Cho người quen xa ở nhờ rồi bị chiếm luôn nhà

Câu hỏi của khách hàng: Cho người quen xa ở nhờ rồi bị chiếm luôn nhà

Đứng tên sổ hồng.cho người quen xa ở nhờ lâu rồi giờ cần nhà lấy đem bán. Người ta không chịu đòi chiếm luôn căn nhà. Kiện lên Tòa án mà vẫn ầu ơ dí dầu.Mấy anh/chị có cách nào giúp em không ạ??


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 01/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ trả tài sản trong hợp đồng mượn tài sản

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Cho người quen xa ở nhờ rồi bị chiếm luôn nhà

Sổ hồng được hiểu là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do Bộ Xây dựng ban hành trong đó ghi rõ sở hữu nhà ở như thế nào, sử dụng đất ở thuộc sử dụng riêng hay chung (cấp cho nhà riêng đất hoặc nhà chung đất). Người đứng tên trên sổ hồng, đồng thời là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà có quyền đòi lại ngôi nhà hiện đang cho người khác mượn, nếu bên mượn không trả lại theo quy định thì có thể giải quyết theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 494 Bộ luật Dân sự:

“Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.”

Theo đó, nếu bạn cho người quen ở nhờ mà không thu tiền thì hợp đồng giữa bạn và người đó là hợp đồng mượn tài sản, trong đó bạn là bên cho mượn và bên còn lại là bên mượn tài sản.

Căn cứ Khoản 1 Điều 499 Bộ luật Dân sự thì bên cho mượn tài sản nếu có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. Mà trong trường hợp của bạn thì hiện tại bạn đang cần bán nhà, do đó, bạn có quyền được đòi lại ngôi nhà nhưng phải báo trước cho bên mượn nhà biết một thời gian hợp lý để bên mượn nhà có thể tìm nơi khác để sinh hoạt, tiếp tục cuộc sống bình thường.

Trong trường hợp bên mượn không trả lại nhà theo yêu cầu của bên cho mượn mặc dù bên cho mượn đã thực hiện việc thông báo trước thì căn cứ vào Điều 175 Bộ luật Hình sự:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
a)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; 
b)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: 
…c)Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; …
3.Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 
4.Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. …”

Trong trường hợp của bạn, quyền sử dụng, chiếm giữ căn nhà của người quen xa của bạn được phát sinh từ hợp đồng mượn tài sản đã giao kết với bạn (-chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà). Khi bạn yêu cầu người này trả lại ngôi nhà theo đúng quy định của pháp luật mà người này không chịu trả lại căn nhà mặc dù có điều kiện, khả năng thì hành vi không trả lại căn nhà là một trong những dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, bạn có thể tố cáo hành vi này tới cơ quan có thẩm quyền (bước đầu thường là công an) để yêu cầu giải quyết.

Còn trong trường hợp, bạn đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đòi lại căn nhà của mình từ sự chiếm giữ của người quen xa thì việc giải quyết phải tuân theo các thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự. Trong đó, có các thời hạn nhất định trong từng giai đoạn để Tòa án giải quyết tranh chấp như thông thường, khi không có sai sót, thời hạn ra quyết định thụ lý vụ án từ ngày Tòa án nhận đơn khởi kiện là 08 ngày làm việc, thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, hay thời hạn mở phiên tòa từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử là 01 tháng,… Nếu bạn nhận thấy, Tòa án hiện đang thụ lý đơn khởi kiện của bạn có những hành vi không đúng theo quy định thì bạn có thể khiếu nại các hành vi này của họ đến các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu giải quyết.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn nhận thấy Tòa án có sai phạm trong việc giải quyết yêu cầu của bạn thì bạn có thể khiếu nại tới các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, xử lý hành vi vi phạm của các chủ thể đó.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191