Trách nhiệm giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

Đề tài: Trách nhiệm của các chủ thể trong việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật.

Tổng cục Thống kê và UNICEF hôm 11/1/2019 đã công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam[1]. Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam, do Tổng cục Thống kê tiến hành trong hai năm 2016 và 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF. Khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên – khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số – gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số. Không những vậy, việc giải quyết vấn đề việc làm cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn.

1. Khái niệm người khuyết tật và đặc điểm của người khuyết tật

a, Khái niệm về người khuyết tật

     Hiện nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về người khuyết tật, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

     Theo khoản 1 Điều 1 Công ước 159 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về phục hồi chức năng lao động và việc làm của người khuyết tật năm 1983, quy định: “Người khuyết tật dùng chỉ một cá nhân mà khả năng có việc làm phù hợp, trụ lâu dài với công việc đó và thăng tiến với nó bị giảm sút đáng kể do hậu quả của một khiếm khuyết về thể chất và tâm thần được thừa nhận.”

     Công ước Quốc tế về quyền của NKT của Liên hợp quốc (UN) năm 2006 định nghĩa: “Khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa những người có khiếm khuyết và những rào cản về thái độ và môi trường ở đó hạn chế tham gia một cách đầy đủ và có hiệu quả vào các hoạt động trên cơ sở bình đẳng với các thành viên trong xã hội”. Và cũng theo Điều 1 của công ước này định nghĩa: “Người khuyết tật bao gồm những người suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người khuyết tật và xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”

     Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật Việt Nam định nghĩa: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một phần hoặc nhiều bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt và học tập gặp khó khăn.”

     Với những cách tiếp cận khác nhau về định nghĩa NKT chúng ta có thể thấy rằng, NKT là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế trong việc tham gia của người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với những chủ thể khác mà nền tảng là quyền con người.

b, Đặc điểm của người khuyết tật

Đặc điểm về sức khỏe: NKT là người bị khiếm khuyết hay bị suy giảm một hay nhiều bộ phận cơ thể, có những rối loạn về sinh lý, tâm lý hoặc một chức năng nào đó của cơ thể. Chính sự khiếm khuyết đó làm cho NKT bị hạn chế về sức khỏe, kém khả năng chống lại các dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và vận động.

Đặc điểm về tâm lý: Phần lớn NKT họ đều mặc cảm tự ti về bản thân mình, có cuộc sống bi quan, cô lập với mọi người và thế giới xung quanh. Họ cảm thấy mình là người thừa, là gánh nặng cho gia đình và xã hội nên có tâm lý chán nản bất cần, sống thu mình với thế giới xung quanh.

Đặc điểm về kinh tế- xã hội: NKT là bộ phận yếu thế trong xã hội do bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần. Đồng thời xã hội cũng chưa có nhận thức đúng đắn về NKT nên họ thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử từ phía cộng đồng, dẫn đến đa số NKT phải sống trong cảnh cô đơn và kì thị[2].

2. Ý nghĩa giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

Dưới góc độ chính trị- xã hội: Giải quyết việc làm cho NKT góp phần xây dựng một xã hội ổn định, công bằng, tiến bộ mà ở đó con người không có bất cứ một sự phân biệt nguồn gốc hay đặc điểm tinh thần, thể chất nào đều được phát triển toàn diện. Đồng thời giúp NKT xóa bỏ những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cuộc sống.

Dưới góc độ kinh tế: Giải quyết việc làm đối với NKT trước hết tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế, đồng thời việc làm sẽ tạo ra thu nhập cho chính bản thân NKT và từ đó tạo ra tích lũy cho nền kinh tế.

Dưới góc độ pháp lý: Việc ban hành chế độ pháp lý dành riêng cho NKT đã tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội. Việc giải quyết việc làm đối với NKT đã đáp ứng quyền được làm việc, được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, giúp họ khẳng định mình trong cuộc sống.

3. Trách nhiệm của các chủ thể trong việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

a, Trách nhiệm của Nhà nước đối với việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

Thứ nhất, Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm khoản 2 điều 9 Bộ luật Lao động 2012. NKT cũng là công dân là lực lượng lao động xã hôi Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho họ.

Thứ hai, Điều 176 Bộ luật Lao động 2012 về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật:

“Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật người khuyết tật.”

NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều chức năng trên cơ thể nên thường bị suy giảm khả năng lao động, do vậy ngoài vấn đề việc làm và giải quyết việc làm Nhà nước còn có trách nhiệm phục hồi chức năng lao động cho họ cùng với những hỗ trợ khác để NKT có việc làm cũng như ổn định và duy trì việc làm lâu dài.

Thứ ba, khoản 1 Điều 33 Luật Người khuyết tật quy định Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.

Phục hồi chức năng là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với NKT, giúp NKT có thể giảm bớt mức độ khuyết tật của mình, bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời việc tư vấn việc làm cho NKT là việc làm rất cần thiết vì bản thân NKT cũng khó khăn trong việc tiếp cận các công việc do đó cần có sự tư vấn hỗ trợ để họ có được việc làm phù hợp với sức khoẻ và đặc điểm khuyết tật của mình.

Thứ tư, để khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận NKT, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở này, điều 34 Luật Người khuyết tật quy định:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.” Các mức hưởng cụ thể được quy định tại khoản 1 điều 9 NĐ 28/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra các “Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định này” Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;”

Như vậy thông qua quyền lực của mình, Nhà nước đã ban hành những chính sách, những văn bản pháp luật để cho NKT có được cơ hội việc làm, bình đẳng với những người khác, tránh sự phân biệt đối xử.

b, Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với người khuyết tật

Với tư cách là các chủ thể đại diện cho Nhà nước để thực thi các quy định về người khuyết tật trong từng lĩnh vực cụ thể được ghi nhận tại khoản 2,3 Điều 49 Luật Người khuyết tật 2010: “2. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiện trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác NKT.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác NKT.”

Nhà nước giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trong việc giải quyết việc làm cho NKT được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 50 Luật Người khuyết tật 2010: “1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật;

b) Chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật; chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật;

c) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành thủ tục, hồ sơ, thời gian và quy trình giải quyết chế độ trợ cấp xã hội, chế độ mai táng phí; quy trình, thủ tục, hồ sơ tiếp nhận và điều kiện dừng nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;

d) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác người khuyết tật; cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc, nhân viên phục hồi chức năng, cán bộ chuyên trách của tổ chức người khuyết tật;

đ) Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;

e) Đào tạo nghiệp vụ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác người khuyết tật và nhân viên chăm sóc người khuyết tật tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;

g) Xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về người khuyết tật và công tác người khuyết tật;….”

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật, ngoài Bộ Lao động Thương binh- xã hội thì nhà nước còn quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giải quyết vấn đề này, được ghi nhận tại khoản 4 Điều 49 Luật Người khuyết tật 2010: “4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật.”

c, Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

Người khuyết tật là đối tượng lao động đặc thù nên các quan tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân càng cần phải có sự quan tâm đặc biệt tới các đối tượng này nhằm đảm bào cho họ được bình đẳng như những người lao động bình thường khác, tránh sự phân biệt đối xử.

Trong việc tuyển dụng, Luật Người khuyết tật quy định các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

Do có khiếm khuyết về bộ phận trên cơ thể nên người sử dụng lao động thường không thích sử dụng lao động là NKT vì sợ năng suất lao động không cao. Hơn nữa trong một số trường hợp người sử dụng lao động còn phảiđầu tư cơ sở vật chất cũng như điều kiện lao động cho NKT tốn kém hơn những người lao động bình thường. Do đó việc quy định rõ trong pháp luật trách nhiệm của các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chếcơ hội việc làm của NKT sẽ góp phần hạn chế tình trạng này, những quy định này cũng là sự nội luật hoá công ước số 111 của ILO Công ước về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Trong việc sắp xếp, bố trí công việc, môi trường làm việc, điều kiện làm việc, không chỉ bảo đảm quyền việc làm cho NKT trong việc tuyển dụng, pháp luật còn có những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho NKT trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Môi trường làm việc phù hợp ở đây được hiểu là bất kì thay đổi nào trong môi trường làm việc hoặc thay đổi trong cách thức làm việc nhằm giúp NKT được hưởng cơ hội việc làm bình đẳng. Có ba hình thức tạo môi trường làm việc phù hợp: cải tiến quá trình xin việc, thay đổi môi trường làm việc hay cách thức làm việc, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật hưởng một cách công bằng các phúc lợi và quyền lợi do công việc đem lại. Ví dụ: NKT thuộc diện khuyết tật vận động thì phải có bàn ghế làm việc phù hợp thì họ mới có khả năng hoàn thành công việc được giao.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, để khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận NKT, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở này, điều 34 Luật NKT quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.” Các mức hưởng cụ thể được quy định tại khoản 1 điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra các “Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định này” Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.

d, Trách nhiệm của gia đình đối với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật

Điều 8 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định: “1. Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.”. Với quy định này, nhà nước xác định rõ trách nhiệm của gia đình trong việc: Giáo dục, nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về vấn đề NKT, cách ứng xử và hỗ trợ NKT; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật vận động… Trong đó quan trọng nhất là vận dụng các biện pháp thay đổi tư duy và nhận thức chủ quan của từng thành viên trong gia đình về vấn đề khuyết tật để họ có thể tham gia các quan hệ lao động, cũng như tìm kiếm việc làm bình đẳng như những người bình thường khác trong xã hội.

Một số bài luận liên quan:

1900.0191