Thủ tục đăng ký sản xuất nước lọc

Câu hỏi của khách hàng: Thủ tục đăng ký sản xuất nước lọc

Mình ở phú thọ mình muốn đăng kí lĩnh vực sản xuất nước lọc thì thủ tục như thế nào


Luật sư Tư vấn Luật doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề đăng ký kinh doanh

  • Luật doanh nghiệp 2014
  • Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của bộ y tế
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm
  • Thông tư 26/2012/TT-BYT quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

3./ Luật sư trả lời Thủ tục đăng ký sản xuất nước lọc

Kinh doanh lĩnh vực sản xuất nước lọc không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, để đi vào hoạt động sản xuất thì bạn phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở và phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Căn cứ Nghị định 67/2016/NĐ-CP để được sản xuất, kinh doanh nước lọc thì cơ sở cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Tuân thủ các điều kiện về thiết bị dụng cụ, địa điểm, môi trường, thiết kế xây dựng nhà xưởng, kết cấu nhà xưởng, hệ thống thông gió, chiếu sáng, cung cấp nước, xử lý chất thải, hơi nước và khí nén, nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động, nguyên liệu và bao bì thực phẩm. Có hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín.

– Khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí.

– Bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm.

– Bao bì chứa đựng nước uống đóng chai phải bảo đảm: các loại nắp chai và chai nhựa chứa đựng nước khoáng thiên nhiên có dung tích dưới 10 lít không được sử dụng lại; bình nhựa có dung tích từ 10 lít trở lên và chai thủy tinh có thể được sử dụng lại; Chai, bình sử dụng lần đầu hay sử dụng lại đều phải được làm sạch, diệt khuẩn, xúc rửa kỹ trước công đoạn rót chai, trừ trường hợp chai, bình sử dụng lần đầu được sản xuất theo công nghệ khép kín có diệt khuẩn.

– Việc tiệt trùng, khử trùng sản phẩm, khử trùng bao bì bằng thiết bị chuyên dụng sử dụng công nghệ tạo tia cực tím, công nghệ khí ozone và hoặc các công nghệ khác nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm.

– Nguồn nước sử dụng trong sản xuất nước uống đóng chai phải bảo đảm phòng tránh bất kỳ sự ô nhiễm nào hoặc yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến chất lượng nước và phù hợp với quy định về chất lượng nước ăn uống; các nguồn nước do cơ sở khai thác phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với quy định về chất lượng ít nhất 12 tháng/lần.

– Có bộ phận kiểm soát vệ sinh chai bình, chất lượng nước; có đủ hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm từ khai thác nước nguồn cho đến thành phẩm theo quy định với từng lô sản phẩm.

Trình tự, thủ tục để đăng ký lĩnh vực sản xuất kinh doanh nước lọc như sau:

Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp: Công ty TNHH, công ty cổ phần,…

+ Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:

Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh

– Danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

– Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập;

– Điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần).

+ Nộp hồ sơ: tới cơ quan đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nếu từ chối cấp Giấy thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp biết.

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Căn cứ Thông tư 26/2012/TT-BYT quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ y tế

+ Chuẩn bị: 01 bộ hồ sơ:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm

–  Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:

Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;

Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết  bị, dụng cụ của cơ sở.

– Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);

Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).

– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:

Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);

Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).

+ Nộp hồ sơ tại: Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đăng kí sản xuất kinh doanh

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ cơ quan có thẩm quyền ra thông báo sửa đổi, bổ sung bằng văn bản; quá 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nếu cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận sẽ hủy hồ sơ.

+ Thẩm định cơ sở: Sau khi có kết quả thẩm xét hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc. Trường hợp ủy quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền

Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận

Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải chờ hoàn thiện, ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thiện nhưng không quá 60 ngày.

Trường hợp cơ sở không đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.

Như vậy, để đăng ký sản xuất nước lọc bạn cần đáp ứng các điều kiện và chuẩn bị hồ sơ như trên.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191