Trách nhiệm tổ chức đối thoại về môi trường

Trách nhiệm tổ chức đối thoại về môi trường

Trung tâm Y tế huyện T nằm trên địa bàn thị trấn A. Tháng 8 năm 2006, Trung tâm được đầu tư nâng cấp thành Bệnh viện đa khoa nên sau đó lượng bệnh nhân tăng lên rất lớn. Tuy nhiên, do Bệnh viện chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bệnh viện nên chỉ vài tháng sau khi được nâng cấp thành Bệnh viện, người dân sống xung quanh Bệnh viện rất bức xúc vì các chất thải phẫu thuật, bông băng đã qua sử dụng không được thu gom, xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống xung quanh. Không chịu nổi tình trạng ô nhiễm, các hộ dân đã cử đại diện vào tận Bệnh viện để gặp lãnh đạo Bệnh viện đề nghị Bệnh viện có biện pháp xử lý các nguồn chất thải độc hại, khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đã nhiều lần tổ đại diện vào Bệnh viện nhưng đều không được tiếp vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy, các hộ dân đã làm bản kiến nghị chung để Tổ trưởng Tổ dân phố trình lên UBND thị trấn đề nghị UBND thị trấn yêu cầu Ban lãnh đạo của Bệnh viện phải tổ chức buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với dân để thống nhất biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải của Bệnh viện gây ra. UBND thị trấn A phải giải quyết như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 1 Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về thực hiện dân chủ cơ sở quy định, tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái bằng một trong các hình thức sau đây: tổ chức họp để phổ biến cho nhân dân, người lao động; thông báo, phổ biến bằng văn bản cho nhân dân, người lao động được biết. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định một trong các biện pháp để giải quyết các vấn đề về môi trường là hình thức tổ chức đối thoại. Đây là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa phát sinh mâu thuẫn do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra. Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường 2005 thì việc tổ chức đối thoại về môi trường phải được thực hiện trong các trường hợp sau:

– Theo yêu cầu của bên có nhu cầu đối thoại;

– Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp;

– Theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong trường hợp này, người dân sống xung quanh Bệnh viện, là những người đang chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do Bệnh viện gây ra đã có yêu cầu đối thoại gửi cho UBND thị trấn, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường. Do đó, căn cứ quy định nói trên, UBND thị trấn cần khẩn trương nắm tình hình và tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa người dân và lãnh đạo Bệnh viện càng sớm càng tốt.

Việc tổ chức đối thoại tiến hành như sau:

Chuẩn bị cho buổi đối thoại

– Có trách nhiệm gửi giấy mời, thông báo rõ về mục đích tổ chức đối thoại và ấn định ngày tổ chức đối thoại cho lãnh đạo Bệnh viện; đồng thời mời đại diện nhân dân sống trong khu vực ô nhiễm; yêu cầu nhân dân có văn bản nêu rõ các vấn đề cần yêu cầu phía Bệnh viện phải giải thích hoặc đối thoại;

– Cùng với giấy mời triệu tập đến đối thoại, UBND thị trấn gửi cho Bệnh viện (bên được yêu cầu đối thoại) văn bản về các vấn đề cần giải thích hoặc đối thoại;

– UBND thị trấn có thể mời thêm Phòng Tài nguyên – Môi trường là cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên dự họp, nắm tình hình để báo cáo với lãnh đạo UBND huyện;

– Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên nhận yêu cầu phải chuẩn bị các nội dung trả lời, giải thích, đối thoại; trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường yêu cầu tổ chức đối thoại thì các bên có liên quan thực hiện theo quy định của cơ quan đã yêu cầu.

Tổ chức buổi đối thoại trực tiếp

Buổi đối thoại trực tiếp được tiến hành khi có sự tham gia đầy đủ của đại diện nhân dân và đại diện có thẩm quyền của Bệnh viện. UBND thị trấn là cơ quan chủ trì tổ chức đối thoại. Kết quả đối thoại phải được ghi chính xác, trung thực thành biên bản ghi nhận các ý kiến, thỏa thuận, làm căn cứ để các bên có trách nhiệm liên quan thực hiện hoặc để xem xét xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường.

Theo “Tình huống pháp luật: Kinh tế, tài nguyên – môi trường và cơ sở hạ tầng”

Các văn bản liên quan:

Luật 52/2005/QH11 Bảo vệ môi trường

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191