Phân tích các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Đề tài: Phân tích các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và liên hệ thực tiễn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp xuất hiện rất sớm trong lịch sử phát triển của thuế. Hiện nay ở các nước phát triển, thuế thu nhập doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước và thực hiện phân phối thu nhập. Mức thuế cao hay thấp áp dụng cho các chủ thể thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là khác nhau, điều đó phụ thuộc vào quan điểm điều tiết thu nhập và mục tiêu đặt ra trong phân phối thu nhập của từng quốc gia trong từng giai đoạn. Theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được trừ một số khoản chi trong kì tính thuế. Vậy trường hợp nào thì các khoản chi phí sẽ được trừ khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?

I. Một số vấn đề lý luận cơ bản về thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp

1.1. Định nghĩa

Trước hết, Thuế thu nhập là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập thực tế của các tổ chức và cá nhân có thu nhập phát sinh từng lần hoặc trong một khoảng thời gian xác định từ một số nguồn nhất định.Thuế thu nhập chia theo đối tượng nộp thuế gồm có thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của các doanh nghiệp trong kì tính thuế.

1.2. Đặc điểm

Ngoài những đặc điểm chung của thuế là có tính cưỡng chế và tính pháp lý cao, là khoản đóng góp không mang tính hoàn trả trực tiếp, thuế thu nhập doanh nghiệp còn có một số đặc điểm riêng. Cụ thể là:

Thứ nhất, Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào thu nhập chịu thuế (hay là lợi nhuận) của các doanh nghiệp, phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư.

Thứ hai, Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hòa thu nhập xã hội nên thường gắn liền với chính sách kinh tế – xã hội của nhà nước.

Thứ ba, Thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính phức tạp, ổn định không cao, việc quản lí thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lí thuế thường lớn hơn so với các loại thuế khác.

Thứ tư, Thuế thu nhập doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia và cả luật quốc tế. Bởi thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu nên nó là đối tượng được điều chỉnh bởi hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

2. Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ nhất, Thuế thu nhập doanh nghiệp là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội;

Thứ hai, Thuế thu nhập doanh nghiệp là nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước;

Thứ ba, Thuế thu nhập doanh nghiệp là công cụ quan trọng để góp phần khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo chiều hướng kế hoạch, chiến lược, phát triển toàn diện của Nhà nước;

Thứ tư, Thuế thu nhập doanh nghiệp còn là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện chứng năng điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ phát triển kinh tế nhất định.

3. Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

3.1. Chủ thể quan hệ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Chủ thể có quyền thu thuế: Do Thuế TNDN là loại thuế nội địa và hoạt động tạo ra thu nhập của đối tượng nộp thuế không bị giới hạn bởi địa giới hành chính nên chủ thể được nhân danh Nhà nước thực hiện quyền thu thuế TNDN đối với đối tượng nộp thuế là cơ quan thuế các cấp. Đây là điểm khác biệt với quan hệ pháp luật thuế khác như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất…

                   Chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế: Căn cứ Điều 2, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014, người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

3.2. Căn cứ phát sinh quan hệ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Quan hệ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trên cơ sở có ba yếu tố cơ bản là có cơ cấu chủ thể xác định, có quy phạm pháp luật điều chỉnh và có sự kiện pháp lý:

Quy phạm pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp gồm: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành ngày 3/6/2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19/6/2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, còn các quy phạm pháp luật thuế quốc tế được quy định trong các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã tham gia kí kết.

Sự kiện pháp lý là phát sinh quan hệ pháp luật Thuế TNDN gồm: Có hành vi kinh doanh và có thu nhập phát sinh.   

3.3. Căn cứ và phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Để xác định số thuế TNDN mà đối tượng nộp thuế phải thực hiện, Luật Thuế TNDN đưa ra hai căn cứ là: thu nhập tính thuế và thuế suất[1].

a. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế=Thu nhập chịu thếThu nhập được miễn thuế+Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

Thu nhập chịu thế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kì tính thuế=Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kì tính thuếChi phí được trừ trong kì tính thuế+Thu nhập chịu thuế khác trong kì tính thuế

Trong đó:

* Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kì tính thuế được xác định là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng, dịch vụ, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Doanh thu được tính bằng đồng Việt Nam; trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ[2].

* Chi phí được trừ và không được trừ trong kỳ tính thuế[3]

Về nguyên tắc, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Một là, khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hai là, khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.

Về các khoản chi không được trừ, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định bằng cách liệt kê các khoản chi cụ thể không được trừ tại khoản 2 Điều 9.

* Thu nhập khác chịu thuế

Thu nhập khác là những khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ các hoạt động ngoài hoạt động tạo ra doanh thu. Các khoản thu nhập chịu thuế khác trong kì tính thuế được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH[4].

b. Thuế suất[5]

Thuế suất thu nhập doanh nghiệp chung từ ngày 01/01/2016 là 20%. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm (của năm trước liền kề) không quá hai mươi tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

c. Phương pháp tính thuế

Điều 11 Luật Thuế TNDN hiện hành quy định về số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được tính bằng “thu nhập tính thuế” với “thuế suất”.

“Kỳ tính thuế” được xác định theo năm dương lịch. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính.

II. Các điều kiện để một khoản chi phí của doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và liên hệ thực tiễn

1. Các điều kiện

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh ngiệp, trong hoạt động kinh doanh có những khoản chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, theo Điều 4Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 25/2018/TT-BTC, điều kiện tính vào chi phí được trừ quy định như sau:

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Như vậy, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí nếu đó là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

2. Phân tích quy định của pháp luật và liên hệ thực tiễn

2.1. Chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

a. Phân tích

Chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm[6]:

– Khoản chi cho thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật; khoản chi hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp.

– Các khoản chi thực tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.

– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.

– Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật;

Như vậy, phải xác định xem khoản chi phí đó có thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nếu thực tế phát sinh nhưng không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì không được chấp thuận là chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

b. Liên hệ thực tiễn:

Đối với chi phí được trừ (Chứng minh thực tế phát sinh và có liên quan đến hoạt động SXKD):

Công ty Cổ phần bảo hiểm AC mỗi tháng đều tổ chức một buổi đào tạo kỹ năng bán hàng, đàm phán cho đội ngũ nhân viên công ty. Để tổ chức các buổi học chất lượng, AC thuê đội ngũ giảng viên đến từ Trung tâm đào tạo kỹ năng kinh doanh Next Home. Chi phí về dịch vụ đều được ghi nhận qua hóa đơn dịch vụ (đã bao gồm thuế GTGT) với Next Home. Như vậy, đây là loại chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP.

Đối với chi phí không được trừ (Chứng minh thực tế phát sinh và không có liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp đứng trên phương diện thuế):

Công ty Cổ phần bảo hiểm AC hàng tháng đều tổ chức các chuyến đi ủng hộ trẻ em vùng cao. Thực tế là có phát sinh tại công ty (thông qua phiếu chi của Công ty) và liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Nhưng đứng trên quan điểm của pháp luật về Thuế thì không chấp thuận vì chi phí trên không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nên không được chấp thuận là chi phí được trừ.

2.2. Hóa đơn, chứng từ hợp pháp

a. Phân tích:

Hóa đơn, chứng từ hợp pháp là những hóa đơn chứng từ thỏa mãn một trong những điều kiện sau:

Hóa đơn GTGT hoặc Hóa đơn bán hàng theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC;

Các chứng từ chứng minh các khoản chi theo quy định của pháp luật kế toán;

Bảng kê mẫu 01/GTGT kèm theo Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Như vậy, tùy theo khoản chi phí mà khoản chi phí đó có thể có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng hoặc Chứng từ theo quy định của pháp luật thì thuế vẫn chấp thuận; tức là không phải trường hợp nào cũng phải có hóa đơn.

b. Liên hệ thực tiễn:

Đối với chi phí không được trừ (Có thực tế phát sinh nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật thì không được chấp thuận đây là chi phí được trừ).

Như Công ty Cổ phần bảo hiểm AC trong những buổi đào tạo kiến thức cho nhân viên phải photo tài liệu tham khảo. Công ty không có hóa đơn GTGT về việc photo tài liệu mà chỉ có hóa đơn lẻ thì sẽ không được chấp thuận là chi phí được trừ.

Đối với trường hợp chi phí tiền lương thì không cần phải có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng mà chỉ cần có chứng từ là được chấp nhận là chi phí được trừ.

Vậy bộ chứng từ để thuế chấp thuận của chi phí lương là: (1) Bảng lương kèm theo Ủy nhiệm chi hoặc phiếu chi; (2) Bảng chấm công; (3) Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng; (4) Quy chế tính lương và thưởng; (5) Bộ hồ sơ của người lao động.

2.3. Thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT)

a. Phân tích

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thanh toán không dùng tiền mặt được quy định như sau:

“Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt”

Cũng theo quy định này, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt trong pháp luật về thuế TNDN được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.

Đối với chứng từ thanh toán qua ngân hàng, theo quy định tại Điều 1 Thông tư 173/2016/TT-BTC:

“3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

Các chứng từ thanh toán qua ngân hàng không bao gồm các trường hợp sau:

Bên mua nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản của bên bán;

Chứng từ thanh toán theo các hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Các trường hợp chứng từ không dùng tiền mặt khác:

Bù trừ công nợ: Phương thức này phải được quy định trên hợp đồng, biên bản đối chiếu số liệu, xác nhận của hai bên. Nếu bù trừ công nợ qua bên thứ ba thì phải có biên bản đối chiếu 3 bên;

Thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản, bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật;

          Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

b. Liên hệ thực tiễn

Tháng 8 năm 2015, Công ty cổ phần Đại Phát có mua hàng hóa đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 30 triệu đồng nhưng chưa thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2015, Công ty Đại Phát đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với giá trị mua hàng hóa này. Sang năm 2016, Đại Phát có thực hiện thanh toán giá trị mua hàng hóa này bằng tiền mặt do vậy Đại Phát phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kỳ tính thuế năm 2016).

IV. Một số giải pháp đề xuất hoàn thiện công tác quản lý thuế TNDN tại Việt Nam hiện nay

1. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý kê khai, nộp thuế TNDN

 Để làm tốt công tác quản lý kê khai, nộp thuế cần bổ sung một số các tiêu chí như sau: Số lần nộp chậm tờ khai thuế trong năm; Số lỗi khai sai trong năm; Số lần phải giải trình về số liệu kê khai thuế trong năm; Số ngày chậm nộp thuế bình quân; Số tiền thuế chậm nộp bình quân ngày.

2. Giải pháp hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp

Một là, tăng nguồn nhân lực cho công tác kiểm tra, phân loại rủi ro để phân công cho các đoàn kiểm tra phù hợp với năng lực chuyên môn.

Hai là, tập trung khai thác dữ liệu trên hệ thống của CQ thuế, trao đổi nắm thông tin về doanh nghiệp bằng các nguồn thông tin trong và ngoài ngành thuế như thông tin từ các đoàn thành tra, kiểm tra trước, thông tin giao dịch liên kết từ các cơ quan khác, trang tin dữ liệu hợp tác quốc tế của Tổng Cục thuế, Sở kế hoạch đầu tư;

Ba là, xây dựng các chương trình thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm NNT theo một số tiêu chí phân nhóm chính;

Bốn là, cần sự hợp tác của doanh nghiệp được thanh tra kiểm tra;

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về thuế

3. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế TNDN

Thứ nhất, chú trọng công tác phân tích, dự báo rủi ro;

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, khấu trừ thuế, miễn giảm, gia hạn nộp thuế, quyết toán thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai thiếu số thuế phải nộp;

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế;

Thứ tư, xây dựng quy chế phối hợp với các Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thu nợ thuế.

4. Giải pháp điều kiện

– Cải cách dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế và thực hiện phân đoạn người nộp thuế;

– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế;

– Phát triển dịch vụ thuế, đặc biệt là dịch vụ thuế tư.

Trong giai đoạn từ năm 1997 đến nay, pháp luật Việt Nam về thuế TNDN đã có nhiều thay đổi tích cực, phù hợp với thực tiễn xã hội và đạt được những thành tựu nhất định. Có thể thấy rằng, Thuế TNDN là loại thuế có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật thuế của Việt Nam, song để phát huy một cách có hiệu qủa vai trò của thuế TNDN, chúng ta cần phải xem xét nó dưới nhiều khía cạnh, từ đó có những kế hoạch, biện pháp cụ thể về công tác quản lý thuế trong thời gian tới.

Trong quá trình làm bài, có thể em còn nhiều thiếu sót. Em rất mong nhận được những đánh giá, nhận xét từ thầy cô để bài làm được hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 1997;
  2. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2003;
  3. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008;
  4. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013;
  5. Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014;
  6. Nghị định 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều của Luật thuế TNDN;
  7. Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 khoản 1 Thông tư 78/2014/TT-BTC, điều kiện tính vào chi phí được trừ;
  8. Thông tư 78/2014/TT-BTC quy đinh về các khoản chi không tương ứng với doanh thu trong kỳ được tính vào chi phí được trừ;
  9. Thông tư 173/2016/TT-BTC;
  10. Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014;
  11. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Thuế Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019.
  12. Ngô Thị Thảo Phương, Pháp luật về Thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Ninh, Luận văn tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2018.
  13. Lê Thị Hoa, Pháp luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tiễn Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, Luận văn thạc sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.
  14. TS. Nguyễn Minh Hằng, Bất cập trong pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và một số đề xuất, Báo Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp, 2019. – Số 3, tr. 43-47;
  15. Minh Đức, Để triển khai thực hiện tốt những quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, Hà Nội, 2014.
  16.  Lê Thị Thu Huyền, Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Khoa Luật – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.
  17. Lê Thị Minh Phượng, Hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội, 2019.

[1] Điều 6, Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH.

[2] Điều 8, Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH.

[3] Điều 9, Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH. Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.

[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.

[5] Điều 10 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH.

[6] Khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP (Khoản này được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP)

Một số bài luận liên quan:

1900.0191