Pháp luật quy định như thế nào về phạm vi, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án?
Gửi bởi: Phạm Đức Minh
Trả lời có tính chất tham khảo
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định phạm vi, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án như sau:
Trong hoạt động thi hành án dân sự phạm vi trách nhiệm bồi thường được quy định tại Điều 38
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
1. Ra hoặc cố ý không ra quyết định:
a) Thi hành án;
b) Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án;
c) Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
d) Cưỡng chế thi hành án;
đ) Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án. e) Hoãn thi hành án;
g) Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;
h) Tiếp tục thi hành án.
2. Tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.”
Đối với hoạt động thi hành án hình sự Điều 39 quy định:
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
1. Ra quyết định thi hành án tử hình đối với người có đủ điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự;
2. Giam người quá thời hạn phải thi hành án phạt tù theo bản án, quyết định của Toà án;
3. Không thực hiện quyết định hoãn thi hành án đối với người bị kết án, quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù;
4. Không thực hiện quyết định giảm án tù, quyết định đặc xá, quyết định đại xá.”
Điều 40 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án:
“1. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự là trại giam, trại tạm giam, cơ quan quản lý nhà tạm giữ, cơ quan công an có thẩm quyền và Toà án ra quyết định thi hành án.
2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.
3. Trường hợp cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan đó tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường hoặc có sự uỷ quyền, uỷ thác thực hiện công vụ thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 14 của Luật này.”
Các văn bản liên quan:
Luật 35/2009/QH12 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Trả lời bởi: hoidapphapluat