Câu hỏi: Chế độ bảo hiểm của công nhân bị tai nạn lao động
Bố tôi khi đi làm việc xây dựng công trình tòa nhà cho công ty đã bị tai nạn lao động và phải nhập viện 2 tuần nay chưa được về, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng, hoàn cảnh gia đình tôi rất nghèo, tiền khám chữa bệnh cho bố tôi lại quá lớn làm gia đình tôi vay mượn cũng không đủ, tôi muốn xin hỏi, nhà nước hay công ty chỗ bố tôi làm có trách nhiệm gì không, để tôi có thể trực tiếp đến yêu cầu giúp đỡ?
Luật sư Tư vấn Chế độ bảo hiểm của công nhân bị tai nạn lao động – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 12 tháng 09 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 (Luật ATVSLĐ 2015)
3. Luật sư trả lời
Căn cứ vào Điều 48 Luật ATVSLĐ 2015, người lao động (NLĐ) bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
– Suy giảm 5% khả năng lao động thì NLĐ được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
– Ngoài mức trợ cấp trên, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Căn cứ vào Điều 49 Luật ATVSLĐ 2015, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
– Suy giảm 31% khả năng lao động thì NLĐ được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
– Ngoài mức trợ cấp trên, hằng tháng NLĐ còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: 1năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Căn cứ vào Điều 51 Luật ATVSLĐ 2015 về trợ cấp đối với phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
Căn cứ vào Điều 52 Luật ATVSLD 2015 về trợ cấp phục vụ, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài trợ cấp hằng tháng, hằng tháng NLĐ còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Căn cứ vào Điều 53 Luật ATVSLĐ năm 2015 về trợ cấp khi NLĐ chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– NLĐ đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Căn cứ vào Điều 54 Luật ATVSLĐ 2015 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật:
– NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 – 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong thời gian này, NLĐ được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.
+) Tối đa 7 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%.
+) Tối đa 5 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định trên do người sử dụng lao động (NSDLĐ) và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do NSDLĐ quyết định.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN