Xây dựng công trình, tự ý mở đường ngang qua đường sắt, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt

Xây dựng công trình, tự ý mở đường ngang qua đường sắt, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt

Sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn công bố Quyết định số 53/2001/QĐ-UB ngày 02/10/2001 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn) đến năm 2020, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến, có trụ sở tại phường N, thành phố Lạng Sơn, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh đồ gỗ nhận thấy tuyến đường sắt dài 14km chạy qua thành phố có 02 ga Lạng Sơn và Yên Trạch. Ga Lạng Sơn là ga hành khách, còn ga Yên Trạch được cải tạo nâng cấp thành ga chuyên chở hàng hoá, phục vụ cho toàn thành phố và khu công nghiệp. Hiện tại và trong tương lai, khu vực ga Yên Trạch sẽ phát triển tương đối nhanh, hơn nữa, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở khu vực này không cao như những khu vực khác và thuận tiện cho giao thông, nên tháng 02.2006, được phép của cơ quan có thẩm quyền, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến đã đầu tư xây dựng một xưởng chế biến gỗ rộng 2.000m2 tại đây. Tuy nhiên, do địa điểm xây dựng nhà xưởng ở phía bên kia đường xe lửa, cho nên từ trụ sở của doanh nghiệp ở vị trí đối diện của đường nhựa bên này muốn vào nhà xưởng bên kia đường sắt phải đi vòng một đoạn khá xa (khoảng 500m) mới có đường ngang qua đường sắt, rồi từ đó quay lại mới đến được nhà xưởng, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến đã tự động san lấp mở một đường ngang băng qua đường sắt để tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của mình. Nhân viên tuần tra đường sắt khu gian Lạng Sơn – Yên Trạch khi phát hiện ra việc làm sai phạm này của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến đã thông báo để yêu cầu UBND phường N xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND phường N sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ theo giấy phép đầu tư xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp là đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này tự ý mở đường ngang (là đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt) để đi qua đường sắt mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền là việc làm vi phạm pháp luật, thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Đường sắt năm 2005. Vì vậy, việc làm này của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến cần phải bị xử lý theo quy định của điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 44/2006/NĐ-CP về xử lý vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt đối với hành vi tự ý mở đường ngang qua đường sắt.

Theo đó, Chủ tịch UBND phường N cần tiến hành các công việc sau:

– Cử cán bộ phụ trách xây dựng đến hiện trường kiểm tra và lập biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt đối với hành vi tự ý mở đường ngang qua đường sắt của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến và yêu cầu Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến đến trụ sở UBND phường làm việc;

– Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch UBND phường N ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến; đồng thời yêu cầu Doanh nghiệp này làm cam kết tự phá bỏ đường ngang qua đường sắt mà mình đã tự ý mở. Trong trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến xin hoãn chấp hành để xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép mở đường ngang qua đường sắt thì yêu cầu Doanh nghiệp làm bản cam kết không sử dụng đường ngang này trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải cho phép và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này.

– Lập hồ sơ gửi lên UBND thành phố Lạng Sơn để xử lý theo thẩm quyền (ví dụ, ra quyết định cưỡng chế phá bỏ đường ngang mở trái phép của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Yến…).

Các văn bản liên quan:

Luật 35/2005/QH11 Đường sắt

Nghị định 44/2006/NĐ-CP Về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191