Không có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn có ly hôn được không

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Không có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn có ly hôn được không?

Rất mong có được sự phản hồi từ phía luật sư, tôi và chồng tôi kết hôn từ năm 2010 nay đã có 2 con chung và một số tài sản chung do 2 vợ chồng tích cóp, nay do tôi phát hiện ra anh ngoại tình và còn có 1 con ngoài với người phụ nữ kia nên tôi quyết định yêu cầu ly hôn, không thể chung sống với anh ta thêm nữa, anh ta không đồng ý như vậy và giữ hết giấy tờ bản chính gồm có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của các con nhằm ngăn cản tôi ly hôn, tôi xin hỏi như vậy tôi có thể yêu cầu tòa ly hôn mà không có những giấy tờ này được không, tôi còn ảnh chụp, và có nhớ số hiệu của những tài liệu này?


Không có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn có ly hôn được không
Không có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn có ly hôn được không

Luật sư Tư vấn Không có sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn có ly hôn được không. – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN. Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý

Ngày 18 tháng 11 năm 2017

2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng

  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
  • Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP  Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự
  • Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình.

3./ Luật sư trả lời

Căn cứ Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định việc nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo đơn khởi kiện như sau:

“5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, khi làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn, người làm đơn phải gửi kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh liên quan đến yêu cầu của mình, trong đó có Giấy đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu. Trong trường hợp chung sống như vợ chồng trước ngày 3/01/1987, Căn cứ theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn thì được công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do vậy, trong trường hợp này, khi làm thủ tục ly hôn thì không bắt buộc phải xuất trình giấy đăng kí kết hôn.

Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP quy định về các tài liệu, chứng cứ kèm theo như sau:

“Điều 6. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện quy định tại Điều 165 của BLTTDS

Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.

Ví dụ: Khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án yêu cầu giải quyết ly hôn (có đăng ký kết hôn hợp pháp), nuôi con, chia tài sản, thì về nguyên tắc người khởi kiện phải gửi kèm theo đầy đủ các tài liệu, chứng cứ về quan hệ hôn nhân, con, tài sản chung của vợ chồng; nếu họ chưa thể gửi đầy đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện, họ phải gửi bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh của con (nếu có tranh chấp về nuôi con).”

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hiện hành chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc áp dụng quy định về Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn sử dụng theo hướng dẫn tại  Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP. Theo đó, trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì người khởi kiện phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.

Trường hợp không có giấy đăng kí kết hôn và sổ hộ khẩu, có thể xảy ra các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp bị mất Giấy đăng kí kết hôn hoặc mất sổ hộ khẩu:

Với trường hợp mất sổ hộ khẩu, người thực hiện thủ tục ly hôn cần có bản sao thông báo đã gửi đến cơ quan công an quản lý hộ tịch xác nhận. Mất giấy đăng kí kết hôn, người muốn thực hiện thủ tục ly hôn liên hệ với UBND cấp xã (phường) nơi đăng ký kết hôn trước đây để xin cấp bản sao. Trong hồ sơ ly hôn cần nêu rõ lý do không có giấy chứng nhận kết hôn gốc.

Trường hợp 2: Trường hợp chưa có sổ hộ khẩu do xin cấp lại, cấp đổi,…

Trường hợp này, người thực hiện thủ tục cần có bản sao các loại giấy tờ chứng minh đó tại thời điểm đó sổ chưa có là do đang chờ thủ tục hành chính hoàn thiện. Và thực hiện việc bổ sung sổ hộ khẩu sau hoặc khi được Tòa án yêu cầu bổ sung.

Trường hợp 3: Trường hợp bị một bên khác cố tình giữ sổ để ngăn cản quá trình ly hôn

Trường hợp này, người có đơn yêu cầu ly hôn cần phải trình bày rõ và đúng sự thật với Tòa án và có thể yêu cầu Tòa án có biện pháp yêu cầu người nắm giữ giao ra hoặc giao nộp bản chính, có thể sẽ yêu cầu công an hỗ trợ nếu thấy cần thiết để thực hiện quyền đơn phương ly hôn của công dân.

Như vậy, khi không có sổ hộ khẩu và giấy đăng kí kết hôn, người có đơn yêu cầu ly hôn vẫn có thể thực hiện quyền đơn phương ly hôn của mình và đưa ra lý do hợp lý để chứng minh việc không xuất trình các giấy tờ đó là chính đáng. Người có yêu cầu tự mình bổ sung, bổ sung các giấy tờ thiếu nêu trên theo yêu cầu của Toà án hoặc yêu cầu Tòa án có biện pháp thích hợp theo các trường hợp nêu trên.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã giải đáp được phần nào nhu cầu của quý khách, nếu quý khách có yêu cầu hỗ trợ Dịch vụ ly hôn trọn gói của chúng tôi hoặc có thông tin mới cần giải đáp, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191