Câu hỏi: Điều kiện để xuất khẩu thú nuôi, sinh vật cảnh sang châu Âu
Công ty tôi muốn xuất khẩu cá cảnh và một số sinh vật cảnh ra nước ngoài nhưng còn chưa rõ về thủ tục cũng như những yêu cầu khác của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nước đối phương, xin công ty Luật giúp đỡ chúng tôi tìm hiểu về vấn đề trên được không ạ?
Luật sư Tư vấn Điều kiện để xuất khẩu thú nuôi, sinh vật cảnh sang châu Âu – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 22 tháng 08 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
– Luật Thú y 2015
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài (bổ sung năm 2016)
3. Luật sư trả lời
Theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP, những hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép thì cần phải có giấy phép xuất khẩu, những hàng hóa có yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng thì cần phải qua sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan. Với những hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và các hàng hóa không thuộc diện xuất khẩu theo giấy phép cũng như phải qua sự kiểm duyệt của cơ quan có thẩm quyền thì chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu. (Điều 4)
Thú nuôi, sinh vật cảnh nếu thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) thì không được phép xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền công bố các danh mục cụ thể, cấm xuất khẩu đối với:
– Động vật, thực vật hoang dã quý hiếm và giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm thuộc nhóm IA-IB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã quý hiếm trong “sách đỏ” mà Việt Nam đã cam kết với các tổ chức quốc tế.
– Các loài thủy sản quý hiếm.
– Giống vật nuôi và giống cây trồng thuộc Danh mục giống vật nuôi quý hiếm và giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 và Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004.
Thú nuôi, sinh vật cảnh nếu thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) thì cần phải có giấy phép xuất khẩu để được xuất khẩu. Các danh mục cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, bao gồm các đối tượng:
– Động vật, thực vật hoang dã quý hiếm trên cạn, nguy cấp cần kiểm soát xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
– Động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm trên cạn thuộc nhóm IIA và IIB quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ
– Giống cây trồng và giống vật nuôi quý hiếm.
– Cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước.
– Các loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện
Theo quy định tại điều 37, 35, 38, 54 Luật Thú y, thú nuôi, sinh vật cảnh nếu có trong các Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch, Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì trước khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, động vật thủy sản do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi xuất phát cấp
– Động vật, động vật thủy sản phải khỏe mạnh,
– Không làm lây lan dịch bệnh động vật, không gây hại đến sức khỏe con người.
Chú ý, theo điều 70 Luật thú y, khi vận chuyển thú nuôi, sinh vật cảnh phải bằng phương tiện vận chuyển, vật chứa đựng bảo đảm những yêu cầu vệ sinh thú y như sau:
– An toàn kỹ thuật để bảo vệ động vật trong quá trình vận chuyển
– Bảo đảm không để thoát nước thải và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển
– Nước thải, chất thải trong quá trình vận chuyển phải được thu gom, xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
– Đối với phương tiện vận chuyển kín phải có hệ thống cung cấp dưỡng khí hoặc thông khí thích hợp
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN