Câu hỏi: Phanh dừng đèn đỏ đột ngột, bị người đi sau gây tai nạn xử lý thế nào
Tôi đang trên đường đi đón con, khi đi qua Ngã tư sở thì có phanh gấp để dừng đèn đỏ ở phía đường Trường Chinh, nhưng bất ngờ một ô tô lao từ đằng sau lên và va chạm với xe tôi, xe tôi bị vỡ đèn hậu, đèn xin nhan, hư hỏng toàn bộ bô và vỏ đuôi xe, nhưng khi tranh luận người đàn ông này lại đổ lỗi cho tôi là dừng đột ngột nên anh ta không kịp tránh. Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp này là ai sai?
Luật sư Tư vấn Phanh dừng đèn đỏ đột ngột, bị người đi sau gây tai nạn xử lý thế nào – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 14 tháng 07 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Dân sự 2015
– Luật Giao thông đường bộ 2008
– Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
3. Luật sư trả lời
Luật Giao thông đường bộ quy định, khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe phải giữ tốc độ và khoảng cách bảo đảm an toàn. Khi đến nơi giao nhau, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ. Khoản 1 điều 12 Luật Giao thông đường bộ quy định:
“Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo ‘Cự ly tối thiểu giữa hai xe’ phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.”
Cụ thể, theo điều 12 thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
>60 | 35 |
80 | 55 |
100 | 70 |
120 | 100 |
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Như vậy, các phương tiện khi tham gia giao thông có trách nhiệm giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước xe của mình để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 điều 5 thông tư 91/2015/TT-BGTVT, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn).
Vậy dựa theo những dẫn chiếu trên, trong trường hợp của bạn việc bạn đột ngột phanh gấp khi đi qua điểm giao thông đường bộ giao nhau là bạn đã có lỗi không làm chủ được tốc độ của mình, và không tiến hành giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trước vạch ngăn cách. Tuy nhiên, phương tiện giao thông lưu thông phía sau bạn cũng phạm lỗi tương tự như bạn và còn có thêm lỗi không đảm bảo được khoảng cách an toàn đối với phương tiện đằng trước.
Vì những lẽ trên, do cả hai phía cùng có lỗi trong vụ tai nạn nên hai bên cần tỉnh táo xem xét kỹ tình huống cũng như cân nhắc thiệt hại đã xảy ra của cả hai bên để có thể thoả thuận về việc bồi thường tránh những mâu thuẫn không đáng có.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN