Vợ tự ý thế chấp nhà, chồng có phải chịu trách nhiệm

Câu hỏi: Vợ tự ý thế chấp nhà, chồng có phải chịu trách nhiệm

Cách đây 4 năm anh chị tôi có mua 1 căn nhà. Do làm ăn thua lỗ, chị có giấu anh tôi mang giấy tờ sổ đỏ ra thế chấp ngân hàng mà không có chữ kí anh tôi (anh tôi đứng tên chủ trong sổ đỏ). Nay chị tôi đã mất, anh tôi mới biết: ngân hàng có mang giấy tờ đi giám định chữ kí cùng anh, bên giám định cho biết đó không phải chữ kí của anh. Liệu anh tôi có phải chịu trách nhiệm và có bị mất nhà hay không? Xin trả lời gấp giúp tôi với. Tôi xin trân thành cảm ơn!


Vợ tự ý thế chấp nhà, chồng có phải chịu trách nhiệm
Vợ tự ý thế chấp nhà, chồng có phải chịu trách nhiệm

Luật sư Tư vấn Vợ tự ý thế chấp nhà, chồng có phải chịu trách nhiệm – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.

Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm sự kiện pháp lý

Ngày 28 tháng 09 năm 2017

2./ Cơ sở pháp lý

Bộ luật dân sự 2015;

Luật Hôn nhân gia đình 2014

3./ Luật sư trả lời

Trước hết, có thể xác định giao dịch thế chấp ở đây là giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho một giao dịch chính ( có thể là vay tín dụng) mà chị bạn đã xác lập với ngân hàng.

Theo những gì được nêu ra, giao dịch thế chấp căn nhà vô hiệu, vì những căn cứ sau đây:

  – Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định về tài sản xác lập trong thời kì hôn nhân như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Theo đó, căn nhà mà anh chị bạn mua cách đây 4 năm được xác định là tài sản chung của vợ chồng anh chị bạn.

Khi đó việc xác lập các giao dịch có liên quan đến căn nhà được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

– Căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình 2014 :

Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Vậy trong trường hợp này, việc thực hiện thế chấp căn nhà của chị bạn không có sự thỏa thuận đồng ý của anh bạn. Căn cứ Điều 117, 122, 123 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch thế chấp đã thực hiện là vô hiệu.

Căn cứ Điều 131 BLDS 2015 quy định về hậu quả pháp lý đối với giao dịch vô hiệu như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Như vậy, Ngân hàng sẽ phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho anh bạn và không được tiến hành xử lý tài sản đối với căn nhà.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 15 Nghị đinh 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm có quy định : “2. Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Theo đó, giao dịch được chị bạn xác nhận với ngân hàng được coi là giao dịch dân sự không có bảo đảm.

Thứ hai, đối với trách nhiệm của anh bạn đối với khoản vay ngân hàng do chị bạn xác lập. Ở đây không nêu rõ mục đích vay ngân hàng là để đưa vào hoạt động kinh doanh của gia đình hay của cá nhân chị bạn. do đó, nếu việc vay ngân hàng được thực hiện vì mục đích riêng của chị bạn, thì anh bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản vay này cũng như nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu có. Việc trả khoản nợ sẽ được trả trong phạm vi tài sản của chị bạn trong khối tài sản chung.

Đối với trường hợp chị bạn vay vì mục đích đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình, thì khoản vay là nghĩa vụ chung vợ chồng. theo đó, anh bạn sẽ có nghĩa vụ phải trả khoản vay đối với ngân hàng trong phạm vi khối tài sản chung hiện có.

      Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN


 

1900.0191