1.Phải ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án
Trong trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu số tiền 500 đồng có được ra thông báo sửa chữa, bổ sung hay không hay bắt buộc phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung?
Gửi bởi: tr.t.t.h
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án quy định:
1. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;
b) Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;
c) Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn;
d) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này.
2. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án trong trường hợp quyết định về thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án.
3. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:
a) Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;
b) Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
4. Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ quyết định về thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ.
Như vậy, việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án bắt buộc phải thực hiện bằng việc ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án, mà không được thực hiện bằng việc ra thông báo thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
2.Thời hạn bán đấu giá lần hai
Xin hỏi ông A thế chấp tài sản là nhà và quyền sử dụng đất để vay vốn Ngân hàng. Do ông A không trả nợ, Ngân hàng đã khởi kiện tại Tòa án, Tòa án đã xử buộc ông A phải trả nợ cho Ngân hàng và kê biên bảo thủ tài sản đã thế chấp. Sau đó Ngân hàng yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án đã cưỡng chế kê biên tài sản đã thế chấp và ký hợp đồng bán đấu giá với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của tỉnh. Sau 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng bán đấu giá do không có người mua nên bán đấu giá không thành, sau đó Chấp hành viên đã giảm giá bán theo quy định và tiếp tục ký hợp đồng bán đấu giá nhưng vẫn không bán được và lại tiếp tục giảm giá và ký hợp đồng bán đấu giá. Xin hỏi thời gian bán đấu giá từ lần thứ 2 trở đi tối thiểu là bao nhiêu ngày. Nếu bên yêu cầu thi hành án (Ngân hàng) yêu cầu cơ quan thi hành án ký hợp đồng với doanh nghiệp bán đấu giá khác có được không; có cần phải có sự đồng ý của bên phải thi hành án hay không? Nếu bên phải thi hành án đã đi khỏi địa phương không liên lạc được thì việc bán đấu giá các lần tiếp theo sau giảm giá có thực hiện được không?
Gửi bởi: Hoang Xuan Thinh
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về xử lý tài sản bán đấu giá không thành quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Việc xác định bán đấu giá không thành hiện nay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Trong trường hợp cuộc bán đấu giá không thành đúng quy định thì Chấp hành viên thực hiện việc giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản. Giá đã giảm là giá khởi điểm để bán đấu giá. Việc bán đấu giá lần thứ hai là một lần bán đấu giá độc lập so với lần đấu giá thứ nhất, do đó thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự, đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
Trường hợp bạn hỏi, người phải thi hành án đã đi khỏi địa phương không liên lạc được thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên. Do vậy, nếu ở địa phương nơi có tài sản kê biên có nhiều doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì Chấp hành viên quyết định chọn tổ chức nhất định. Vì thế, ngân hàng đề nghị Chấp hành viên xem xét quyết định.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
3.Chi phí cưỡng chế thi hành án và thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Theo quyết định của Tòa án thì vợ chồng tôi có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Thị X số tiền là 500.000.000 đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã kê biên tài sản chung của vợ chồng tôi và ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh M thực hiện việc bán đấu giá. Sau đó có người mua trúng đấu giá tài sản của vợ chồng tôi. Cơ quan thi hành án bắt vợ chồng tôi phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án và thuế chuyển nhượng bất động sản. Vậy có đúng không?
Gửi bởi: Phạm Thị Hương
Trả lời có tính chất tham khảo
Câu hỏi bạn nêu có 2 khoản tiền là chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự và thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Đối tượng phải chịu chi phí hai khoản tiền này được xác định căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau:
1. Đối với khoản chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự:
Theo quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự, Điều 31, 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự” thì tuỳ từng trường hợp cụ thể do người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc ngân sách Nhà nước chịu. Trường hợp bạn hỏi, vợ chồng bạn phải thi hành nghĩa vụ trả tiền 500.000.000 đồng, vợ chồng bạn không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của vợ chồng bạn để thi hành án. Do đó, vợ chồng bạn phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định nêu trên của pháp luật.
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án, người được thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa. Trong khi chưa thu được chi phí cưỡng chế thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ứng trước kinh phí cho các Chấp hành viên để tổ chức cưỡng chế thi hành án từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan thi hành án dân sự.
2. Đối với khoản tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản:
Do bạn không nêu rõ bất động sản bị kê biên, bán đấu giá là gì, khoản tiền thuế đó là gì, do đó chúng tôi không trả lời cụ thể mức thuế là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì người có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;
d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
Như vậy, việc cơ quan thi hành án dân sự thanh toán từ tiền bán tài sản của vợ chồng bạn để nộp chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự và thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của vợ chồng bạn là có cơ sở pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
4.Nên liên hệ trực tiếp với cơ quan thi hành án dân sự
Tôi tên Trần Quốc Việt đang sinh sống tại Tây Ninh là con trai trưởng của người bị hại. Sau đây tôi xin trình bày sự việc như sau: Cha tôi là Trần Văn Phúc, năm 2003 cha tôi đi thăm quan du lịch tại Hà Tiên đã gặp tai nạn và chết tại nơi này (chết 11 người do chìm tàu). Sau khi được xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Kiên Giang, rồi Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM xét xử vụ án trên. Căn cứ vào Bản án số 782/HSPT ngày 14/4/2004 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM về vụ việc Châu Thanh Hà và đồng bọn phạm tội “vi phạm an toàn giao thông đường thủy”. Theo quyết định của bản án trên thì gia đình tôi được nhận số tiền bồi thường thiệt hại là 36.200.000 đồng (được biết thêm số tiền bồi thường này do công ty bảo hiểm bồi thường). Do điều kiện gia đình rất khó khăn không thể trực tiếp đến cơ quan thi hành án được, gia đình đã gửi đơn xin yêu cầu thi hành án nhiều lần đến cơ quan (trong đơn có ghi rõ địa chỉ và số điện thoại để liên lạc) nhưng đến nay đã rất lâu vẫn không có bất kỳ thư phản hồi nào của cơ quan thi hành án. Vậy trong trường hợp này tôi và gia đình cần phải làm gì để nhận tiền bồi thường tính mạng của cha tôi, không lẽ gia đình cứ gửi đơn hoài như vậy?
Gửi bởi: Trần Quốc Việt
Trả lời có tính chất tham khảo
Trong trường hợp bạn hỏi, số tiền bồi thường thiệt hại là 36.200.000 đồng theo Bản án số 782/HSPT ngày 14/4/2004 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM thuộc loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án. Gia đình bạn được thi hành án thì phải có đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án này.
Bản án Phúc thẩm hình sự số 782/HSPT nêu trên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 14/4/2004, do đó áp dụng theo quy định tại Điều 5, 23, 25 và Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004 (thay thế Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993). Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định dân sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành. Người yêu cầu thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án, quyết định dân sự.
Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định theo Pháp lệnh này là trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án xem xét, ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp không có căn cứ khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn của người đó.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, sau đó phân công Chấp hành viên tổ chức việc thi hành án.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định cho người được thi hành án trong trường hợp có quyết định đình chỉ việc thi hành án hoặc có căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này, kể từ ngày có điều kiện thi hành.
Do bạn không nêu cụ thể gia đình bạn đã làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định hay chưa, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án hay chưa và người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không, nên chúng tôi không khẳng định đúng sai về việc cơ quan thi hành án không trả lời bạn.
Hiện nay, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 không còn hiệu lực thi hành do có Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Vì thế, bạn nên liên hệ trực tiếp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang (nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án) để đề nghị cơ quan thi hành án trả lời về những thông tin liên quan đến vụ việc của gia đình bạn. Trong trường hợp không trực tiếp đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang được thì bạn cần gửi đơn đề nghị qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm nêu rõ nội dung vụ việc, kèm theo các tài liệu liên quan để đề nghị Cục Thi hành án dân sự có văn bản trả lời về vấn đề đã thụ lý việc thi hành án chưa, có uỷ thác thi hành án đi nơi khác hoặc đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án hay chưa.v.v. Nếu vụ việc đã thụ lý mà chưa trả đơn yêu cầu thi hành án thì đề nghị cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành, nếu vụ việc đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án thì gia đình bạn chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và gửi đơn yêu cầu thi hành án trở lại đề nghị cơ quan thi hành án nhận đơn, tổ chức việc thi hành án bảo đảm quyền lợi của gia đình bạn.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Pháp lệnh 13/2004/PL-UBTVQH11 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
5.Yêu cầu thi hành án dân sự kèm theo thông tin về tài sản
Gia đình tôi là người bị hại, Tòa tuyên án gia đình tôi được bồi thường 22.000.000 đồng, tôi đã viết đơn theo mẫu của cơ quan thi hành án địa phương và nộp kèm theo bản án sơ thẩm, phúc thẩm nhưng khi nộp cơ quan thi hành án không nhận và yêu cầu gia đình tôi phải kê tài sản của người bị thi hành án. Vậy quý cơ quan cho tôi hỏi để được thi hành án gia đình tôi phải làm những gì theo văn bản nào?
Gửi bởi: Mai Văn Quý
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án và thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.
Như vậy, một điều kiện quan trọng để yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hàn án dân sự nhận đơn yêu cầu thi hành án là “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” mà người được thi hành án phải cung cấp khi yêu cầu thi hành án. Để có được thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì người được thi hành án phải xác minh hoặc yêu cầu Chấp hành viên xác minh. Nếu người được thi hành án đã cung cấp được thông tin về tài sản (vụ việc bạn nêu thuộc nghĩa vụ trả tiền nên đòi hỏi cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án) hoặc yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án theo quy định thì cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn, ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2008 của Chính phủ thì người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc thi hành án, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại. Việc xác minh lại của Chấp hành viên được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp. Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.
Do đó, gia đình bạn khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành án thì cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án; nếu không cung cấp được thông tin thì làm đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án, kèm theo đơn là các tài liệu chứng minh gia đình bạn đã tiến hành xác minh hoặc uỷ quyền cho người khác xác minh nhưng việc xác minh không có kết quả như quy định nêu trên. Căn cứ vào đơn yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ nhận đơn, ra quyết định thi hành án và tiến hành xác minh điều kiện thi hành án để tổ chức việc thi hành án theo quy định.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
6.Điều kiện đình chỉ trong thi hành án dân sự
Chấp hành viên đã làm xong các thủ tục để ngày mai tiến hành kê biên, như: ra Quyết định kê biên, thông báo kê biên tới các cơ quan tổ chức…thì nhận được đơn xin hoãn thi hành án của người được thi hành án. Vì vậy, chấp hành viên không tiến hành kê biên nữa và ra Quyết định hoãn thi hành án. Trước yêu cầu của người được Thi hành án chấp hành viên nên ra Quyết định hoãn thi hành án hay ra quyết định hoãn kê biên?.
Khi chưa hết thời gian hoãn thi hành án thì người được thi hành án làm đơn rút đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp này cơ quan Thi hành án không ra Quyết định tiếp tục Thi hành án, mà ra Quyết định đình chỉ, quyết định thu phí luôn được không?
Gửi bởi: Nguyễn Thị Tâm
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định “Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án”.
– Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định “Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì phải ra ngay quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền”.
Như vậy, nếu đơn xin hoãn của bên được thi hành án đáp ứng đúng quy định của pháp luật thì Chấp hành viên ra quyết định hoãn thi hành án là đúng quy định, vì pháp luật không quy định việc hoãn kê biên trong thi hành án dân sự.
2. Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này không còn, hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án”.
Như vậy, trong trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự không thể ra quyết định thu phí và quyết định đình chỉ thi hành án ngay được, mà Chấp hành viên nên hướng dẫn cho bên được thi hành án làm đơn yêu cầu tiếp tục thi hành án để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án đối với vụ việc trên, sau đó mới nhận đơn của người được thi hành án về việcrút đơn yêu cầu thi hành án và ra quyết định thu phí thi hành án sau đó mới căn cứ Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Bùi Khắc Chung – Tổng cục Thi hành án dân sự
7.Uỷ thác thi hành án khi có căn cứ
Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn A (có địa chỉ cư trú tại huyện B tỉnh Đắc Lắc). Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan này đã ra quyết định ủy thác thi hành án mà không có biên bản xác minh điều kiện thi hành án. Xin hỏi trường hợp như trên cơ quan thi hành án có vi phạm khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 hay không?
Gửi bởi: Nguyen Ngoc Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”.
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án sự quy định về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án dân sự, theo đó phân biệt trách nhiệm của Chấp hành viện phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp chủ động ra quyết định thi hành và trường hợp xác minh theo yêu cầu của người được thi hành án; đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 không trùng với quy định về căn cứ uỷ thác thi hành án dân sự tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự.
Điều 55 Luật Thi hành án dân sự có quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ. Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó. Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc uỷ thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ uỷ thác.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi do thông tin nêu ra chưa thực sự đầy đủ nên chúng tôi không khẳng định đúng sai. Tuy nhiên, chúng tôi nêu ra hai tình huống:
1. Trong trường hợp Nguyễn Văn A tuy có địa chỉ cư trú tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc nhưng thực tế sống hoặc có tài sản tại Lạng Sơn thì cơ quan thi hành án phải có biên bản xác minh điều kiện thi hành án ở Lạng Sơn trước khi uỷ thác thi hành án.
2. Trường hợp có căn cứ xác định Nguyễn Văn A có địa chỉ cư trú tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc (ví dụ bản án của Toà án đã xác định) và không sống, không có tài sản tại Lạng Sơn thì cơ quan thi hành án uỷ thác thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Đắc Lắc là cần thiết và không có quy định nào bắt buộc cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn phải có biên bản xác minh điều kiện thi hành án tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc trước khi uỷ thác thi hành án, nên không vi phạm khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
8.Thời hạn kê biên cưỡng chế tài sản thi hành án
Đề nghị cho biết qui định của luật về thời gian phải kê biên cưỡng chế tài sản của bị đơn để thi hành án khi có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu?
Gửi bởi: Nguyễn Văn Sáng
Trả lời có tính chất tham khảo
– Điều 45 Luật Thi hành án dân sự quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án:
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
– Điều 46 Luật Thi hành án dân sự quy định về cưỡng chế thi hành án
1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì thời hạn để kê biên cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án là hết thời hạn tự nguyện 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Bùi Khắc Chung – Tổng cục Thi hành án dân sự
9.Trách nhiệm của Chấp hành viên thi hành án
Bà ngoại tôi được Tòa án quận 12, Tp.HCM xử được nhận lại 1/2 mảnh đất từ cậu ruột tôi. Sau đó, bà tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án tới Chi cục Thi hành án quận 12, nhưng tới nay đã 1,5 năm mà Chi cục Thi hành án vẫn không ra quyết định cưỡng chế thi hành án mặc dù đã nhiều lần hòa giải và bên bị thi hành án viện nhiều lý do vô lý để cố tình không thi hành án. Xin hỏi, trong trường hợp này, bà tôi có thể khởi kiện Chi cục Thi hành án quận 12 vì thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho bà tôi được không?
Gửi bởi: Lê Thái Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Với nội dung bạn trình bày thì Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 đã nhận đơn yêu cầu thi hành án và ra quyết định thi hành án đối với khoản mà bà ngoại bạn được nhận lại ½ mảnh đất từ cậu ruột bạn. Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 cũng đã đôn đốc, tạo điều kiện cho các bên đương sự thoả thuận thi hành án, tuy nhiên người phải thi hành vẫn không tự nguyện thi hành án. Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.
Theo bạn trình bày, thì người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng Chấp hành viên cơ quan thi hành án chậm ra quyết định cưỡng chế, vì thế bà bạn có quyền khiếu nại về việc chậm thi hành án theo quy định tại Điều 140 đến Điều 153 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Trường hợp có thiệt hại thì yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2010.
Các văn bản liên quan:
Luật 35/2009/QH12 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
10.Thỏa thuận về thi hành án dân sự
Những người được thi hành án đều thỏa thuận thống nhất đề nghị chuyển 1 phần diện tích đất cho người bị tranh chấp về tài sản kê biên khởi kiện tại tòa án mặc dù tài sản còn lại không đủ để thi hành án thì chấp hành viên có thể căn cứ điểm a khoản 1 Điều 105 Luật Thi hành án dân sự 2008 giải tỏa kê biên đối với phần diện tích trên được không?
Gửi bởi: Nguyen Dinh Hoan
Trả lời có tính chất tham khảo
* Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thỏa thuận thi hành án và Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định:
– Đương sự có quyền thỏa thuận về thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. kết quả thi ành án theo thỏa thuận được công nhận.
Tuy nhiên, tại Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định:
1. Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
2. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
3. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Như vậy, những người được thi hành án đều thỏa thuận thống nhất đề nghị chuyển 1 phần diện tích đất cho người bị tranh chấp về tài sản kê biên khởi kiện tại tòa án là không phù hợp với quy định của pháp luật, do vậy Chấp hành viên không thể căn cứ điểm a khoản 1 điều 105 Luật Thi hành án dân sự để giải tỏa kê biên đối với tài sản trên, vì thỏa thuận trên của những người được thi hành án đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án và những người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Bùi Khắc Chung – Tổng cục Thi hành án dân sự
11.Thi hành án phí trong bản án hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự thì phần án phí trong bản án hình sự do Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định khi nhận được bản án của Toà án gửi đến. Tuy nhiên trên thực tế thì một số trường hợp Toà án không gửi bản án cho cơ quan thi hành án nên cơ quan thi hành án không vào sổ thụ lý, lập hồ sơ và không ra quyết định thi hành phần án phí. Vậy thời hiệu để tính thi hành án phí trong trường hợp này là bao lâu? Có tính 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực không?
Gửi bởi: Lê Huy Nghĩa
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự, Tòa án phải chuyển giao bản án trong thời hạn như sau: Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định. Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Toà án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.
Việc Tòa án chậm chuyển giao bản án có phần án phí cho cơ quan thi hành án dân sự để chủ động ra quyết định thi hành không phải là lỗi của cơ quan thi hành án. Do vậy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án về án phí do Tòa án chuyển giao thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, sau đó phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự và thời hiệu thi hành án có khác nhau, cần được phân biệt: thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự chỉ áp dụng đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu. Đối với việc thi hành án chủ động, trong đó có khoản án phí thì pháp luật về thi hành án dân sự không quy định thời hiệu thi hành án.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định như sau: a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ ba năm trở xuống; b) Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; c) Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến ba mươi năm. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời gian đã qua không đựơc tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ. Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, tù chung thân được chuyển thành tù ba mươi năm.
Tuy nhiên, đối với khoản án phí trong bản án, quyết định hình sự thì hiện nay không có quy định nào quy định về thời hiệu thi hành án. Vì thế cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án đối với khoản án phí khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
12.Đòi tài sản đã mua được thông qua bán đấu giá tài sản thi hành án
Chi cục Thi hành án dân sự đã cưỡng chế thi hành án và bàn giao tài sản cho người được thi hành án. Bàn giao xong được một ngày, cô tôi chưa kịp chuyển đến ở thì chủ cũ đã tự ý đập khóa, phá cửa vào ở từ năm 2011 đến nay. Cô tôi đã làm đơn gửi nhiều cơ quan giải quyết nhưng đến nay chưa được xem xét, giải quyết. Nhà, đất cô tôi mua theo diện phát mại tài sản thi hành án. Cho tôi hỏi trường hợp trên cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết để chủ cũ trả lại nhà, đất cho cô tôi?
Gửi bởi: Nguyễn Quang Tú
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị đương sự chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản. Người đã nhận tài sản có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Vì thế, cô của bạn có thể đề nghị Uỷ ban nhân dân nơi có tài sản hoặc đề nghị cơ quan Công an giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án để đòi tài sản của mình đã mua được thông qua bán đấu giá tài sản thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
13.Thi hành án khi có thay đổi giá tài sản
Tài sản của cha mẹ để lại thừa kế cho 03 người con là nhà và đất. Năm 2006 Tòa án đã xử phúc thẩm xác định giá trị tài sản do 03 người con thỏa thuận là 30 lượng vàng và tuyên dành quyền sở hữu nhà và đất cho người chị cả, người chị cả có trách nhiệm trả lại kỷ phần thừa kế cho 02 người em, mỗi người 10 lượng vàng. Người chị cả không có tiền để trả lại cho 02 người em nên có ý bán nhà để chia cho 02 người em, nhưng người em út hiện đang kinh doanh trên căn nhà đó thường xuyên ngăn cản việc bán nhà nên không thể bán được. Năm 2009 vì không nhận được phần tiền của mình được trả lại từ chị cả nên cậu em trai thứ hai đã làm đơn yêu cầu thi hành án. Chi cục THA đã thụ lý đơn và ra quyết định thi hành án buộc chị cả phải trả lại cho cậu em trai thứ hai 10 lượng vàng, giải quyết bằng biện pháp cho cậu em và chị cả thỏa thuận cho chị cả một thời gian để bán nhà, nhưng vẫn không thể bán được. Tháng 7 năm 2012 cơ quan THA tiến hành kê biên tài sản trên để thi hành án cho cậu em thứ hai, sau khi kê biên và cho thỏa thuận giá thì giá trị tài sản trên không thể bán được giá ở 30 lượng vàng nữa. Cơ quan THA mời cậu em thứ hai đến làm việc về giá trị thực tế tài sản không đủ để chia mỗi người 10 cây vàng và đưa ra phương án chia tỷ lệ với giá trị tài sản sau khi bán được, nhưng cậu em thứ hai không chịu, cậu ta khăng khăng phải nhận đủ 10 cây vàng, còn việc thừa thiếu của hai người kia cậu không biết (thời hiệu yêu cầu thi hành án của người em út cũng hết). Xin cho biết hướng giải quyết và cơ sở pháp lý.
Gửi bởi: Tuấn Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Trường hợp này thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án dân sự về thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án. Trong trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án.
Tuy nhiên, do Điều 59 Luật Thi hành án dân sự chưa quy định cụ thể về điều kiện định giá, tỷ lệ thanh toán… do vậy cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc động viên các đương sự thoả thuận thi hành án như bạn nêu là cần thiết. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, trong đó có nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 59 Luật Thi hành án dân sự.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
14.Đơn yêu cầu tính lãi thì quyết định thi hành án phải có nội dung này
Đơn yêu cầu thi hành án có yêu cầu tính lãi nhưng cơ quan thi hành án ra quyết định không ghi là tính lãi. Như vậy có được tính lãi số tiền chậm thi hành án không? Lỗi do cán bộ phụ trách vụ thi hành án đó. Kính mong tư vấn giúp, trân trọng cảm ơn.
Gửi bởi: Trần Thị Dung
Trả lời có tính chất tham khảo
Nếu bản án tuyên nghĩa vụ thi hành án là tiền gốc và lãi, đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án có nội dung yêu cầu tính lãi thì cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án có nội dung khoản lãi này. Việc yêu cầu thi hành án đúng quy định thì căn cứ Điều 37 Luật Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án thực hiện thu hồi hoặc sửa đổi, bổ dung quyết định thi hành án để tính lãi theo quy định.
Theo đó, người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền, quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc, căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn và trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án trong trường hợp quyết định về thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây: Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu; quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ quyết định về thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm:
- Vỡ hụi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không
- Tai nạn trong hẻm do có rượu bia phân định thế nào?
- Bị mượn bằng để làm giấy phép, nghỉ việc có hủy giấy phép được không
- Quán café diện tích khoảng 300 m2 có cần phòng cháy chữa cháy
- Quan hệ với bạn gái trên 16 tuổi thuận tình liệu có phạm tội không?
- Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài
- Người nước ngoài ở Việt Nam có cần đăng ký tạm trú không?
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về Việt Nam có phải trình báo không?
- Không có KT3 vẫn được nhập hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh?
- Thủ tục đăng ký kết hôn giữa 2 người Việt Nam đang tạm trú ở nước ngoài?