Bốn anh em tôi được cha mẹ chia cho mỗi người một mảnh đất, đã được UBND thị trấn chứng thực (trước đây UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực Hợp đồng này). Nay, anh em chúng tôi muốn yêu cầu hủy Hợp đồng. Liên hệ UBND nơi chứng thực trước đây thì được trả lời là liên hệ các phòng công chứng. Liên hệ các phòng công chứng thì được trả lời là trách nhiệm hủy thuộc nơi chứng thực ban đầu. Vậy xin hỏi tôi phải liên hệ ở đâu?
Gửi bởi: Võ Thái Hà
Trả lời có tính chất tham khảo
Hợp đồng tặng cho của gia đình bạn có chứng thực tại Ủy ban nhân dân thị trấn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Hiện nay, Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực sao từ bản chính, chứng thực chữ ký ra đời đã phân biệt rõ hai thủ tục công chứng và chứng thực. Theo đó, việc công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật được chuyển giao cho các tổ chức công chứng (gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng); UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Về việc hủy hợp đồng theo yêu cầu của bạn thì theo Điều 44 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP được quy định như sau:
– Đối với hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, thì việc sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ hợp đồng đó cũng phải được công chứng, chứng thực và việc công chứng, chứng thực đó có thể được thực hiện tại bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nào, trừ trường hợp quy định tại Điều 23 của Nghị định này (thẩm quyền địa hạt của cơ quan công chứng, chứng thực khi công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trong địa phương).
– Quy định trên cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hợp đồng, nếu các bên giao kết yêu cầu công chứng, chứng thực việc huỷ bỏ hợp đồng đó.
Như vậy, nếu theo Nghị định số 75/2010/NĐ-CP thì khi hủy hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu tại bất kỳ cơ quan công chứng, chứng thực nào mà không phụ thuộc vào việc hợp đồng trước đó được công chứng, chứng thực ở đâu.
Nhưng Luật Công chứng đã quy định lại vấn đề hủy hợp đồng như sau:
– Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
– Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
Trở lại với trường hợp của bạn, thực tế hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, chính vì vậy chúng tôi chưa thể đưa ra hướng dẫn cụ thể cho bạn được. Đúng như bạn nói, UBND cấp xã không còn thẩm quyền chứng thực nữa; và tổ chức công chứng cũng không thể hủy bỏ hợp đồng, giao dịch của bạn được. Để giải quyết trường hợp này, theo chúng tôi phương án tốt nhất là giao cho tổ chức hiện đang lưu giữ hồ sơ thực hiện việc hủy hợp đồng, giao dịch đó, như hướng dẫn tại khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng: “công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch”. Tuy nhiên, hiện tại thì chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc chuyển giao hồ sơ do UBND cấp xã chứng thực trước đây cho các tổ chức công chứng. Việc chuyển giao này hiện nay mới chỉ dừng lại ở chỉ đạo của Chính phủ về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về công chứng, cụ thể tại điểm l Điều 23 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013: “Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những địa bàn đã thực hiện chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng bàn giao cho tổ chức hành nghề công chứng hồ sơ về những hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực, trong trường hợp có yêu cầu công chứng sửa đổi, bổ sung các hợp đồng, giao dịch đó”. Tuy nhiên, Nghị định này đến ngày 25/02/2013 mới có hiệu lực và cũng phải đợi một thời gian nhất định thì quy định trên mới tiếp tục được UBND cấp tỉnh triển khai trên thực tế.
Từ thực tế trên thì việc hủy hợp đồng, giao dịch của gia đình bạn có lẽ phải chờ những hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới. Hoặc, bạn có thể liên hệ tới Sở tư pháp tỉnh, thành nơi có bất động sản đó để được hướng dẫn giải quyết. Mong rằng gia đình bạn sớm thực hiện được yêu cầu của mình.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 75/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá
Luật 82/2006/QH11 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3