Thứ tự thanh toán khi thi hành án, đấu giá tài sản thi hành án

[toc]

1.Thứ tự thanh toán tiền thi hành án như thế nào?

Bà A kiện ông B phải trả nợ số tiền 400 triệu đồng. Tòa án xử và ra quyết định buộc ông B phải trả cho bà A số tiền trên. Bà A làm đơn yêu cầu thi hành án đối với ông B, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án và tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông B thấy rằng ông B có tài sản là 03 quyền sử dụng đất, đều đã thế chấp tại 03 ngân hàng (02 tài sản đứng tên hai vợ chồng ông B, 01 tài sản chỉ đứng tên vợ ông B). Cùng thời điểm đó bà C khởi kiện ông B trả nợ 100 triệu, bà D khởi kiện ông B trả nợ 200 triệu đồng và cả bà C, bà D đều yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án đã ra 2 quyết định phong tỏa tài sản đối với 2 quyền sử dụng đất của ông B. Một quyền sử dụng đất còn lại đứng tên của vợ ông B, và vợ ông B đang yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đối với tài sản này. Vậy trong trường hợp này, cơ quan thi hành án có thể kê biên tài sản của ông B hay không, kê biên tài sản nào? Nếu kê biên và xử lý tài sản xong thì thứ tự thanh toán tiền thi hành án như thế nào? Thanh toán toàn bộ cho bên nhận thế chấp là Ngân hàng, rồi ưu tiên thanh toán toàn bộ cho 2 người (bà C, bà D) là người đã có yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, sau đó mới chi lại cho bà A hay chỉ ưu tiên thanh toán toàn bộ cho ngân hàng, còn lại chia đều theo tỷ lệ cho bà A, bà B, bà C?

Gửi bởi: Đỗ Thị Như Quynh

Trả lời có tính chất tham khảo

Thứ tự thanh toán tiền thi hành án quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 như sau:

1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;

b) Án phí;

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.

Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

4. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Theo quy định nêu trên, ngân hàng nhận thế chấp hợp pháp trước khi có bản án thì Chấp hành viên muốn kê biên tài sản đã thế chấp phải đảm bảo đúng điều kiện tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự là người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án và giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm (thế chấp) và chi phí cưỡng chế thi hành án. Nếu kê biên, bán đấu giá tài sản thì ngân hàng được ưu tiên thanh toán đầy đủ cả số tiền gốc lãi. Đối với tài sản đang có tranh chấp thì Chấp hành viên chỉ xử lý tài sản đã kê biên khi có bản án, quyết định xác định tài sản của người phải thi hành án.

Về việc thanh toán tiền thi hành án cho bà A, bà C và bà D, do Toà án ra hai quyết định phong tỏa tài sản đối với hai quyền sử dụng đất của ông B mà không tuyên kê biên tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ cụ thể của ai. Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo tỷ lệ cho tất cả những người đã có đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định nêu trên.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


2.Thời hiệu thi hành án dân sự

Năm 1995 giữa chú tôi và ông T đã xảy ra xô xát, cha tôi can ngăn thì bị ông T vu khống là 2 anh em cùng nhau đánh ông. Đến năm 1998 Tòa án huyện xử án thì không có mặt của cha và chú tôi. Sau khi có bản án thì đội thi hành án đã đến địa phương nơi cha tôi mới chuyển đến (nơi ở cũ và nơi ở mới cùng trong 1 tỉnh) để thi hành án với số tiền cha tôi là 1.570.000đ, chú tôi 1.770.000đ, cha tôi thấy mình không có lỗi nên không nộp, chú tôi cũng không nộp. Năm 1999 cha tôi mới vào làm việc ở huyện thì đội thi hành án đã vào cơ quan làm việc lần nữa nhưng cha tôi đi công tác ở gần đó chưa về kịp. Khi về, cha tôi tìm đến gặp ông đội trưởng đội thi hành án để bày tỏ sự việc thì ông bảo cha tôi phải nộp tiền án phí là 98.000đ để Tòa án không gọi nữa, còn khoản đền bù kia khỏi phải nộp vì 5 năm rồi nên đã hết hiệu lực. Cha tôi đã nộp tiền án phí. Mãi cho đến 11/7/2012 Chi cục Thi hành án dân sự lại đến đưa quyết định về việc khôi phục thời hiệu thi hành án buộc cha và gia đình chú tôi phải nộp khoản tiền trên thì cha tôi không nộp vì nghĩ chú tôi là người có liên quan trực tiếp đến vụ xô xát nhưng đã bị tai nạn chết năm 2010, và cũng đã hết thời hiệu thi hành án. Vậy tôi xin hỏi: Nếu lấy lý do từ năm 1999 trở về trước, cha và chú tôi không chấp hành bản án để đến bây giờ ông T yêu cầu khôi phục lại thời hiệu thi hành án là đúng hay sai? Vì sao? Và còn lí do nào khác có thể khôi phục lại thời hiệu thi hành án không?

Gửi bởi: Huỳnh Thị Hiệp

Trả lời có tính chất tham khảo

Liên quan đến các vấn đề bạn hỏi có một số quy định pháp luật sau:

Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 quy định về Thời hiệu thi hành án. (Pháp lệnh này đến nay đã hết hiệu lực pháp luật tuy nhiên được áp dụng trong thời điểm diễn ra vụ việc bạn hỏi)

1- Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được trả lại cho người có đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án không có tài sản để thi hành theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày người phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày việc thi hành bị ngừng.

2- Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan, tổ chức được thi hành án có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu cơ quan, tổ chức được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

3- Trong trường hợp người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn, thì thời hạn thi hành án được tính từ khi trở ngại đó không còn.

Việc khôi phục thời hiệu thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xét và quyết định.

– Khoản 5 Điều 9 Nghị định 69/CP ngày 18/10/1993 Quy định thủ tục thi hành án dân sự quy định những sự kiện sau đây được coi là trở ngại khách quan làm cho người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn: a) Người được thi hành án không nhận được bản sao bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; b) Người được thi hành án vắng mặt ở nơi thi hành án trong một thời gian dài do yêu cầu công tác, chữa bệnh hoặc vì lý do khách quan khác; người được thi hành án chết mà chưa xác định được người thừa kế, trừ trường hợp quy định tại điểm 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; c) Do thiên tai, hoả hoạn; d) Do lỗi của cơ quan thi hành án. (đã hết hiệu lực pháp luật)

Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:

Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định: Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; b) Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu hết thời hiệu thi hành án mà người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, và người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thụ lý thi hành.

Với trường bạn hỏi, bạn nên làm đơn kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp nơi Chi cục Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án để được xem xét việc Chi cục Thi hành án dân sự khôi phục lại thời hiệu để ra quyết định thi hành án có đúng quy định pháp luật hay không, vì Viện Kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền kháng nghị quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


3.Giải quyết việc thi hành án khi thu hồi quyết định thi hành án

Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án thì: “Trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật này. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây. Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của Luật này.”Vậy xin cho tôi hỏi, sau khi có quyết định thu hồi và ra quyết định thi hành án mới thì quyết định thi hành trước đây có đương nhiên kết thúc không? cơ quan thi hành án có thể xóa sổ thụ lý và tính là một việc thi hành xong không, nếu không thì xử lý trường hợp này như thế nào? Xin cảm ơn.

Gửi bởi: Huỳnh Tấn Đạt

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 52 Luật Thi hành án dân sự về kết thúc thi hành án quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây: Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình; có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.

Tuy nhiên, pháp luật hiện này chưa quy định rõ trong trường hợp tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự sau khi có quyết định thu hồi và ra quyết định thi hành án mới thì quyết định thi hành trước đây có đương nhiên kết thúc không, cơ quan thi hành án có thể xóa sổ thụ lý và tính là một việc thi hành xong không?

Do vậy, nếu không có căn cứ xác định việc thi hành án kết thúc theo Điều 52 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự không xóa sổ thụ lý và không tính là một việc thi hành xong. Cơ quan thi hành án dân sự cần tiếp tục giải quyết việc thi hành án đó, có sử dụng các tài liệu, công việc đã thực hiện trước khi chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án để đảm bảo Chấp hành viên thực hiện việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án đầy đủ, toàn diện, hạn chế khiếu nại do không có đầy đủ thông tin về những công việc đã thực hiện trước khi chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


4.Thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án

Gia đình em đang trong giai đoạn bán đấu giá tài sản là vườn (rẫy) ra thi hành án và việc đấu giá đã diễn ra 2 lần rồi nhưng chưa thành công. Cho em hỏi là thời gian đấu giá tài sản diễn ra mấy lần trong một năm? Em xin chân thành cám ơn.

Gửi bởi: Thanh Trần

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 101 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc bán tài sản đã kê biên như sau:

1. Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức sau đây:

a) Bán đấu giá;

b) Bán không qua thủ tục đấu giá.

2. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.

Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.

Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Điều 104 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc xử lý tài sản bán đấu giá không thành.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.

Như vây, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không quy định về số lần bán đấu tài sản trong năm để đảm bảo cho việc thi hành án. Tài sản sẽ được bán đấu giá cho đến khi giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 17/2010/NĐ-CP Về bán đấu giá tài sản

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


5.Giảm giá tài sản kê biên như thế nào?

Tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án là tài sản được thế chấp tại Ngân hàng để vay số tiền 300 triệu đồng. Sau nhiều lần giảm giá đưa ra bán đấu giá nhưng không có người mua. Vậy đối với tài sản thế chấp, Chấp hành viên có áp dụng Điều 104 Luật Thi hành án dân sự để giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế hay không? Hay giảm tới mức giá trị còn lại của tài sản bằng giá trị thế chấp Ngân hàng là 300 triệu đồng và chi phí cưỡng chế thì Chấp hành viên không giảm nữa? Nếu tài sản không có người mua thì Chấp hành viên giao tài sản đó cho người phải thi hành án để trừ tiền được thi hành án thì khoản thế chấp vay ngân hàng xử lý như thế nào? Mong nhận được trả lời của Ban biên tập.

Gửi bởi: Trần Thuân

Trả lời có tính chất tham khảo

Nội dung bạn hỏi, chúng tôi trao đổi một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, để kê biên tài sản đã thế chấp thì phải đúng quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, tức là trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Do vậy, tài sản có giá trị bằng giá trị thế chấp Ngân hàng là 300 triệu đồng hợp pháp thì Chấp hành viên không kê biên để thi hành cho nghĩa vụ thi hành án không liên quan đến nghĩa vụ trả tiền được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Trường hợp này, Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự”. Tài sản đã được thế chấp hợp pháp mà có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng thế chấp thì Chấp hành viên phải thông báo cho ngân hàng nhận thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu ngân hàng nhận thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký.

Thứ hai, việc giảm giá tài sản đã kê biên theo quy định tại Điều 104 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Thứ ba, Điều 104 Luật Thi hành án dân sự có quy định trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án. Tuy nhiên, điều luật không quy định người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án bắt buộc phải có hay không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, trong khi đó Điều 100 Luật Thi hành án dân sự về giao tài sản để thi hành án quy định trường hợp đương sự thoả thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thoả thuận; trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được thi hành án khác và phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng; việc giao tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thoả thuận. Do đó, nếu không có người mua mà người được thi hành án nhận tài sản đó để thi hành án không trái pháp luật thì phải được sự đồng ý của người phải thi hành án và ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


6.Xử lý tài sản bảo lãnh

Ngân hàng chúng tôi có một trường hợp cần hỏi như sau: Chúng tôi cho Công ty A vay với biện pháp bảo đảm là nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất của ông B. Ông B không phải là thành viên trong công ty A. Nay, công ty A vẫn hoạt động bình thường nhưng không chịu trả nợ cho Ngân hàng mà cùng ông B yêu cầu Ngân hàng bán tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, ông B hiện đang bị cơ quan pháp luật cấm giao dịch liên quan đến lĩnh vực đất đai. Vậy cho chúng tôi hỏi, phải làm cách nào để có thể thu hồi nợ trong trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp? Nếu xử lý thì sẽ xử lý như thế nào, trình tự ra sao? Xin chân thành cảm ơn.

Gửi bởi: Vũ Quốc Ánh

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong trường hợp bạn nêu, do không có tài liệu liên quan đến nội dung hỏi nên chúng tôi không thể trả lời chính xác được.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự việc Ngân hàng cho một Công ty A vay với biện pháp bảo đảm là nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất của ông B, ông B không phải là thành viên trong công ty A thì đó không phải là cho vay có bảo đảm bằng thế chấp mà là bảo lãnh theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Bởi vì Điều 342 Bộ luật Dân sự quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.Điều 361 Bộ luật Dân sự quy định bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Việc xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện để bảo đảm quyền lợi của bên nhận bảo lãnh hợp pháp. Nếu việc nhận bảo lãnh không đúng quy định của pháp luật thì bên nhận bảo lãnh có thể không được nhận đầy đủ lợi ích của mình từ việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh.

Ngân hàng nêu tình tiết ông B hiện đang bị cơ quan pháp luật cấm giao dịch liên quan đến lĩnh vực đất đai thì chưa rõ cấm giao dịch cụ thể thế nào? Pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép cơ quan pháp luật cấm người nào đó một cách chung chung là “cấm giao dịch liên quan đến lĩnh vực đất đai” bởi giao dịch liên quan đến đất đai là một cụm từ có ý nghĩa rất rộng. Nếu như cơ quan pháp luật có quyết định hợp pháp cấm ông A chuyển dịch đối với diện tích đất nêu trên thì quyết định cấm chuyển dịch đó phải được thực hiện. Ngân hàng có thể đề nghị cơ quan pháp luật đã ban hành quyết định cấm đó xem xét việc bảo đảm quyền lợi của mình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 163/2006/NĐ-CP Về giao dịch bảo đảm

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


7.Thu hồi quyền sử dụng đất liên quan đến thi hành án

Tôi có mua diện tích đất và đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất vào ngày 02/08/2010. Tôi cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế nhà. Đến tháng 02/2011 do tôi cần vốn đầu tư nên lấy diện tích đất mua trên để thế chấp ngân hàng, nhưng khi đến UBND xã ký xác nhận để vay thì Chi cục thi hành án ngăn chặn không cho vay với lý do là chuyển nhượng sau khi có bản án sơ thẩm. Chi cục thi hành án ra quyết định kê biên tài sản trên dựa vào Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/07/2010 (có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2010, mà việc chuyển nhượng hoàn tất vào ngày 02/08/2010 trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực). Tôi đã gửi đơn khiếu nại nhưng cơ quan trả lời là không có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, Chi cục thi hành án ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của tôi. Vậy, cơ quan thi hành án làm như vậy có đúng pháp luật không?

Gửi bởi: Trần Thị Gấm

Trả lời có tính chất tham khảo

Điểm a khoản 1 Mục IV Thông tư liên tịch số 12 ngày 26/02/2001 quy định về kê biên tài sản như sau:

“Đối với những tài sản phải làm thủ tục sang tên, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, nếu có căn cứ xác định người phải thi hành án đã mua hoặc đã được tặng cho hợp pháp (có giấy mua bán hợp pháp, xác nhận của chủ sở hữu…) nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên, đăng ký quyền sử hữu, quyền sử dụng các tài sản đó thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên để bảo đảm thi hành án.

Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch đó.”

– Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010 ngày 16/7/2010 thay thế Thông tư liên tịch số 12/2001 quy định về kê biên, xử lý tài sản để thi hành án

“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì diện tích đất của bạn cơ quan thi hành án án dân sự có quyền kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án. Chấp hành viên sẽ hướng dẫn bạn khởi kiện tại Tòa án để bạn bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định. Hoặc bạn có thể chứng minh rằng: Người chuyển nhượng lại tài sản cho bạn là người đang phải thi hành án nếu còn tài sản khác thì bạn đề nghị cơ quan thi hành án xem xét để kê biên tài sản khác thay thế cho phần diện tích đất đã chuyển nhượng cho bạn để đảm bảo cho việc thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Thông tư liên tịch 12/2001/TTLT/BTP-VKSNDTC Hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự.

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


8.Khấu trừ lương để thực hiện thi hành án

Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng. Nhưng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chưa nói rõ trường hợp người phải thi hành án dùng tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động vay tín chấp tại Ngân hàng thì việc khấu trừ thực hiện như thế nào. Vậy xin Bộ Tư pháp giải thích thêm về vấn đề trên để các cơ quan thi hành án địa phương tham khảo trong quá trình thực hiện việc khấu trừ để thi hành án.

Gửi bởi: Nguyen Thu Huyen

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp như sau:

1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

– Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14 ngày 16/7/2010 quy định “Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp mà có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng cầm cố, thế chấp thì Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu người nhận cầm cố, thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã cầm cố, thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận cầm cố, thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trường hợp người phải thi hành án dùng tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động vay tín chấp tại Ngân hàng vẫn bị cưỡng chế kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


9.Giao bản chính hồ sơ giấy tờ nhà cho Chấp hành viên

Ngân hàng A được Tòa án tuyên ông B và bà C phải trả cho Ngân hàng A với số tiền là 200.000.000 đồng vào ngày 30/06/2011. Nếu không thực hiện thì phát mãi tài sản thế chấp là căn nhà D. Đến ngày 30/06/2011, ông B và bà C không thực hiện đúng bản án của Tòa, nên Ngân hàng A đã gửi đơn yêu cầu thi hành án phát mãi tài sản thế chấp theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã yêu cầu Ngân hàng A bàn giao toàn bộ hồ sơ giấy tờ nhà bản chính cho Chấp hành viên để thực hiện các thủ tục kê biên phát mãi tài sản. Xin hỏi Chấp hành viên yêu cầu như vậy có đúng luật hay không?

Gửi bởi: Nguyễn Chí Thành

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 106 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản quy định người mua được tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ quy định cho người mua tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

Hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có: Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự; bản sao bản án, quyết định; quyết định thi hành án, quyết định kê biên tài sản; văn bản bán đấu giá thành hoặc biên bản giao nhận tài sản để thi hành án và gấy tờ khác có liên quan đến tài sản, nếu có. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất mà không có giấy chứng nhận hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu. Giấy tờ được cấp mới có giá trị thay thế cho giấy tờ không thu hồi được.

Để thuận tiện cho việc xử lý nhà đất và bảo đảm quyền lợi của người nhận nhà đất để thi hành án hoặc mua được tài sản đấu giá thì Chấp hành viên yêu cầu Ngân hàng giao cho Chấp hành viên giấy tờ nhà đất là không trái pháp luật. Tuy nhiên, Ngân hàng cần yêu cầu Chấp hành viên nêu rõ lý và cấp giấy biên nhận về việc giao nhận giấy tờ nhà đất đó để hạn chế việc tranh chấp về đã nhận hay chưa nhận giấy tờ nhà đất.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


10.Bán đấu giá tài sản thi hành án

1. Sau khi bán đấu giá tài sản không thành, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thẩm định giá lại không? Nếu có, thì có quyền yêu cầu thẩm định lại mấy lần.2. Nếu người phải thi hành án cố tình yêu cầu thẩm định giá lại để kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho người thi hành án thì người thi hành án có quyền khiếu nại hay không? Và khiếu nại ở đâu? Xin cám ơn.

Gửi bởi: Phạm Nguyễn Nguyên Khôi

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về xử lý tài sản bán đấu giá không thành như sau:

“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.”

Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì sau khi tài sản bán đấu giá không thành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá tài sản, đương sự có quyền yêu cầu thẩm định lại giá tài sản, nhưng Luật Thi hành án dân sự không quy định số lần được yêu cầu thẩm định giá.

2. Câu hỏi bạn đặt ra là nếu người phải thi hành án cố tình yêu cầu thẩm định giá lại tài sản để kéo dài thời gian gây thiệt hại cho người thi hành án thì người thi hành án có quyền khiếu nại hay không? Và khiếu nại ở đâu?

Khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về định giá lại tài sản kê biên như sau:

“1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;

b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.”

Điều 104 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc đương sự chỉ có quyền yêu cầu thẩm định giá tài sản trong thời hạn 10 ngày kể từ khi tài sản bán đấu giá không thành. Do Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ về thời hạn để đương sự thực hiện quyền yêu cầu của mình thì không thể xem là kéo dài thời hạn để gây thiệt hại cho bên được thi hành án, và theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định thì “đương sự bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án”.

Như vậy, nếu bạn cho rằng người phải thi hành án cố tình yêu cầu thẩm định lại giá tài sản để kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho người được thi hành án thì bạn có thể khiếu nại tới Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi đang tổ chức thi hành vụ việc để được giải quyết.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


11.Kê biên tài sản chưa hoàn thành thủ tục chuyển quyền

Theo Quyết định thi hành án ra tháng 9/2012 thì vợ chồng A, B có nghĩa vụ trả H 800.000.000đồng. Cơ quan thi hành án tiến hành xác minh biết: vợ chồng A, B có nhà, đất, UBND xã chưa từng được chứng thực việc chuyển nhượng, Văn phòng đăng ký QSD đất cũng chưa được làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng, thế chấp nhà đất này. Cơ quan thi hành án ra quyết định kê biên nhà và đất thì A, B xuất trình giấy chuyển nhượng nhà đất cho C vào tháng 12/2008. Nội dung giấy chuyển nhượng ghi vợ chồng A, B chuyển nhượng toàn bộ đất và nhà, các công trình xây dựng khác trên đất cho bà C. A, B đã nhận đủ tiền, C đã nhận Giấy chứng nhận QSD đất; hai bên thống nhất giấy tờ mua bán này chỉ là tạm thời để tiện cho việc sử dụng của hai bên, khi nào C có nhu cầu sang tên đổi chủ, làm thủ tục pháp lý thì A, B sẽ cùng ký nhận. Giấy chuyển nhượng nhà đất có (chỉ có) dấu, chữ ký của Chủ tịch UBND xã nơi có nhà đất. (Hiện tại vợ chồng A, B vẫn đang sống tại nhà đất này). Vậy xin hỏi: hợp đồng (giấy) chuyển nhượng nhà đất nói trên có hiệu lực hay không? Giấy chuyển nhượng nhà đất đã được chứng thực hay chưa? Cơ quan thi hành án thực hiện việc kê biên như thế nào?

Gửi bởi: Nguyen Phuong

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai 2003, Luật Nhà ở năm 2005 quy định hợp đồng chuyển nhưọng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và phải thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Do vậy, chuyển nhượng nhà đất nói trên chưa có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, Chấp hành viên có thể kê biên để đảm bảo thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 56/2005/QH11 Nhà ở

Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


12.Cấp đất theo bản án, quyết định thi hành án dân sự

Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định thi hành án có phải thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện đang ở toà án) không?

Gửi bởi: Phạm Trung Kiên

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 5 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền” là một trong các trường hợp bị thu hồi đất.

Như vậy, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 49 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 cơ quan quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phải ra quyết định thu hồi theo quy định.

Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dung đất do cơ quan quản lý thực hiện.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 47 Luật Đất đai năm 2003. Do vậy, bạn chỉ cần có bản án, quyết định của Tòa án và quyết định thi hành án, biên bản giao giao quyền sử dụng đất theo bản án và quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng với các giấy tờ có liên quan theo theo quy định.

Các văn bản liên quan:

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


13.Thi hành án dân sự sau khi ly hôn

Tôi có một số vấn đề chưa được rõ về việc thi hành án đối với bản thân tôi tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai. Theo quyết định của Toà án nhân dân huyện ĐakPơ – tỉnh Gia Lai số 28/2011/QĐST-HNGĐ, ngày 16 tháng 8 năm 2011, tôi và ông Tuấn đã thuận tình ly hôn. Bản thân tôi nhận nuôi 2 con chung 1 cháu sinh năm 2004, 1 cháu sinh năm 2007. Định kì hàng tháng ông Tuấn cấp dưỡng nuôi 2 con chung 1.000.000 đồng (một triệu đồng) kể từ tháng 8/2011. Về tài sản, ông Tuấn sở hữu toàn bộ khối tài sản chung của vợ chồng là nhà và phải thanh toán lại cho tôi 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) dứt điểm một lần vào ngày 15/10/2011. Đến tháng 12/2011 (4 tháng sau khi có quyết định của Toà án), Cục THADS huyện Đăk Pơ gọi tôi đến để nhận 2.000.000đ (hai triệu đồng) tiền cấp dưỡng từ ông Tuấn. Đến tháng 5/2012 (9 tháng sau khi có quyết định), Cục THADS huyện lại gọi tôi đến nhận 2.000.000đ (hai triệu đồng) tiền cấp dưỡng. Tính đến nay là 13 tháng tôi đã nhận tất cả là 4.000.000đ (bốn triệu đồng) tiền cấp dưỡng nuôi con và chưa nhận khoản tiền thanh toán tài sản nào. Trước sự thi hành án chậm trễ của ông Tuấn mà bản thân tôi chỉ nhận lương ổn định hàng tháng với mức lương bậc 4, hệ số 3,33 còn phải trừ 900.000đ/tháng vào tiền vay ngân hàng nên cuộc sống của 3 mẹ con tôi rất khó khăn, vất vả. Hiện tại ba mẹ con tôi đang sống trọ trong một khu tập thể bỏ hoang mục nát, tồi tàn, lụp xụp, ẩm thấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu mưa to gió lớn. Tôi không thể thuê chỗ ở khác để đảm bảo an toàn vì không đủ chi trả tiền thuê nhà hàng tháng. Xét thấy ông Tuấn là một giáo viên có thu nhập ổn định hàng tháng với mức lương bậc 4, hệ số lương 3,03 nên tôi có đề nghị Cục THADS huyện trích 1.000.000đ trong số tiền lương của ông Tuấn để 2 con tôi được nhận khoản tiền cấp dưỡng một cách ổn định. Nhưng chuyên viên Cục THADS huyện trực tiếp thụ lý hồ sơ của tôi cho biết không thể trừ tiền lương của ông Tuấn vì ông Tuấn phải trả tiền vay ngân hàng 1.050.000đ/tháng nên số tiền còn lại là 3.250.000đ nếu trích cho tôi 30% theo quy định thì vẫn không đủ 1.000.000đ và nếu trích như vậy sẽ không đảm bảo điều kiện sống cho ông Tuấn. Còn việc kê biên nhà ở của ông Tuấn là rất khó vì hiện tại ông Tuấn đang vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng Nông nghiệp huyện Đăk Pơ với số tiền là 20.000.000; theo như lời Cục trưởng và Phó Cục trưởng cục THADS huyện cho biết không thể thực hiện cưỡng chế vì làm việc như vậy sẽ thiếu tính nhân văn. Vậy tôi xin hỏi:1. Thời gian tự nguyện thi hành bản án của ông Tuấn như vậy có phải là đã quá chậm trễ hay không? Đến thời điểm này có thể thực hiện cưỡng chế thi hành án chưa?

2. Việc ông Tuấn vay ngân hàng trừ lương hàng tháng có ảnh hưởng đến việc cấp dưỡng nuôi con hàng tháng hay không? Tiền lương của tôi hàng tháng chỉ hơn ông Tuấn 300.000đ (ba trăm nghìn) mà phải trả tiền vay ngân hàng xấp xỉ với số tiền ông Tuấn trả ngân hàng. Một mình ông Tuấn không đủ sống, vậy cả ba mẹ con tôi có đủ sống hay không? Nếu hết đợt này ông Tuấn lại vay tiếp đợt khác liên tục như vậy thì liệu việc thi hành án có được đảm bảo hay không?

3. Việc ông Tuấn vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ có ảnh hưởng gì đến việc kê biên nhà ở không? Toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án là do ai phải nộp? Trường hợp tôi không có đủ số tiền nộp trước khi cưỡng chế thì tôi có thể nộp sau khi cưỡng chế được không?

4. Số tiền chậm thi hành án sẽ được tính theo lãi suất ngân hàng theo quyết định sơ thẩm của TAND huyện Đăk Pơ nhưng nếu ông Tuấn không đủ điều kiện trả thì sẽ được giải quyết như thế nào?

Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ để đảm bảo công bằng và quyền lợi chính đáng cho các con tôi và bản thân tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự trả lời của quý cơ quan.

Gửi bởi: Nguyen Thi Thanh Hong

Trả lời có tính chất tham khảo

Nội dung bạn nêu nhiều vấn đề, vì vậy chúng tôi trả lời theo từng ý hỏi của bạn để bạn tham khảo như sau:

1. Thời gian tự nguyện thi hành bản án của ông Tuấn như vậy có phải là đã quá chậm trễ hay không? Đến thời điểm này có thể thực hiện cưỡng chế thi hành án chưa?

Căn cứ Điều 9, Điều 45 Luật Thi hành án dân sự thì Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.

Như vậy, ông Tuấn không tự nguyện thi hành án thì đến thời điểm này đã đủ điều kiện về thời hạn tự nguyện để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

2. Việc ông Tuấn vay ngân hàng trừ lương hàng tháng có ảnh hưởng đến việc cấp dưỡng nuôi con hàng tháng hay không?

Ông Tuấn vay tiền ngân hàng không thế chấp bằng lương và không có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật buộc ông Tuấn trả tiền cho ngân hàng thì không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế thi hành án trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án cấp dưỡng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 78 Luật Thi hành án dân sự quy định việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong trường hợp theo thỏa thuận của đương sự; bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện.

3. Việc ông Tuấn vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ có ảnh hưởng gì đến việc kê biên nhà ở không? Toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án là do ai phải nộp? Trường hợp bạn không có đủ số tiền nộp trước khi cưỡng chế thì bạn có thể nộp sau khi cưỡng chế được không?

– Việc thế chấp tài sản này nếu thực hiện trước khi có bản án, thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên tài sản đó khi có điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể là: Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

– Trường hợp việc thế chấp sau khi có bản án giữa bạn và ông Tuấn, thì đó hành việc thế chấp không đúng pháp luật nếu anh Tuấn không dùng tiền vay để thi hành án cho bạn. Vì thế, Chấp hành viên có quyền cưỡng chế căn nhà để thi hành án căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án (ông Tuấn) chịu toàn bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự, Điều 31 và 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự”.

Do đó, bạn không phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án.

4. Số tiền chậm thi hành án sẽ được tính theo lãi suất ngân hàng theo quyết định sơ thẩm của TAND huyện Đăk Pơ nhưng nếu ông Tuấn không đủ điều kiện trả thì sẽ được giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, thì để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án… Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án.

Đối chiếu với quy định này thì lãi chậm thi hành án của số tiền ông Tuấn phải trả bạn tính từ ngày bạn có đơn yêu cầu thi hành án đến ngày người phải thi hành án trả hết cho bạn. Mức lãi suất chậm thi hành án tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Thông tư liên tịch 01/TTLT Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


14.Thụ lý đơn yêu cầu thi hành án

Quyết định số 72/2010/HNGĐ-ST ngày 08/9/2010 của TAND huyện tuyên về con chung giao cháu Nguyễn Ngọc Hà Nhi, sinh ngày 09/4/2006 cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng. Chị C được quyền qua lại thăm nom, chăm sóc con chung không ai được cản trở. Sau khi án có hiệu lực chị C giao con chung cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng. Việc giao nhận này do hai bên tự thực hiện không có sự chứng kiến của cơ quan THADS và chính quyền địa phương. Cháu Hà Nhi ở với anh T được 02 năm thì ngày 05/9/2012 chị C đến trường bắt cháu Hà Nhi về sống với chị C. Vậy anh T có quyền làm đơn yêu cầu THA yêu cầu chị C giao lại con cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng không? Chi cục THADS huyện có thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của anh T không?

Gửi bởi: Nguyễn Nữ Hoàng Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong trường hợp này, về mặt pháp lý thì chưa có căn cứ khẳng định đã giao cháu Nguyễn Ngọc Hà Nhi cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng, bởi vì việc giao nhận con do hai bên tự thực hiện không có sự chứng kiến của cơ quan thi hành án dân sự và chính quyền địa phương. Vì vậy, nếu anh T yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn và ra quyết định thi hành án để tổ chức việc thi hành án là không sai.

Chấp hành viên thực hiện theo Điều 120 Luật Thi hành án dân sự về cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


15.Thời hiệu yêu cầu thi hành án

Năm 1994 Tòa án huyện Đầm Dơi tuyên buộc ông A trả cho ông B 132 chỉ vàng 24k. ông B không yêu cầu thi hành án. Đến năm 2010 ông A cùng ông B đến thi hành án huyện ông A tự nguyện nộp cho thi hành án 132 chỉ vàng trả cho ông B. Ông B nhận 132 chỉ vàng 24k và đóng phí thi hành án. Ông A thiếu lại 100 chỉ vàng 24k và hứa xẽ trả cho ông B mỗi năm 20 chỉ. Nhưng đến hạn ông A không làm theo giấy thỏa thuận. Xin hỏi ông B có quyền yêu cầu thi hành án đối với ông A không? căn cứ pháp luật?

Gửi bởi: Huynh Van Khai

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau:

“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”

Theo quy định nêu trên bản án từ năm 1994 đến năm 2010 đã hết hiệu lực pháp luật thi hành.

Việc ông A cùng ông B đến cơ quan thi hành án huyện và ông A tự nguyện nộp cho thi hành án 132 chỉ vàng trả cho ông B là quyền và nghĩa vụ của các bên tự nguyện thực hiện cho nhau, cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với khoản tiền vàng như trên. Do vậy, nếu cơ quan thi hành án dân sự thu phí thi hành án từ số tiền vàng như trên là không đúng quy định.

Ông A thiếu lại 100 chỉ vàng 24k và hứa xẽ trả cho ông B mỗi năm 20 chỉ. Nhưng đến hạn ông A không làm theo giấy thỏa thuận. Do bản án không còn hiệu lực thi hành nên ông B không có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án.

Trừ khi theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 “trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”. Và Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án

Nếu ông B chứng minh được các trở ngại khách quan theo quy định thì mới có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


16.Thù lao trông coi tải sản thi hành án

Ngày 15 tháng 11 năm 2011, Chi cục Thi hành án dân sự huyện có thuê gia đình tôi trông coi tài sản đang thi hành án. Lúc đó Chấp hành viên A đã thông báo cho gia đình tôi mức thù lao trông coi là 8 triệu đồng/tháng. Trong văn bản thi hành án lại không ghi số tiền trông coi nhưng lúc đó có rất nhiều người làm chứng. Ngày 15/9/2012 THADS huyện đã cưỡng chế và bàn giao xong tài sản thi hành án. Tài sản được gia đình tôi bàn giao nguyên vẹn đầy đủ không có thắc mắc khiếu nại. Tôi có yêu cầu cơ quan THA huyện làm biên bản bàn giao và thanh lý hợp đồng trông coi tài sản, THA huyện Gia Bình hẹn gia đình chúng tôi đến cơ quan để thanh toán tiền trông coi. Nhưng khi đến cơ quan thi hành án huyện để làm việc thì Chấp hành viên A đã chuyển công tác nên bàn giao cho Chấp hành viên B thụ lý. Chấp hành viên B bảo với gia đình tôi là CHV B là người thứ 3 thụ lý vụ việc này nên tiền trông coi không biết CHV A thỏa thuận với gia đình ra sao nhưng thù lao 8 triệu đồng/tháng THA huyện không chấp nhận. CHV B bảo gia đình tôi về tham khảo giá. Sau khi thống nhất gia đình tôi chấp nhận mức giá tính theo ngày công lao động + tiền trách nhiệm, cụ thể là 210.000đồng/ngày đêm. Sau khi thỏa thuận giữa gia đình tôi và Chấp hành viên B đưa ra mức giá 40 triệu có cả kỳ trông coi, nếu đồng ý thì lên Chi cục THA huyện nhận tiền. Gia đình tôi đồng ý. Hôm sau gia đình tôi lên Chi cục THA huyện để làm thủ tục nhận tiền thì được CHV B thông báo chỉ chi trả cho gia đình tôi là 2 triệu/tháng. Gia đình tôi không đồng ý. Vậy tôi muốn hỏi Chi cục Thi hành án huyện làm như vậy có đúng luật không? Gia đình tôi phải làm gì?

Gửi bởi: Vũ Thắng

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong câu hỏi bạn không nói rõ giữa gia đình bạn và Chi cục Thi hành án dân sự huyện có ký kết hợp đồng thỏa thuận về việc trông coi tài sản cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện hay không. Tuy vậy, trong tình huống này nên xử lý như sau:

Bạn nên liên hệ với Chấp hành viên A để làm rõ sự việc về mức thù lao trông coi tài sản đã thỏa thuận giữa gia đình bạn với Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gia Bình thông báo cho gia đình bạn mức thù lao trông coi là 8 triệu đồng/tháng, vì thỏa thuận trông coi tài sản giữa gia đình bạn với Chi cục Thi hành án dân sự huyện thông qua Chấp hành viên A đã chấm dứt khi cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế bàn giao tài sản cho người được thi hành án. Nếu Chấp hành viên A và Chi cục Thi hành án dân sự huyện không thực hiện cam kết như trên và nếu bạn có đủ căn cứ chứng minh việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã thuê gia đình bạn trông coi tài sản thì bạn có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện để được giải quyết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


17.Yêu cầu thi hành án

Tòa án nhân dân tỉnh đã có quyết định bị đơn phải bồi thường cho tôi 10 triệu đồng. Nhưng nay đã 50 ngày kể từ ngày xét xử mà bị đơn vẫn chưa thực hiện. Nay tôi muốn yêu cầu bị đơn thi hành án vậy tôi phải làm nhưng thủ tục gì và gửi cho cơ quan nào?

Gửi bởi: Ngô Thị Lan

Trả lời có tính chất tham khảo

Thủ tục làm Đơn yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:

“1. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

2. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.

Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.

3. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật này.”

Như vậy, bạn phải làm đơn yêu cầu thi hành án ghi rõ nội dung yêu cầu thi hành án và kèm theo tài liệu về việc cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án là bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật gửi tới cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án nhân dân xét xử bản án sơ thẩm.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự


18.Khấu trừ thu nhập đảm bảo thi hành án

Chấp hành viên có được ra quyết định khấu trừ thu nhập đối với khoản tiền mà người phải thi hành án là thương binh, bênh binh và người có công với cách mạng được hưởng hàng tháng không? Quy định ở văn bản nào?

Gửi bởi: Quốc Biên

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 78 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định biện pháp cưỡng chế: Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, đối với khoản tiền mà người phải thi hành án là thương binh, bênh binh và người có công với cách mạng được hưởng hàng tháng được xem là thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác như theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thi hành án dân sự. Do vậy, Chấp hành viên có quyền ra quyết định khấu trừ thu nhập đối với khoản tiền trên để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thihành án dân sự.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Bùi Khắc Chung – Tổng cục Thi hành án dân sự


19.Được nhận lại số tiền dư sau khi thanh toán tiền thi hành án

Mẹ em là chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản là quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn tại ngân hàng, nay mẹ em không trả được nợ nên ngân hàng khởi kiện ra tòa. Sau khi có bản án của tòa, ngân hàng đã yêu cầu thi hành án đối với mẹ em, hiện nay cơ quan thi hành án đã kê biên quyền sử dụng đất mà mẹ em đã thế chấp để xử lý thi hành án, mẹ em đã nhiều lần liên hệ với ngân hàng để xin chuộc lại tài sản với giá là 160.00.000 đồng nhưng ngân hàng không cho chuộc, lý do mà ngân hàng đưa ra là tài sản mẹ em thế chấp có giá trị cao, hiện nay định giá là 370.000.000 đồng, khi xử lý thi hành án ngân hàng sẽ lấy hết. Mẹ em là chủ doanh nghiệp tư nhân nên phải chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ. Trong hợp đồng thế chấp nói là: bằng hợp đồng này bên thế chấp đồng ý thế chấp cho ngân hàng tài sản là quyền sử dụng 275m2 đất để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ bao gồm vốn vay là: 100.000.000 đồng, lãi, lãi phạt và các chi phí phát sinh. Vậy, cho em hỏi ngân hàng bảo như vậy có đúng hay không? Khi xử lý tài sản nói trên nếu thanh toán hết nợ gốc, lãi và các chi phí phát sinh mà giá trị tài sản còn dư thì gia đình em có được trả lại phần còn dư không?

Gửi bởi: Cao Minh Hoài

Trả lời có tính chất tham khảo

Bản án của Toà án đã tuyên xử lý tài sản thế chấp để thanh toán khoản vay của doanh nghiệp tư nhân do mẹ em là chủ, ngân hàng không đồng ý cho mẹ bạn chuộc tài sản với giá 160.000.000 đồng thì cơ quan thi hành án dân sự kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án là có cơ sở. Số tiền bán tài sản sẽ thanh toán cho khoản nợ vay của doanh nghiệp bao gồm cả tiền nợ gốc, lãi, lãi phạt theo hợp đồng tín dụng được toà án quyết định tại bản án và chi phí thi hành án. Sau khi thanh toán tiền thi hành án, số tiền còn thừa được trả cho người phải thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008, không phải là ngân hàng được lấy hết. Như vậy, phần tiền còn dư thì mẹ bạn được lấy lại.

Bạn cũng cần hiểu rằng trong trường hợp tài sản chưa bị bán đấu giá thì trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, mẹ bạn có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191