Câu hỏi: Cho vay lãi suất bao nhiêu thì là vi phạm pháp luật
Tôi có một vài khoản tiền nhàn rỗi nên đem cho một số người vay để làm ăn, khi vay tôi có cho họ lập giấy tờ đàng hoàng và ghi rõ số tiền lãi hàng tháng phải trả, tôi có băn khoăn cần được giải đáp đó là số tiền lãi này có quy định là quá bao nhiêu % so với lãi của ngân hàng nhà nước là vi phạm pháp luật, vậy hiện tại thời điểm này lãi của ngân hàng nhà nước là bao nhiêu?
Luật sư Tư vấn Cho vay lãi suất bao nhiêu thì là vi phạm pháp luật – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 28 tháng 08 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Thông tư 39/2016/TT-NHNN
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN
Quyết định số 1425/QĐ-NHNN
Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009
3. Luật sư trả lời
Cho vay tiền là hoạt động trong đó, người có tiền tạm thời nhàn dỗi đồng ý chuyển quyền sử dụng của khoản tiền nhàn dỗi của mình cho người khác trong một thời gian nhất định để đổi lại một khoản lợi nhất định. Hoạt động cho vay tiền là nhu cầu tất yếu của thị trường do vậy, pháp luật không cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cho vay tiền. Tuy nhiên, vì mục đích đảm bảo trật tự an ninh xã hội, trong một số trường hợp nhà nước quy định mức trần lãi suất khi cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động này.
Đối với Tổ chức tín dụng, Chi nhánh nước ngoài, Công ty tài chính.
Ngày 30 tháng 12 năm 2016 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hai thông tư 39/2016/TT-NHNN và thông tư 42/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài và công ty tài chính (sau đây gọi chung là tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng). Hai thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 và đã tạo lập một khuôn khổ hoàn toàn mới về hoạt động cho vay.
Theo Điều 13 thông tư 39/2016/TT-NHNN và Điều 9 thông tư 42/2016/TT-NHNN, Tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về lãi xuất tối đa trong từng thời kỳ để nhằm đáp ứng một số nhu cầu về vốn sau:
– Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
– Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
– Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
– Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
Như vậy, lãi suất tối đa hay trần lãi suất chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nếu không thuộc các trường hợp này thì hoạt động cho vay không có trần lãi suất và việc quy định lãi suất hoàn toàn phụ thuộc vào các bên và sự điều chỉnh của thị trường. Điều 1 Quyết định 1425/QĐ-NHNN quy định về mức lãi suất tối đa cho vay ngắn hạn đối với tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng như sau:
Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,5%/năm.
Đối với cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài, công ty tài chính
Các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh nước người, công ty tài chính khi thực hiện hoạt động cho vay sẽ thuộc sự điều chỉnh của Luật Dân sự. Trong hợp đồng cho vay tài sản trong quan hệ dân sự, các bên có thể thỏa thuận về lãi suất nhưng lãi suất này không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật khác có liên quan quy định (Điều 468 Bộ luật dân sự 2015).
Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi theo điều 163 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 sau đây:
Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN