Xử lý phương tiện gây tai nạn giao thông

Xử lý phương tiện gây tai nạn giao thông

Em của tôi có một chiếc xe tải và có thuê người lái. Trong một lần chở hàng đi chợ Lục Ngạn – Bắc Giang, khi qua huyện Lục Nam thì lái xe gây tai nạn làm chết người. Hiện nay lái xe và gia đình đã thỏa thuận đền bù cho gia đình người bị chết số tiền là 60 triệu đồng (có biên bản đền bù). Khi em tôi cầm đơn xin xe đang bị tạm giữ tại công an huyện Lục Nam gặp cán bộ thụ lý vụ việc thì được anh này trả lời là chưa trả xe được vì đang trong quá trình điều tra.Khi em tôi xin gặp trưởng công an huyện để đua đơn thì được cán bộ trực ban nói là phải đăng ký hẹn gặp trước. Em tôi xin đăng ký hẹn gặp thì được trả lời là muộn rồi mặc dù mới có 15 giờ 30.Vậy tôi muốn hỏi khi nào thì xe của em tôi được trả lại và cần những thủ tục gì và cần gặp ai để giải quyết.

Gửi bởi: vũ văn thanh

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong khi điều khiển phương tiện giao thông, người lái xe đã gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người. Nếu thiệt hại trên do lỗi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì người điểu khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999. Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

Do xe ô tô của em trai anh là phương tiện gây tai nạn giao thông nên việc cơ quan công an tạm giữ xe để khám nghiệm, điều tra là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05/01/2007 của Bộ Công an ban hành quytrình điều tra giải quyết tại nạn giao thông đường bộ thì khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết. Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền.

Như vậy, thời gian giữ xe phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh, khám nghiệm của cơ quan công an. Do anh không nói rõ cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không nên việc trả lại xe cho em trai anh được thực hiện theo các trường hợp sau:

– Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ sẽ được xử lý theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) như sau: “Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện”.

– Trường hợp tai nạn giao thông có dấu hiệu của tội phạm: Khi đó, chiếc xe là vật chứng của vụ án hình sự nên việc xử lý sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự:

“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.”

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Quyết định 18/2007/QĐ-BCA(C11) Ban hành Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

Trả lời bởi: CTV1

1900.0191