Tôi đang là công chứng viên của Phòng Công chứng ở tỉnh A (quyết định bổ nhiệm công chứng viên năm 1997). Nay tôi muốn xin thôi việc để ra mở Văn Phòng công chứng tại tỉnh A thì phải làm thủ tục như thế nào? Xin được tư vấn, chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: lttha
Trả lời có tính chất tham khảo
Về vấn đề bạn hỏi thì khoản 2 Điều 4 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng có quy định về việc bổ nhiệm công chứng viên đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng như sau:
– Công chứng viên của Phòng Công chứng đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng không quá một năm thì vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có thể thành lập Văn phòng công chứng hoặc tham gia Văn phòng công chứng đang hoạt động. Thời gian không quá một năm được tính từ ngày có quyết định nghỉ hưu hoặc cho thôi việc đến ngày nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng hoặc được tiếp nhận là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng hoặc ký hợp đồng làm việc với Văn phòng công chứng.
– Công chứng viên nghỉ hưu hoặc thôi việc quá một năm nếu có nguyện vọng hành nghề công chứng thì phải làm thủ tục bổ nhiệm lại công chứng viên.
Như vậy, khi đang là Công chứng viên của Phòng công chứng tỉnh, nếu muốn thôi việc để mở Văn phòng công chứng thì bạn cần phải tiến hành các thủ tục như sau:
(i)Bước 1: Làm thủ tục thôi việc theo nguyện vọng;
(ii)Bước 2: Làm thủ tục bổ nhiệm công chứng viên. Nếu bạn thôi việc theo nguyện vọng không quá một năm (tính đến ngày làm thủ tục thành lập Văn phòng công chứng hoặc tham gia Văn phòng công chứng đang hoạt động) thì không phải làm thủ tục này. Nếu bạn thôi việc quá một năm thì bạn phải làm thủ tục bổ nhiệm công chứng viên.
(iii)Bước 3: Làm thủ tục thành lập Văn phòng công chứng.
1. Thủ tục xin thôi việc.
Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, thủ tục giải quyết thôi việc đối với trường hợp thôi việc theo nguyện vọng được thực hiện như sau:
– Công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại điểm c khoản này;
– Các lý do không giải quyết thôi việc:
+ Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;
+ Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.
2. Thủ tục bổ nhiệm lại công chứng viên (đối với trường hợp bạn đã thôi việc quá 01 năm kể từ ngày có quyết định thôi việc đến ngày nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng).
Theo Điều 18 Luật Công chứng:
* Người hoàn thành tập sự hành nghề công chứng có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Sở Tư pháp ở địa phương nơi đăng ký tập sự, gồm có:
– Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên;
– Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật;
– Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
– Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng;
– Báo cáo kết quả tập sự hành nghề công chứng có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn;
– Sơ yếu lý lịch;
– Giấy chứng nhận sức khoẻ.
* Người được miễn đào tạo nghề công chứng, người được miễn tập sự hành nghề công chứng có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Bộ Tư pháp, gồm có:
– Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên;
– Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật hoặc bằng tiến sỹ luật;
– Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng;
– Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
– Sơ yếu lý lịch;
– Giấy chứng nhận sức khoẻ.
* Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
* Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Tư pháp, người nộp hồ sơ. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Người được bổ nhiệm công chứng viên thì được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp thẻ công chứng viên.
3. Thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động văn phòng công chứng.
Theo Điều 7Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng thì hiện nay:Không khuyến khích loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập.Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, có chính sách khuyến khích phát triển loại hình Văn phòng công chứng dohai công chứng viên trở lên thành lập và chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập sang loại hình Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập.
Như vậy, nếu làm thủ tục thành lập Văn phòng công chứng thì bạn nên thành lập loại hình Văn phòng công chứng dohai công chứng viên trở lên thành lập (được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh theo Khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng).
Thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng:
Bước 1: Đề nghị thành lập (theo Điều 27 Luật Công chứng).
* Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ gồm có:
– Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;
– Đề án thành lập Văn phòng công chứng nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
– Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên.
* Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Đăng ký hoạt động (theo Điều 27 Luật Công chứng).
* Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp của địa phương cho phép thành lập.
Hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng (theo Điều 8 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng) bao gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu;
– Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này;
Trong trường hợp trụ sở là nhà thuê, mượn thì phải kèm theo hợp đồng thuê, mượn nhà có thời gian tối thiểu là năm năm kể từ ngày làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng;
– Giấy tờ chứng minh nơi đăng ký thường trú tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở Văn phòng công chứng của công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng, công chứng viên là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng đối với Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập.
* Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
* Văn phòng công chứng được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
* Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, nếu Văn phòng công chứng không hoạt động hoặc trong trường hợp Văn phòng công chứng không hoạt động liên tục từ ba tháng trở lên thì Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động.
* Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng không đăng ký hoạt động hoặc trong trường hợp Văn phòng công chứng bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng.
Bước 3: Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (Điều 29 Luật Công chứng).
Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi của Văn phòng công chứng, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan Công an cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi Văn phòng công chứng đặt trụ sở.
Bước 4:Đăng báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng (Điều 30 Luật Công chứng).
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng công chứng phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung sau đây:
– Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng;
– Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm công chứng viên của công chứng viên hành nghề trong Văn phòng công chứng;
– Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động.
Khi thành lập và hoạt động Văn phòng công chứng, bạn cần lưu ýmột số vấn đề sau:
* Về tên gọi của Văn phòng công chứng (theo Điều 8Thông tư số 11/2011/TT-BTP)
– Tên gọi của Văn phòng công chứng phải tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Công chứng (Tên gọi của Văn phòng công chứng do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc) và không được đánh số thứ tự gây nhầm lẫn với tên gọi của Phòng công chứng; không được lấy địa danh của địa bàn khác hoặc họ và tên của công chứng viên khác, tên của tổ chức hành nghề công chứng đã đăng ký đặt tên cho Văn phòng công chứng của mình.
– Khi có nhu cầu thay đổi tên gọi, Văn phòng công chứng phải có văn bản gửi Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Trong thời hạn bảyngày làm việc, Sở Tư pháp xem xét, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng.
* Về biển hiệu của tổ chức hành nghề công chứng (theo Điều 9Thông tư số 11/2011/TT-BTP).
Biển hiệu của tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo các quy định của pháp luật về viết, đặt biển hiệu. Biển hiệu của tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo Mẫu TP-CC-05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 46/2010/NĐ-CP Quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức
Nghị định 04/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng
Thông tư 11/2011/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng
Trả lời bởi: CTV3