Tháng 8 năm 2005, trong đợt kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị trên địa bàn, cán bộ phụ trách xây dựng phường QT, thành phố Lạng Sơn, phát hiện hộ gia đình ông Phạm Văn T ở trong ngõ X, phố N thuộc phường quản lý, đã có hành vi tự đục đường ống cấp nước của thành phố để dẫn nước vào nhà sử dụng mà không xin phép Công ty cấp nước thành phố là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng nguồn cấp nước, công trình kỹ thuật sản xuất nước và hệ thống phân phối nước. Cán bộ phụ trách xây dựng đã báo cáo việc vi phạm này của hộ gia đình ông T với lãnh đạo UBND phường QT. Chủ tịch UBND phường QT sẽ xử lý việc này như thế nào?
Gửi bởi: Admin Portal
Việc tự ý đục đường ống cấp nước của thành phố để dẫn nước vào nhà sử dụng mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền của ông T là việc làm vi phạm pháp luật, mà cụ thể ở đây là vi phạm quy định tại Quyết định số 18/2003/QĐ-UB ngày 06/8/2003 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý quy hoạch đô thị và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn của tỉnh. Theo Quyết định này, UBND cấp phường, xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ nguồn nước, vi phạm hệ thống cấp nước đô thị và vi phạm giấy phép mắc nước. Đồng thời, Công ty cấp nước thành phố Lạng Sơn và các đơn vị cấp nước của các huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn trong việc xử lý các hành vi vi phạm hệ thống cấp nước đô thị; cấp giấy phép mắc nước cho cá nhân có nhu cầu sử dụng nước và quản lý việc thực hiện giấy phép theo quy định tại Điều 11, điểm b khoản 3.5 và điểm b, c khoản 3.6 Quyết định số 18/2003/QĐ-UB. Vì vậy, thẩm quyền xử lý trường hợp vi phạm này thuộc về UBND phường QT và Công ty cấp nước thành phố Lạng Sơn, cụ thể như sau:
– UBND phường QT tiến hành lập biên bản về việc làm vi phạm pháp luật của ông T đối với hành vi tự ý đục đường ống cấp nước của thành phố để dẫn nước về nhà sử dụng. Tiến hành việc xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 29 và Điều 43 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND phường QT có quyền phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng mạng lưới cấp nước đô thị, cụ thể là đối với hành vi đấu nối đường ống cấp nước không đúng quy định của ông T.
– Thông báo việc làm vi phạm pháp luật của ông T cho Công ty cấp nước thành phố biết để Công ty đến kiểm tra hiện trường việc đục đường ống nước của ông T; đồng thời xác định ngày, giờ để mời đại diện Công ty và yêu cầu ông T cùng đến UBND phường làm việc.
– Về nội dung cuộc làm việc: Ông T tường trình lại việc làm vi phạm pháp luật của mình như đục đường ống nước từ bao giờ, đã sử dụng nước trong thời gian bao lâu, quá trình đục đường ống nước có gây hư hỏng đường ống hay không, hướng khắc phục hậu quả của việc làm vi phạm này như thế nào?… Đại diện Công ty cấp nước thành phố trình bày kết quả kiểm tra việc đục đường ống nước của ông T về: hậu quả của vụ việc, có cần thiết phải sửa chữa, gia cố gì thêm không, có phải truy thu tiền sử dụng nước hay không, nếu có thì căn cứ tính thế nào, và tổng số tiền phải truy thu là bao nhiêu?… UBND phường QT đề nghị Công ty cấp nước cho phép ông T tiếp tục sử dụng nước, nếu Công ty cho phép thì ông T phải làm những thủ tục gì? Trong trường hợp ông T không tiếp tục sử dụng nước thì mọi chi phí phá dỡ đường ống nước của ông T và chi phí hàn gắn khôi phục đường ống cấp nước của thành phố sẽ do ông T hoàn toàn chịu trách nhiệm thanh toán.
– UBND phường lập biên bản về nội dung cuộc làm việc và ra quyết định (nếu cần) để các bên (Công ty cấp nước và ông T) thi hành.
Các văn bản liên quan:
Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định 126/2004/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà
Trả lời bởi: Admin Portal