Nộp đơn trình báo tội phạm tại công an có giấy biên nhận không?

Câu hỏi của khách hàng: Nộp đơn trình báo tội phạm tại công an có giấy biên nhận không?

Xin chào luật sư, hôm nay tôi đi lễ chùa tại Láng Hạ có gửi xe tại bãi trông xe tư nhân bên ngoài chùa, khi lễ xong thì phát hiện bị cậy cốp và lấy đi 1 ví tiền cùng điện thoại, tôi có báo với nhà chùa và bãi xe, đồng thời cũng lên công an phương nơi đó để trình báo, tôi xin hỏi là khi tôi trình báo như vậy thì cơ quan công an có xuống hiện trường để kiểm tra không và tại sao khi tôi viết nộp xong bản trình bày thì công an chỉ bảo tôi về đi mà không có giấy tờ nhận nào, như vậy có đúng không?

Luật sư Tư vấn Luật Tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm của công an cấp xã

  • Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08 tháng 4 năm 2010 Quy định cụ thể thi hành một số điều của pháp lệnh công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã;
  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
  • Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTCBNN-PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

3./ Luật sư trả lời Nộp đơn trình báo tội phạm tại công an có giấy biên nhận không?

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Việc bạn báo cáo mất trộm đến công an phường chính là hành vi tố giác về tội phạm.

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 12/2010/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của công an xã, cụ thể, công an xã phải nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Đồng thời, Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định về thẩm quyền giải quyết việc tố giác tội phạm như sau:

  1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
  1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…”

Theo đó, khi bạn trình báo tội phạm ra cơ quan công an phường, công an phường có trách nhiệm tiếp nhận trình báo về tội phạm xảy ra trên địa bàn phường đó. Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 12/2010/TT-BCA: Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết việc, tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường (nếu có), thu giữ, bảo quản hiện vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật và báo ngay cho cơ quan Công an cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời”

Sau khi tiếp nhận yêu cầu tố giác tội phạm trộm cắp tài sản, cơ quan công an phường có nhiệm vụ lập hồ sơ bạn đầu, lấy lời khai của người bị hại và những người biết về vụ việc, đồng thời báo ngay cho cơ quan công an cấp huyện để xử lý.

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư trên, tình hình an ninh, trật tự và các vụ việc, tin tức thu nhận được có liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội đều phải lưu vào hồ sơ theo đúng quy định và hướng dẫn của Công an cấp trên. Những thông tin quan trọng phải báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và Công an cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Theo đó, khi tiếp nhận yêu cầu tố giác tội phạm, cơ quan tiếp nhận chỉ có trách nhiệm lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của bị hại và người biết việc, báo ngay cho cơ quan công an cấp trên để kịp thời xử lý, lưu hồ sơ vụ việc. Pháp luật không quy định trách nhiệm trả biên bản xác nhận việc tiếp nhận yêu cầu tố giác cho người tố giác.

Về thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm, căn cứ Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTCBNN-PTNT-VKSNDTC:

– Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết;

– Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết tố giác thì các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu Viện Kiểm sát gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh; việc gia hạn không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn giải quyết tố giác.

Như vậy, khi bạn trình báo việc bị trộm tài sản lên công an phường, công an phường sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của bị hại và người biết việc, báo ngay cho cơ quan công an cấp huyện để kịp thời xử lý, lưu hồ sơ vụ án mà không có trách nhiệm phải giao biên bản tiếp nhận tố giác. Thời hạn giải quyết yêu cầu tố giác tùy thuộc vào mức độ phức tại của vụ án.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191