Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng

Trách nhiệm tham khảo lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng của cơ quan tiến hành thủ tục là như thế nào, xin được hướng dẫn chi tiết về các quy định có liên quan. Xin cảm ơn!


Luật sư Tư vấn Luật xây dựng – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 13 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng

  • Luật xây dựng 2014
  • Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng

3./ Luật sư tư vấn

Lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng là chế định bắt buộc do cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng thực hiện với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân các cấp nhằm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư liên quan đến việc lập quy hoạch xây dựng.

Cụ thể, đối với từng loại quy hoạch xây dựng, trách nhiệm thực hiện hoạt động lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng được quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 44/2015/NĐ-CP như sau:

– Đối với quy hoạch xây dựng vùng:

+ Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về nội dung đồ án quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ mình tổ chức lập trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, vùng chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

– Đối với quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù:

+ Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

+ Trường hợp đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù do Bộ Xây dựng tổ chức lập, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan có trách nhiệm phối hợp lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan tại địa phương trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng.

–  Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn: Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.

Theo Điều 17 Luật xây dựng 2014, hình thức lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng bao gồm:

– Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý kiến trực tiếp.

– Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

– Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch xây dựng ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng, các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan phải được tổ chức tư vấn phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch tiếp thu, tổng hợp, giải trình bằng văn bản. Trường hợp không tiếp thu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trước khi phê duyệt quy hoạch.

Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh các phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Như vậy, lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng là quy trình bắt buộc trước khi phê duyệt quy hoạch xây dựng. Việc lấy ý kiến này phải được cơ quan tổ chức lập quy hoạch tổng hợp thành văn bản để hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Với những tư vấn về câu hỏi Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

 

1900.0191