Không đăng ký dịch vụ nhưng ngân hàng bắt đóng tiền thì phải xử lý thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Không đăng ký dịch vụ nhưng ngân hàng bắt đóng tiền thì phải xử lý thế nào

Kính gửi các anh chị trong hội luật sư. Em có một sự việc phản ánh về cách làm việc vô trách nhiệm, lừa dối định chiếm đoạt tiền của khách hàng của F….. Em mong nhận được sự tư vấn của các anh chị. Em xin trình bày như sau:
+Tôi có 1 vụ việc liên quan đến Công ty tài chính F… Tôi có 1 thẻ tín dụng F…
-Cho đến hết tháng 10 năm 2018, thẻ tín dụng của tôi không hề phát sinh khoản nợ vay nào đối với F… Nhưng đột nhiên vào ngày 11/10/2018 tôi nhận được tin nhắn của hệ thống F… là tôi đã đăng ký Bảo Hiểm người vay tín dụng. Và Ngay lập tức thẻ tín dụng của tôi bị ghi nợ số tiền 580.500 vnđ (năm trăm tám mươi nghìn năm trăm đồng).
-Ngay lập tức tôi nhận ra sự bất thường, tôi lập tức gửi ngay thư khiếu nại tới Bộ phận chăm sóc khách hàng, và tôi khẳng định tôi sẽ không nộp bất cứ khoản tiền nào, vì đây là sự sai sót, nhầm lẫn và F… và đến ngày 14/10 tôi nhận được thông báo của bộ phận chăm sóc khách hàng, thừa nhận việc phát sinh gói bảo hiểm là hoàn toàn sai.
-Nhưng từ ngày 27 đến nay, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của nhân viên xưng là F…, gọi từ tổng đài tự động (họ có thể gọi đến cho tôi, nhưng tôi không thể gọi lại cho họ). Họ đe dọa khủng bố tinh thần tôi, cũng đe dọa làm phiền đến người thân của tôi.
-Tôi tiếp tục gửi thư phản ảnh tới F…, nhưng vẫn tiếp tục nhận được yêu cầu là tôi phải đóng tiền, họ sẽ trả tiền tôi sau, họ cũng không hề trả lời cho tôi rằng: Ai đã làm việc này, ai phải chịu trách nhiệm. Tôi vô cùng ngạc nhiên, rõ ràng F… đã lừa dối khách hàng, muốn chiếm đoạt tiền của khách hàng. Khi biết mình sai, không chịu xử lý. Lại bắt khách hàng phải đóng tiền, nếu không sẽ bị phạt.
-Tất cả các cuộc mail trao đổi với F…, hiện tại tôi vẫn đang giữ trong hòm thư của mình.
Em viết thư này, kính gửi hội Tư vấn cho em, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tôi.
Em xin chân thành cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi ngân hàng không giải quyết đề nghị của khách hàng

Bộ Luật Dân sự 2015

3./ Luật sư trả lời Không đăng ký dịch vụ nhưng ngân hàng bắt đóng tiền thì phải xử lý thế nào

Theo thông tin bạn cung cấp, Công ty F cung cấp dịch vụ tài chính cho bạn nhưng lại không xử lý việc phát sinh khoản nợ mà bạn không đăng ký và đã phản ánh tới bộ phận chăm sóc khách hàng. Để đưa ra được cách xử lý tốt nhất, bạn cần đưa được những thông tin cụ thể hơn về việc tài khoản của bạn bị tự động đăng ký bảo hiểm hay về việc có nhân viên yêu cầu bạn đóng tiền.

Trước hết, trong trường hợp của bạn, bạn cần làm rõ đối tượng gọi điện cho bạn có phải là nhân viên của công ty tài chính F hay không.

-Nếu người này đúng là nhân việc của công ty tài chính F mà không phải đối tượng giả mạo, bạn thực hiện việc yêu cầu phía công ty tài chính F giải quyết. Công ty tài chính F có trách nhiệm giải quyết ngay phần khoản nợ phát sinh và những thông tin, yếu tố liên quan khi nhận được yêu cầu của bạn cũng như phải thực hiện việc thông báo kết quả giải quyết cho bạn. Bạn có thể gửi yêu cầu trực tiếp tới giám đốc Công ty tài chính F để được giải quyết, trong đơn yêu cầu trình bày rõ quá trình sự việc phát sinh và kéo dài, ghi rõ yêu cầu của bạn về việc giải quyết khoản nợ phát sinh không phải do bạn đăng ký, yêu cầu ngừng việc gọi điện nhắc nhở, gây rối trên.

Trong trường hợp phía công ty tài chính không đưa ra được biện pháp giải quyết hợp lý hoặc tình trạng làm phiền trên vẫn tiếp diễn, bạn nên khiếu nại sự việc trên tới người quản lý trực tiếp của công ty tài chính trên hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng những bằng chứng tất cả các mail trao đổi với F (bản chụp, bản sao) theo thủ tục tố tụng dân. Việc giải quyết sẽ được dựa trên hợp đồng dịch vụ mà bạn đã ký kết trước đó với phía công ty tài chính. Nếu hai bên không có thỏa thuận về vấn đề này, bạn có thể căn cứ vào Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1.Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. …”

Để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

-Nếu người gọi điện yêu cầu bạn không phải nhân viên của công ty tài chính F mà là một người khác mạo danh để chiếm đoạt tài sản của bạn. Bạn có quyền tố cáo hành vi này tới công an để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo đó, việc phía công ty không giải quyết ngay khoản nợ phát sinh làm tổn hại tới tinh thần, có nguy cơ tới tài sản khi khoản nợ ấy không được giải quyết, yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ xử lý khoản nợ không đúng., bồi thường thiệt hại về tinh thần và tài sản đã gây ra.

Như vậy, bạn có thể gửi yêu cầu trực tiếp tới giám đốc/ban điều hành Công ty tài chính F hoặc khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm trên, bồi thường thiệt hại (nếu có) khi đây là sai từ phía ngân hàng. Tố cáo hành vi gây rối trên tới công an để được giải quyết nếu việc này không phải lỗi của ngân hàng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191