Vận động xóa bỏ cây anh túc khi người dân cố ý trồng

Vận động xóa bỏ cây anh túc khi người dân cố ý trồng

Xã X thuộc huyện vùng cao tỉnh Lạng Sơn, là một địa bàn thích hợp với việc trồng cây anh túc. Trước đây, đồng bào vẫn trồng loại cây này và chúng đem lại lợi nhuận khá cao cho người trồng. Nhưng từ năm 1995 tới nay, được sự vận động và hướng dẫn của chính quyền, bà con không trồng anh túc nữa mà đã chuyển sang trồng mận tam hoa. Do đây là khu vực khó khăn về giao thông nên mận không tiêu thụ được, do đó đời sống của bà con dân tộc ngày một khó khăn, chính vì vậy từ năm 2002, một số hộ đã tái trồng cây anh túc. Khi cán bộ đến vận động thì bà con nói: “Đồi núi của chúng tôi thì chúng tôi trồng gì mà chẳng được”. Chính quyền xã phải xử lý tình huống này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Đây là tình huống pháp lý thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền xã, vì hành vi lần đầu trồng cây thuốc phiện xuất phát từ những khó khăn trong đời sống của một số hộ dân do không tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp thay thế cây anh túc. Trong trường hợp này, phương châm giải quyết chủ yếu là thông qua công tác vận động quần chúng.

– Trước hết, phải giải thích với bà con rằng hành vi trồng cây anh túc là hành vi phạm tội hình sự. Cụ thể, đó là hành vi vi phạm điều 192 Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ việc trồng cây thuốc phiện, thuốc gây nghiện có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu trước đó đã được giáo dục và xử phạt hành chính.

– Tiến hành giáo dục, vận động đối với những người cố tình trồng cây anh túc. Yêu cầu họ tự triệt phá diện tích cây anh túc đã trồng của gia đình mình.

– Đối với những người cố tình không chịu phá bỏ cây anh túc thì Chủ tịch UBND xã hoặc Trưởng Công an xã căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội ra quyết định xử phạt hành chính với mức tối đa là 500.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu diện tích đất bị đem trồng cây anh túc.

– Chính quyền xã phải xây dựng kế hoạch tiêu thụ mận cho bà con để ổn định đời sống nhân dân, tránh tái trồng cây anh túc.

– Đối với những đối tượng đã được giáo dục, xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục trồng cây thuốc phiện thì chính quyền xã căn cứ vào điều 192 Bộ luật Hình sự chỉ đạo Công an xã làm các thủ tục đề nghị Công an huyện xử lý hình sự.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị định 150/2005/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191