Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như thế nào?

Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng như thế nào?


Năm 1990, khi còn quan hệ hôn nhân giữa ba tôi và mẹ kế, ba tôi có mua 1 lô đất, hợp đồng mua bán chỉ có ba tôi đứng tên, hợp đồng có sự xác nhận của địa phương. Năm 1998, ba tôi ly hôn với mẹ kế. Có thể không có hoặc do thất lạc chứng từ mà hiện giờ tôi không có chứng từ nào về thỏa thuận phân chia tài sản. Những gì tôi được ba tôi nói lại là mẹ kế tôi đã nhận một khoản tiền từ ba tôi và 2 người chia tay. Được biết mẹ kế tôi đã nhập quốc tịch nước ngoài, ra nước ngoài sinh sống và hiện không liên lạc được. Tháng 10/2001, lô đất trên được cấp giấy chứng nhận tạm thời (lý do vì nằm trong khu vực qui hoạch nên không cấp được sổ đỏ).

Năm 2005 ba tôi qua đời, tôi được thừa kế lô đất này theo di chúc ba tôi lập trước đó, di chúc được lập có xác nhận của chủ tịch UBND phường (ký và đóng dấu). Thời điểm mở di chúc, tôi có 1 người em trai đã đủ tuổi thành niên (19 tuổi 5 tháng) và đủ sức lao động, đây là con của ba tôi và mẹ kế, hiện đang sống với mẹ ở nước ngoài và cũng đã nhập quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này:

1. Di chúc của ba tôi có hợp pháp không? Nếu có hoặc không thì qui định tại văn bản nào?

2 Mẹ kế của tôi có quyền đối với lô đất tôi được thừa kế hay không? Nếu có hoặc không thì qui định tại văn bản nào?

Gửi bởi: Lê Việt Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo nội dung câu hỏi của bạn thì cha và mẹ kế bạn đã ly hôn năm 1998 và đã có thỏa thuận phân chia di sản. Đất cha bạn mua năm 1990 cho đến nay vẫn đứng tên một mình cha bạn, năm 2001 cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tạm thời cho riêng cha bạn (cha và mẹ kế bạn đã ly hôn) vậy nên tài sản này thuộc quyền sở hữu của cha bạn. Do vậy mẹ kế bạn không có quyền sử dụng đất chung với cha bạn. Tuy nhiên, nếu mẹ kế bạn chứng minh được rằng mảnh đất mà bạn nêu là tài sản chung của cha vè mẹ kế bạn trong thời kỳ hôn nhân chưa được chia thì mẹ bạn vẫn có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó.

Theo quy định tại Điều 27, Luật Hôn nhân và Gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.”

Tại thời điểm mua đất (năm 1990, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 chưa được ban hành) pháp luật chưa bắt buộc cả hai vợ chồng phải đứng tên trên tài sản chung hợp nhất. do đó, nếu chứng minh được tài sản này chưa được chia thì là tài sản chung của hai người.

Năm 2005, cha bạn mất và để lại di chúc với nội dung để lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bạn thì bạn chỉ được hưởng phần di sản thừa kế là phần tài sản thuộc quyền sở hữu của cha bạn khi còn sống.

Về tính hợp pháp của di chúc, chúng tôi chưa rõ trường hợp cha bạn lập di chúc trong điều kiện, hoàn cảnh như thế nào nên bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 652, Bộ luật Dân sự 2005 về di chúc hợp pháp như sau :

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: z

1900.0191