Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Tư vấn thủ tục khởi kiện đòi bồi thường danh dự?
Tôi bị xúc phạm danh dự và còn bị người đó tuyên truyền phao tin sai sự thật làm ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống, tôi đã phải chuyển công việc vì không chịu nổi áp lực, nhưng người này vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng tới tôi, qua khuyên bảo của gia đình và bạn bè giờ tôi quyết định kiện và bắt người này phải bồi thường toàn bộ cho những hành vi xúc phạm danh dự của tôi thì phải làm thế nào?
Luật sư Tư vấn Luật Tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191
1./Thời điểm pháp lý
Ngày 10 tháng 04 năm 2018
2./Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề tư vấn thủ tục khởi kiện đòi bồi thường danh dự
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
3./Luật sư tư vấn
Với vấn đề bạn quan tâm liên quan đến tư vấn thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trước hết, căn cứ Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hơp đồng như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác….”.
Theo đó, khi một người có hành vi xâm phạm tới danh dự của người khác mà gây tổn hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sư 2015, thiệt hại về danh dự, nhân phẩm bao gồm những thiệt hại như sau:
“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Người bị thiệt hại cần chứng minh thiệt hại trên thực tế để phục vụ cho việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thủ tục khởi kiện được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Người có yêu cầu khởi kiện làm đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 164. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện như sau:
“2. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
i) Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
k) Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
l) Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.”
Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người gây thiệt hại cư trú theo quy định pháp luật tố tụng. Tòa án nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận đơn khởi kiện xem xét về thẩm quyền, nội dung đơn khởi kiện. Trường hợp cần thiết Tòa án yêu cầu người nộp đơn khởi kiện cung cấp các tài liệu cần thiết để xem xét thụ lý vụ án. Khi đơn khởi kiện đầy đủ nội dung. Tòa án ra thông báo đối với việc nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật, người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án và nộp biên lại thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án trong thời hạn 7 ngày theo quy định. Sau khi tiếp nhận biên lai thu tiền án phí, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án, vào sổ thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật.
Như vậy, để tiến hành kiện đòi bồi thường thiệt hại về danh dự, bên cạnh đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường, bạn cần chuẩn bị các chứng cứ tài liệu phục vụ cho việc xác minh hành vi, chứng minh thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ của mình như nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn theo quy định làm căn cứ để Tòa án thụ lý vụ án giải quyết yêu cầu.
Trong trường hợp này, bạn cũng cần lưu ý, cần khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện theo quy định pháp luật. Thời hiệu khởi kiện thông thường là 02 năm kể từ ngày có thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 tại Khoản 3, Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.
Với những tư vấn về câu hỏi Tư vấn thủ tục khởi kiện đòi bồi thường danh dự, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết: