Chị Mão và anh Vương kết hôn được hơn 10 năm và có 2 con chung. Theo yêu cầu, anh Vương và chị Mão đã được Toà án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn. Khi ly hôn, chị Mão có nguyện vọng xin được nuôi cả 2 con nhưng do sự phản đối của anh Vương nên Toà án quyết định anh Vương được quyền nuôi con gái lớn đã 7 tuổi, còn chị Mão được quyền nuôi con trai mới 3 tuổi.
Sau khi ly hôn, bà Gái, mẹ anh Vương tuyên bố cấm chị Mão về nhà cũ để thăm con. Nghe tin con gái bị ốm, phải nghỉ học, anh Vương bận việc ở xa, còn mẹ chồng lại không đưa cháu đi khám bệnh nên chị Mão về nhà chồng để chăm sóc con. Ba ngày liên tục chị đến để được gặp con và xin mẹ chồng cho cháu về nhà mình vài ngày để chữa bệnh nhưng đều bị bà Gái kiên quyết từ chối. Chị Mão đã đến UBND phường, nơi gia đình chồng cũ đang cư trú đề nghị chính quyền can thiệp. Chủ tịch UBND phường đã cử cán bộ tư pháp phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân phố đến nhà anh Vương để yêu cầu bà Gái chấm dứt hành vi ngăn cản chị Mão. Nhưng sau khi cán bộ tư pháp về, bà Gái vẫn kiên quyết không cho chị Mão vào nhà gặp con. UBND phường phải làm gì để bảo vệ quyền thăm nom con của chị Mão?
Gửi bởi: Admin Portal
Trả lời: Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong tình huống trên, việc mẹ chồng chị Mão ngăn cản chị Mão thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con của chị là hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Hành vi của mẹ chồng chị Mão thoả mãn các dấu hiệu về vi phạm hành chính quy định tại Điều 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về quyền thăm nom con là hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn. Trong tình huống này, mẹ chồng chị Mão đã kiên quyết ngăn cản việc chị Mão chăm sóc con ít nhất trong thời gian 03 ngày liền và hành vi vi phạm này vẫn tiếp diễn ngay cả khi chính quyền đã can thiệp. Mặt khác, con gái chị Mão đang trong tình trạng ốm đau, cần được chăm sóc và chữa bệnh kịp thời. Do đó, UBND phường, nơi hành vi vi phạm quyền thăm nom con của chị Mão đang diễn ra cần tích cực, kiên quyết áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với bà Gái để răn đe đối tượng vi phạm, đồng thời bảo vệ quyền của chị Mão, ngăn ngừa hậu quả xấu xảy ra đối với cháu bé khi không được chữa bệnh kịp thời.
Khi thực hiện việc xử phạt hành chính đối với hành vi của bà Gái, UBND phường cần chú ý các vấn đề sau:
– Về hình thức xử phạt
Điều 15 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP quy định, hành vi vi phạm quy định về thăm nom con có thể áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền thì khung tiền phạt có mức tối thiểu là 20.000 đồng, mức tối đa là 100.000 đồng. Với tính chất vi phạm của bà Gái trong tình huống này (đã được cán bộ tư pháp yêu cầu chấm dứt hành vi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm) thì việc áp dụng hình thức phạt tiền là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm mục đích răn đe, giáo dục.
– Về thủ tục xử phạt
Hành vi vi phạm của bà Gái đang diễn ra, do đó, để bảo đảm hiệu quả của việc xử phạt, Chủ tịch UBND phường cần có mặt tại gia đình bà Gái để đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tạo điều kiện để chị Mão thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con.
Đồng thời, cần áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đơn giản để xử phạt tại chỗ, phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục đối với đối tượng vi phạm.
Khi áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản, cần lưu ý là Nghị định số 87/2001/NĐ-CP quy định thủ tục xử phạt đơn giản được áp dụng đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 20.000 đồng. Tuy nhiên, Điều 54 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 1 số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban thường vụ quốc hội số 04/2008/UBTVQH ngày 2/4/2008 đã nâng mức tiền phạt theo thủ tục đơn giản lên 200.000 đồng, do đó, trong trường hợp Chủ tịch UBND phường quyết định phạt tiền về hành vi vi phạm của bà Gái với mức phạt đến 200.000 đồng thì vẫn có thể áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản.
Trong trường hợp này, việc xử phạt không cần phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính mà Chủ tịch UBND phường ra quyết định xử phạt tại chỗ.
Trong quá trình thực hiện việc xử lý vi phạm của bà Gái, chính quyền phường cần phân tích, giải thích cho bà Gái hiểu quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền thăm nom con của người mẹ sau khi ly hôn, đồng thời phân tích rõ tính chất vi phạm của hành vi đã thực hiện để đương sự không tiếp diễn hành vi. Sau khi thực hiện việc xử phạt, Chủ tịch UBND phường cần giao trách nhiệm cho Tổ trưởng Tổ dân phố nơi bà Gái cư trú thực hiện việc theo dõi, giám sát để ngăn ngừa hành vi tái phạm của đương sự.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Nghị định 87/2001/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: z