Cho mượn đất rồi bị chiếm giờ làm đơn lên huyện được không

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Cho mượn đất rồi bị chiếm giờ làm đơn lên huyện được không?

Nhờ các bác tư vấn giúp em với! Chuyện là như thế này:

Nhà em cạnh nhà một chú tên Thơ. Từ năm 1995, nhà chú Thơ có xây giếng giáp ranh nên mượn nhà em một khoảng đất xây tường bao làm nhà tắm. Sau đó chú Thơ bán đất đó cho bà Thái (chị của chú Dũng – Phó chủ tịch xã). Chú Thơ khi bán nói là tường bao đến đâu thì đất đến đó. Nhà này hiện đang cho người khác thuê.

Gần đây, nhà em muốn phá đi để sử dụng chỗ đất đó, có thông báo trước nhưng nhà họ không chịu. Nhà em đã phá nửa chỗ tường đó xong công an xã đến lập biên bản nói tạm ngưng đến khi giải quết xong. Chiều hôm đó mẹ em có làm đơn lên xã luôn, trong đơn yêu cầu đo để xác định ranh giới.

Đến sáng nay mấy người ở xã đến hòa giải, nhưng chưa đo. Họ nói là khi bà Thái mua gồm cả tường bao nên mình phá thì phải xây lại tường vào trong để trả cho họ rồi xã mới đến đo. Tường bao đấy không phải của mình xây nên không có quyền phá. Em làm ở Hà Nội nên mỗi mẹ ở nhà nghe họ giải thích đã ký đồng ý xây lại. Nhưng theo em hiểu biết thì trên đất nhà mình, mình có quyền, kể cả xây góc nhà lồi sang cũng phải phá, mà không có nghĩa vụ phải xây lại.

Giờ em muốn bảo mẹ ở nhà không làm gì, đợi hết thời hạn đơn 45 ngày xã không đến đo thì mẹ ủy quyền cho em làm đơn lên huyện được không? Em băn khoăn mỗi khoản kí xây tường lại rồi thôi.Nhờ các bác tư vấn giúp, em xin chân thành cảm ơn!


Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 09 tháng 07 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề tranh chấp về đất đai

Luật Đất đai 2013

3./ Luật sư tư vấn

Khi có tranh chấp về đất đai, người sử dụng đất có thể giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan có thẩm quyền như sau:

Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của đất đai như sau:

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

Bên cạnh đó, Căn cứ Điều 170 Luật Đất đai 2013 có quy định:

Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.

5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.”

Theo đó, trường hợp này của anh/chị, khi có tranh chấp về diện tích sử dụng đất, các bên gửi đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân tiến hành hòa giải, đo đạc đất đai để giải quyết tranh chấp. Vị trí tường bao quanh đất mượn nêu trên là vị trí đất đai đang có tranh chấp về ranh giới. Do đó, ở đây, gia đình anh/chị có quyền yêu cầu Ủy ban thực hiện việc đo đạc hòa giải theo quy định pháp luật.

Với phần tài sản của người khác trên đất của mình, khi gia đình anh/chị đã thực hiện thông báo yêu cầu tháo dỡ mà bên có tường bao không có biện pháp di dời, thì gia đình anh/chị có quyền tự tháo dỡ. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp ở đây không phụ thuộc vào việc anh/chị hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của bức tường. Gia đình anh/chị có thể yêu cầu Ủy ban thực hiện đo đạc luôn, nếu Ủy ban không tiến hành hoặc hòa giải không thành, anh/chị có quyền khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi có đất với trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định để bảo vệ quyền , lợi ích của mình.

Về phần đứng tên khởi kiện, khiếu nại, người đứng ra khởi kiện, khiếu nại trên đơn là người sử dụng đất được thừa nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, anh/chị có thể được ủy quyền để tham gia vào các phiên giải quyết, nhưng người đứng tên trên các giấy tờ yêu cầu giải quyết là người có quyền sử dụng đất ở đây là mẹ bạn. Với giấy cam kết xây lại, nội dung này không nằm trong nội dung giải quyết yêu cầu của đơn, do đó, nếu không có một quyết định hành chính về việc yêu cầu gia đình bạn xây lại tường, thì gia đình bạn không cần thực hiện cam kết không chính đáng xâm phạm quyền đối với đất đai của mình nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Cho mượn đất rồi bị chiếm giờ làm đơn lên huyện được không, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191