (Giấy cam kết bảo lãnh có xác minh khả năng tài chính hoặc hợp đồng thuê nhà/ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà kèm theo chứng nhận thu nhập của 3 tháng gần nhất).
Ngoài bộ hồ sơ gốc phải nộp thêm hai bộ hồ sơ phô tô.
Thứ hai, bạn muốn đưa con riêng di cư sang Đức khi kết hôn thì bạn cần phải thực hiện các yêu cầu sau theo căn cứ của hướng dẫn thủ tục xin cấp thị thực đi đoàn tụ gia đình của Đại sứ quán Đức trụ sở tại Hà Nội. Quy định cụ thể như sau:
A- Về phía con bạn khi xin cấp thị thực cần có:
1. Tờ khai xin cấp thị thực dài hạn 2 bản, khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.
2. 2 ảnh mới chụp, phông nền trắng, chụp chính diện.
3. Hộ chiếu trẻ em đi kèm người lớn của con bạn khi xin cấp thị thực.
4. Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa bạn và con trai bạn đó là giấy khai sinh đã được chứng nhận của lãnh sự phải nộp bản chính hoặc bản sao nộp từ sổ gốc lưu tại cơ quan cấp
5. Các giấy tờ bạn phải nộp kèm là :
– Giấy cam kết của Cha đẻ đồng ý cho con đi sang Đức đoàn tụ với Mẹ. Bên phía Cha đẻ đưa ra cam kết phải trực tiếp đến Đại sứ quán Đức để kí tên vào văn bản cam kết và phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh. Mẫu giấy cam kết có ở trên trang chủ của Đại sứ quán Đức.
– Ngoài ra bên cạnh giấy cam kết bạn cần phải có giấy tờ chứng minh về “quyền nuôi con” của bạn đó là quyết định của tòa án về quyền nuôi con, quyết định ly hôn.
– Ngoài ra còn phải nộp sổ hộ khẩu gia đình có ghi địa chỉ thường trú hiện tại của con bạn.
B. Về phía bạn là người bảo lãnh tại Đức:
1. Giấy mời với mục đích đoàn tụ gia đình.
2. Bản sao công chứng hộ chiếu.
3. Bản sao quyết định ly hôn liên quan tới các lần kết hôn trước.
4. Vì bạn là người bảo lãnh không có quốc tịch Đức thì phải nộp bằng chứng về thu nhập (Chứng nhận mức thu nhập hiện nay, ít nhất là của ba tháng gần nhất / nếu người mời hành nghề tự do thì phải nộp bản báo cáo tài chính của năm trước) và bằng chứng về nhà ở (Hợp đồng thuê nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà).
5. Giấy chứng nhận đăng ký cư trú.
Đại sứ quán sẽ chuyển hồ sơ tới Sở Ngoại kiều tại Đức nơi thân nhân của người xin cấp thị thực cư trú (Theo điều 31 khoản 1 Luật Cư trú, khi giải quyết hồ sơ phải lấy ý kiến đồng ý của Sở Ngoại kiều).
Như vậy, chồng cũ của bạn phải trực tiếp đến Đại sứ quán Đức ký tên vào bản cam kết cho con đi sang Đức đoàn tụ với mẹ.
Các văn bản liên quan:
Luật 81/2006/QH11 Cư trú
Trả lời bởi: CTV2