Tháng 01/2005, anh Xuân bị UBND xã xử phạt hành chính do có hành vi ngược đãi mẹ kế. Ngày 25/01/2005, anh Xuân đã thi hành xong quyết định xử phạt hành chính. Đến tháng 8/2006, anh Xuân tiếp tục có hành vi hành hạ mẹ kế. Chi hội phụ nữ thôn đã kiến nghị Chủ tịch UBND xã có biện pháp xử lý nghiêm khắc hành vi tái phạm của anh Xuân. UBND xã đã căn cứ quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999 để chuyển hồ sơ cho Công an huyện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Xuân. Trong trường hợp này, hành vi của anh Xuân sẽ bị xử phạt hành chính hay bị xử lý hình sự?
Gửi bởi: Admin Portal
Trả lời có tính chất tham khảo
Trong khoảng thời gian từ tháng 01/2005 đến tháng 8/2006, anh Xuân đã hai lần thực hiện cùng một hành vi là hành hạ, ngược đãi mẹ kế. Tính chất tái phạm cho thấy hành vi của anh Xuân thể hiện mức độ nghiêm trọng.
– Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về “Tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng” và hướng dẫn tại tiết b điểm 7.2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001, thì một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này khi người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình đã bị xử phạt hành chính về chính hành vi này mà còn vi phạm.
– Theo hướng dẫn tại điểm 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001, thì chỉ coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi nêu trên nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Theo Điều 10 Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên gây tổn hại về sức khỏe, gây tổn thương về tinh thần đối với thành viên gia đình mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;
b) Ép buộc thành viên gia đình thực hiện hành vi trái pháp luật;
c) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ;
d) Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ;
đ) Nuôi các con vật, trồng các loại cây gây hại cho sức khỏe của thành viên gia đình tại nơi ở của thành viên đó;
e) Ép buộc thành viên gia đình phải xem, nghe, đọc những văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, văn hóa phẩm độc hại, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh đối với hành vi quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Bộ Luật 15/1999/QH10 Hình sự
Nghị định 110/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình
Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999
Trả lời bởi: z