Phân tích một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về quy chế thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Trong đời sống quốc tế hiện nay, bên cạnh quốc gia – chủ thể đầu tiên và cơ bản của Luật Quốc tế, thì sự xuất hiện và phát triển của các tổ cức quốc tế liên chính phủ đóng vai trò ngày càng quan trọng, là trung tâm phối hợp hành động nhằm bảo vệ lợi ích về chính trị, kinh tế, văn hóa,… của các thành viên. Mỗi một tổ chức liên chính phủ khi ra đời đều nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định. Những thành viên của các tổ chức đó bên cạnh những nghĩa vụ phải thực hiện còn được hưởng những quyền lợi riêng của thành viên tổ chức liên chính phủ trao cho trên cơ sở việc thực hiện nghĩa vụ của các thành viên khác và ngược lại. Do đó, mỗi tổ chức liên chính phủ khi thành lập ra đều xây dựng những quy chế thành viên để lựa chọn thành viên và nhằm phù hợp với mục tiêu xây dựng của tổ chức. Để hiểu rõ hơn về quy chế thành viên của tổ chức liên chính phủ, em đã chọn tìm hiểu về đề tài: “Phân tích một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về quy chế thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ”.
I. KHÁI QUÁT VỀ TỔ CHỨC QUỐC TẾ LIÊN CHÍNH PHỦ
1. Khái niệm
Tổ chức quốc tế là một thực thể liên kết các quốc gia và các chủ thể khác của Luật Quốc tế, hình thành trên cơ sở điều ước quốc tế, có quyền năng của chủ thể Luật Quốc tế, có hệ thống các cơ quan để duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ của tổ chức đó.
2. Đặc điểm
– Về thành viên: Tổ chức liên chính phủ là mô hình liên kết chủ yếu của các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế cũng thừa nhận tư cách thành viên của các chủ thể khác như đối với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thành viên bao gồm các quốc gia ( Mỹ, Việt Nam,..), tổ chức liên chính phủ (Liên minh châu Âu – EU) và cả các vùng lãnh thổ độc lập (Hồng Kông, Đài Loan,…).
– Về cơ sở pháp lý để thành lập và hoạt động: Tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập và hoạt động dựa trên cơ sở một điều ước quốc tế được kí kết giữa các thành viên tham gia tổ chức. Các điều ước quốc tế này đều có ý nghĩa là điều lệ của tổ chức liên chính phủ với những quy định cụ thể về mục đích thành lập, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các thành viên,… Quy trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế này được điều chỉnh bởi các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế.
– Về quyền năng của chủ thể Luật quốc tế: Quyền năng chủ thể Luật Quốc tế của tổ chức liên chính phủ mang tính chất phái sinh và hạn chế. Quyền năng này không tự nhiên sinh ra vốn có mà được sinh ra từ quyền năng gốc của các thành viên, do sự thỏa thuận của các thành viên trao cho. Bởi sự phái sinh từ quyền năng gốc của các thành viên nên phạm vi quyền và nghĩa vụ của tổ chức cũng bị giới hạn trong thỏa thuận trao quyền của các thành viên. Tuy nhiên, khi tham gia vào quan hệ Luật Quốc tế, tổ chức liên chính phủ cũng là một chủ thể của Luật Quốc tế, nên việc thực việc các quyền và nghĩa vụ mang tính độc lập nhân danh chính mình trong quan hệ đó.
– Về cơ cấu thường trực để duy trì hoạt động chức năng: Tổ chức liên chính phủ có một hệ thống các cơ quan thường trực để duy trì hoạt động, đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Hệ thống cơ quan thường trực này bao gồm các cơ quan chính và các cơ quan bổ trợ phối hợp, giúp việc với cơ quan chính thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức.
3. Phân loại
Tổ chức quốc tế liên chính phủ hiện nay có phạm vi và nội dung hợp tác đa dạng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống quốc tế. Do vậy, để phân loại các tổ chức có thể căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có thể kể đến một số tiêu chí thường gặp[1]:
– Căn cứ vào tiêu chí thành viên chia thành tổ chức quốc tế khu vực (EU,..), tổ chức quốc tế liên khu vực(NATO,..), tổ chức quốc tế toàn cầu(UN,…).
– Căn cứ vào phạm vi hợp tác: Tổ chức quốc tế chia thành: Tổ chức quốc tế chung (UN,EU,ASEAN,..), Tổ chức quốc tế chuyên môn (WTO,IMF,..)
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ QUY CHẾ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC LIÊN CHÍNH PHỦ
Trong cơ cấu của một tổ chức liên chính phủ, thành viên của tổ chức có thể là quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ khác hoặc các chủ thể khác của Luật Quốc tế. Quy chế thành viên của các tổ chức liên chính phủ hoàn toàn không giống nhau. Đối với các tổ chức hiện nay, căn cứ vào thời gian gia nhập tổ chức có thể chia thành viên của tổ chức thành thành viên sáng lập và thành viên gia nhập. Thành viên sáng lập nhà những thành viên tham gia vào hội nghị thành lập tổ chức, ký kết điều ước quốc tế thành lập tổ chức (ví dụ đối với ASEAN thành viên sáng lập bao gồm 5 nước: Thái lan, Singapo, Maylaixia, Inđonesia và Philippin). Thành viên gia nhập là những thành viên không tham gia vào quá trình thành lập tổ chức mà chỉ trở thành thành viên khi tổ chức đó đang hoạt động (ở ASEAN thì Việt Nam, Lào, Capuchia là những thành viên gia nhập sau, khi ASEAn đang hoạt động). Khi xây dựng tổ chức, các thành viên sáng lập cũng xây dựng những điều kiện pháp lý cơ bản về quy chế thành viên để các thành viên trong tổ chức tuân thủ, đáp ứng. Quy chế thành viên bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
1. Điều kiện và thủ tục gia nhập tổ chức quốc tế liên chính phủ
Trở thành thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ là quyền cơ bản của các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế. Tuy nhiên, không phải các quốc gia muốn tham gia vào một tổ chức quốc tế thì sẽ được tham gia mà phải đáp ứng những điều kiện do tổ chức đó đề ra.
(i) Về điều kiện gia nhập: Mỗi tổ chức quốc tế tùy thuộc vào mục đích thành lập, chức năng hoạt động của mình, mà đưa ra những điều kiện để kết nạp thêm thành viên. Để gia nhập vào tổ chức quốc tế, các thành viên phải đáp ứng những điều kiện khách quan chủ quan khác nhau. Điều kiện khách quan là những điều kiện từ phía tổ chức đặt ra dựa trên những đặc điểm khách quan về mặt địa lý, tự nhiên,.. của các quốc gia muốn gia nhập như đối với ASEAN đưa ra điều kiện để một quốc gia thành thành viên của ASEAN thì phải có vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á. Điều kiện chủ quan là những điều kiện xuất phát từ ý chí, khả năng của các quốc gia như sự tự nguyện xin gia nhập, khả năng thực hiện quyền ngĩa vụ của thành viên hay khả năng gách vác nghĩa vụ của tổ chức,..
(ii) Về thủ tục ra nhập: Bên cạnh việc đáp ứng những điều kiện gia nhập, các văn bản về thành lập tổ chức còn ghi nhận về trình tự, thủ tục mà các quốc gia hoặc chủ thể khác của Luật Quốc tế phải thực hiện khi muốn gia nhập. Theo đó, các quốc gia muốn gia nhập vào tổ chức thì làm đơn và gửi đơn xin ra nhập cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận của tổ chức. Sau đó, đơn xin gia nhập có thể được xem xét và thông qua tại các hội nghị của tổ chức theo các hình thức khác nhau.
2. Quy và nghĩa vụ cơ bản của các thành viên
Khi trở thành thành viên chính thức của một tổ chức quốc tế, các quốc gia hoặc chủ thể khác của Luật Quốc tế tham gia vào tổ chức quốc tế sẽ có được những quyền lợi cơ bản của thành viên và gánh vác các nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở quy định tại hiến chương, điều lệ của tổ chức. Dựa trên thực tế hiện nay, hầu hết các tổ chức đều ghi nhận cho các thành viên tổ chức mình những quyền như: Quyền bình đẳng giữa các thành viên khi tham gia vào các hoạt động của tổ chức; Quyền được có đại điện tại tổ chức quốc tế; Quyền được tham gia đề cử, ứng cử vào các cơ quan của tổ chức quốc tế; Quyền rút khỏi tổ chức quốc; Quyền được hưởng các trợ giúp từ tổ chức;…
Tương ứng với những quyền được tổ chức quốc tế trao cho, các thành viên cũng phải đảm nhận những nghĩa vụ tương ứng đối với tổ chức, thành viên khác như: Tuân thủ đầy đủ, tự nguyện các nghĩa vụ thành viên; Tôn trọng quyền năng độc lập của tổ chức; Đóng góp tài chính cho các hoạt động của tổ chức; Dành cho tổ chức và các nhân viên của tổ chức các quyền ưu đãi miễn trừ cần thiết để duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả; Giải quyết các bất đồng, tranh chấp với các thành viên khác bằng phương thức hòa bình;…
3. Chấm dứt tư cách thành viên của tổ chức quốc tế liên chính phủ
Bên cạnh các điều kiện gia nhập, các quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ chức, quy chế thành viên của tổ chức quốc tế liên chính phủ còn ghi nhận về việc chấm dứt tư cách thành viên của tổ chức. Tư cách thành viên của tổ chức bị chấm dứt trong các trường hợp:
a)Rút khỏi tổ chức quốc tế
Rút khỏi tổ chức quốc tế được hiểu là hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia thành viên nhằm chấm dứt tư cách thành viên của mình trong tổ chức quốc tế. Rút khỏi tổ chức quốc tế là quyền của quốc gia thành viên. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của tổ chức được diễn ra ổn định, các tổ chức thường quy định điều kiện và thủ tục trong trường hợp này rất chặt chẽ trong điều lệ hoạt động của các tổ chức. Việc rút khỏi tổ chức quốc tế là hành vi đơn phương của quốc gia thành viên, thể hiện sự tự nguyện từ bỏ tư cách thành viên và sự ràng buộc với tổ chức quốc tế về các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quy chế thành viên của tổ chức đó. Khi tự nguyện rút khỏi tổ chức, quốc gia thành viên có thể xin gia nhập lại tổ chức khi có nhu cầu và mong muốn quay lại trở lại tổ chức ở một thời điểm nào đó sau khi rút khỏi.
b) Đình chỉ quy chế thành viên
Đình chỉ quy chế thành viên của tổ chức là chế tài do tổ chức quốc tế áp dụng với các thành viên của tổ chức mình do có hành vi vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ được quy định trong điều kệ của tổ chức nhưng chưa đến mức bị khai trừ khỏi tổ chức nhằm buộc thành viên đó chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Dựa vào mức độ vi phạm của quốc gia thành viên, tổ chức quốc tế có thể áp dụng hình thức đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quy chế thành viên trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, tùy thuộc vào phạm vi đình chỉ mà thành viên đó không được thực hiện những quyền của thành viên tổ chức như không được biểu quyết trong các cơ quan của tổ chức, tạm thời không thực hiện quyền đại diện tại các cơ quan thường trự của tổ chức,… Sau thời gian bị đình chỉ, tư cách thành viên của quốc gia bị đình chỉ sẽ được khôi phục lại như ban đầu.
c) Khai trừ khỏi tổ chức quốc tế
Khai trừ khỏi tổ chức quốc tế thực chất là một biện pháp chế tài mà tổ chức quốc tế áp dụng đối với thành viên có hành vi vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc nền tảng trong tổ chức và hoạt động của tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, khác với rút khỏi tổ chức quốc tế là hành vi đơn phương xuất phát từ ý chí tự nguyện của quốc gia thành viên thì khai trừ khỏi tổ chức quốc tế là một “hình phạt” mà tổ chức quốc tế dành cho thành viên vi phạm điều lệ của tổ chức. Với việc bị áp dụng “hình phạt” này, mọi quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong tổ chức sẽ tự động chấm dứt và có thể vĩnh viễn không thể quay lại hoặc xin gia nhập vào tổ chức quốc tế đó một lần nữa.
III. THỰC TIỄN VỀ QUY CHẾ THÀNH VIÊN CỦA QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ (IMF)
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là một tổ chức quốc tế về tài chính và tiền tệ mà thành viên là chính phủ các nước. IMF được thành lập đồng thời với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (Ngân hàng Thế giới) tại Hội nghị quốc tế Bretton Wood tổ chức vào tháng 7 năm 1944. Cho tới tháng 9 năm 2011, IMF bao gồm 187 quốc gia thành viên[3] với mục tiêu thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm sự ổn định tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại thế giới, kích thích việc làm và phát triển kinh tế bền vững, giảm đói nghèo trên toàn thế giới. IMF cũng đưa ra những tư vấn chính sách, và giúp đỡ về mặt tài chính cho các nước thành viên trong những giai đoạn khó khăn về kinh tế, đồng thời làm việc với các nước đang phát triển để giúp các nước này đạt được sự ổn định về kinh tế vĩ mô và giảm đói nghèo.
1. Điều kiện và thủ tục gia nhập IMF
Theo quy định tại Mục 1 Điều 2 Điều lệ thành lập IMF thì: “Các thành viên ban đầu của quỹ là những quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và Hội nghị tiền tệ và tài chính của Liên hợp Quốc, chấp nhận tư cách thành viên IMF trước ngày 31 tháng 12 năm 1945”. Có thể thấy IMF được thành lập như một tổ chức quốc tế chuyên môn thuộc hệ thống Liên Hợp quốc, để trở thành thành viên của IMF, xuyên suốt từ ban đầu đến nay, các quốc gia phải đáp ứng điều kiện là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Từ thời điểm kết thúc chiến tranh lạnh, IMF đã mở rộng và phát triển hơn rất nhiều. Sau nhiều lần sửa đổi Điều lệ thành lập IMF đến nay, điều kiện để gia nhập IMF được quy định cụ thể tại Điều 1 Điều lệ như sau:
– Là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc;
– Sẵn sàng gắn bó, trung thành với các chức năng và nguyên tắc chủ đạo của IMF;
– Chấp nhận sự ràng buộc và tuân thủ Điều lệ thành lập IMF;
– Có khả năng và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thành viên.
Có thể thấy trên cơ sở chủ quyền quốc gia, việc gia nhập tổ chức quốc tế là quyền của các quốc gia. Nhưng khi tham gia vào tổ chức, thì việc tuân thủ những quy tắc, luật lệ của tổ chức là nghĩa vụ mà mọi quốc gia thành viên của tổ chức phải thực hiện, chấp hành. Từ những điều kiện gia nhập nêu trên, có thể thấy những tiêu chí để gia nhập IMF hầu hết là những điều kiện mang tính khách quan mà mọi tổ chức quốc tế đều đòi hỏi thành viên của mình phải đáp ứng. Tuy nhiên, để trở thành thành viên của IMF, quốc gia xin gia nhập phải phụ thuộc vào sự chấp nhận của các quốc gia thành viên khác của tổ chức.
Điều lệ thành lập IMF quy định về thẩm quyền quyết định việc kết nạp thành viên mới thuộc về Hội đồng thống đốc trên cơ sở khuyến nghị của Ban Giám đốc điều hành. Hội đồng thống đốc quyết định kết nạp thành viên mới khi có đủ 50% phiếu thuận đồng ý. Thủ tục xin gia nhập và kết nạp cũng do Ban Giám đốc điều hành quy định, cụ thể như sau:
Một quốc gia tự nguyện thể hiện sự mong muốn tham gia IMF, Ban Giám đốc điều hành sẽ xem xét khả năng của quốc gia đó có thể đáp ứng các nghĩa vụ thành viên hay không. Khả năng này được xem xét dựa vào các chỉ số được công bố của quốc gia đó như thu nhập GDP bình quân, dự trữ ngoại tệ,… Thực tế, để có thể tranh thủ lá phiếu của các thành viên Ban Giám đốc điều hành và giúp cho quá trình gia nhập được thuận lợi, các quốc gia ứng viên sẽ phải tìm hiểu kĩ và tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên có tỷ lệ phiếu bầu cao trong IMF (Tỉ lệ phiếu bầu phụ thuộc vào số tiền ký quỹ của các quốc gia thành viên) và nhóm các quốc gia lớn trước thời hạn Ban Giám đốc điều hành bắt đầu xem xét, đánh giá tiềm lực ứng viên.
Các cuộc tiếp xúc ban đầu giữa quốc gia ứng viên với IMF diễn ra dưới nhiều hình thức, từ yêu cầu chính thức cho tới các diễn đàn thương niên hoặc các cuộc gặp gỡ chính thức giữa các nhân vật quan trọng của quốc gia ứng viên với các quan chức của IMF nhằm thực hiện các cuộc vận động hành lang cho quá trình gia nhập IMF. Trong đó, cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiê của quốc gia ứng viên với IMF là quan trọng nhất bởi đây là cuộc gặp sẽ có đầu đủ đại diện của các cơ quan có thẩm quyền của IMF.
Sau khi gặp gỡ, tiếp xúc với các ứng viên, Ban Giám đốc điều hành sẽ đánh giá năng lực của ứng viên. Khi quốc gia ứng viên được Ban Giám đốc đánh giá có đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc đối với thành viên IMF, quốc gia đó sẽ gửi một yêu cầu chính thức tới Ban Giám đốc điều hành của IMF, có chữ kí của người đứng đầu Nhà nước hoặc một quan chức cấp cao có thẩm quyền của quốc gia đó như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính,…
Ngay sau khi yêu cầu gia nhập của quốc gia được Hội đồng Thống đốc chấp nhận theo sự khuyến nghị của Ban Giám đốc điều hành, IMF sẽ gửi một bản thông cáo đến quốc gia đó. Nội dung bản thông cáo sẽ bao gồm yêu cầu của IMF yêu cầu quốc gia cung cấp các dữ liệu cần thiết cho các tính toán hạn ngạch và lịch sử kinh tế của quốc gia cũng như tình trạng của hệ thống kinh tế và tài chính hiện hành của quốc gia. Đồng thời, trong thông cáo sẽ yêu cầu quốc gia đó thông báo công khai trong nước các quy tắc và tiêu chuẩn của IMF, về những thông tin và số liệu thống kê đã cung cấp cho IMF cũng như các thông tin về tài chính, chi tiết thủ tục gia nhập và các nghĩa vụ đối với thành viên IMF.
Đối với việc chấm dứt tư cách thành viên của tổ chức, IMF không ghi nhận cụ thể đối với việc rút khỏi tổ chức như thế nào hay những chế tài khác mà thành viên phải chịu khi vi phạm quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ chức. cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác, việc tham gia tổ chức hoàn toàn là do tự nguyện và do mong muốn của các quốc gia, bên cạnh đó khi là thành viên các quốc gia đạt được những lợi ích nhất định, cho nên việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức cũng tương đối nghiêm túc, không quá vi phạm nghĩa vụ của tổ chức.
2. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên IMF
Như đã trình bày, khi tham gia vào một tổ chức quốc tế liên chính phủ, các quốc gia thành viên bên cạnh đáp ứng điều kiện để được gia nhập tổ chức thì khi đã gia nhập phải thực hiện những nghĩa vụ của thành viên nhằm hướng tổ chức đạt được những mục tiêu, định hướng để ra khi thành lập tổ chức. Trong IMF, cũng như hầu hết các tổ chức quốc tế trên thế giới, các nghĩa vụ của thành viên được quy định tại Điều lệ thành lập IMF, cụ thể là tại Điều 8 bao gồm:
– Tạo điều kiện cho đồng tiền của các nước được chuyển đổi tự do (không áp dụng những hạn chế trong thanh toán đối với những giao dịch quốc tế vãng lai);
– Loại bỏ dần các hạn chế về hối đoái (không áp dụng những hạn chế trong chuyển tiền đối với những giao dịch quốc tế vãng lai);
– Tôn trọng quy định của các thành viên khác về hối đoái phù hợp với quy định của IMF;
– Cung cấp thông tin tài chính cho IMF (chỉ khi thật cần thiết đối với hoạt động của Quỹ bao gồm cả những thông tin cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu của Quỹ);
– Tham vấn với các nước khác việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về tiền tệ;
– Các chính sách về tài sản dự trữ phải phù hợp với các quy định của IMF.
Bên cạnh đó, với mục đích thiết yếu của hệ thống tiền tệ quốc tế IMF là cung cấp một khuôn khổ tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn giữa các nước; duy trì tăng trưởng kinh tế và sự ổn định tài chính, các thành viên của IMF trong một số trường hợp cần thiết còn phải thực hiện một số nghĩa vụ chung về chính sách kinh tế – tài chính trong nước và đối với các thỏa thuận trao đổi với các nước khác (qui định tại Mục 1 Điều 4 của Điều lệ thành lập IMF) đó là:
– Phải thiết lập các chính sách kinh tế và tài chính dài hạn với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách ổn định, phụ thuộc vào tình hình thực tế;
– Xây dựng một hệ thống tiền tệ có tính ổn định, tạo tiền đề cho quá trình sản xuất trong nước không bị gián đoạn và không làm xuất hiện những biến động lớn;
– Không thực hiện các biện pháp nhằm phân biệt đối xử với các hệ thống tiền tệ quốc tế và các biện pháp làm biến động tỷ giá hối đoái trong nước, mà từ đó tạo sự mất cân bằng các khoản thanh toán hoặc nhằm đạt được một lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với các thành viên khác;
– Tuân thủ đúng theo các quy định về các thỏa thuận trao đổi đã cam kết.
Cùng với các nghĩa vụ phải thực hiện, các thành viên khi tham gia vào IMF cũng được hưởng các quyền lợi thiết thực tương ứng với các chức năng của tổ chức đó là:
– Được quyền yêu cầu các khoản hỗ trợ tín dụng từ IMF để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội, khắc phục thâm hụt trong cán cân thanh toán quốc tế, giải quyết những khó khăn tài chính bất thường gây ra do thiên nhiên, hoặc góp phần ổn định những mặt hàng chiến lược về nguyên liệu, nhiên liệu (các khoản tín dụng để triển khai các đề án phát triển kinh tế xã hội, các khoản vay dự trữ điều hòa nhằm tài trợ cho những nước tham gia Quỹ dự trữ điều hòa nguyên liệu chiến lược quốc tế, hoặc sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt SDR – IMF phát hành SDR và lập Quỹ quyền rút vốn đặc biệt cho tất cả các nước thành viên. Số lượng SDR phát hành trong mỗi đợt phân phối cho từng nước căn cứ vào tỷ lệ góp vốn…);
– Quyền được yêu cầu hỗ trợ về mặt kĩ thuật trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính – kinh tế từ phía IMF;
– Quyền được tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề chung của IMF như chính sách, kế hoạch ngắn và dài hạn, các vấn đề về thành viên, cơ cấu tổ chức, nhân sự của Quỹ … thông qua Hội đồng Thống đốc và các lá phiếu phụ thuộc vào giá trị đóng góp.
Hiện nay, với xu thế hội nhập và mở rộng liên kết toàn cầu, xu hướng liên kết các nhóm quốc gia ngày càng gia tăng tạo lên ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế. Việc mở rộng quy mô của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào quy chế pháp lý đối với thành viên của tổ chức đó. Do vậy, để phù hợp với sự phát triển mở rộng và bền vững của các tổ chức quốc tế trên thế giới, mỗi tổ chức cần xây dựng cho mình những quy chế thành viên phù hợp với mục tiêu, hoạt động và mức độ ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới. Thông qua việc nghiên cứu thực tiễn về quy chế thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF – một trong những tổ chức quốc tế hoạt động có quy mô và hiệu quả trên thế giới cho thấy, quy chế thành viên của các tổ chức phù hợp với mục tiêu của tổ chức và việc chấm dứt tư cách thành viên của tổ chức không phải ở tổ chức nào cũng quy định đầy đủ về các vấn đề này.
Tham khảo thêm:
- Để được Q ( người đàn ông lớn tuổi, nhiều tiền và đã có vợ con) cung phụng tiền bạc cho việc ăn chơi, T( 16 tuổi 3 tháng) rủ M, H, N
- Về vị trí,tính chất, chức năng của chính phủ
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
- Cơ cấu tổ chức Chính phủ
- Quy định về Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
- Chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của Nhà nước Việt Nam hiện nay
- So sánh và đánh giá chế định hợp đồng của Bộ luật Hammurabi và Luật Dân sự La Mã thời kì cộng hòa hậu kì và thời kì quân chủ
- Lí luận về hàng hóa sức lao động của CMác với thị trường sức lao động (thị trường lao động) ở Việt Nam hiện nay
- Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách
- Phân tích nội dung và ý nghĩa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”
- Nêu những sai sót thường gặp của người thực hiện tư vấn pháp luật khi tiếp xúc khách hàng và đưa ra những giải pháp khắc phục – Minh họa bằng các tình huống thực tiễn
- Bổ sung hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn trong Tội hiếp dâm
- Tư vấn thủ tục nhập khẩu vàng trang sức, thiết bị làm đẹp
- Nguồn của ngành Luật Hiến pháp Việt Nam
- Đối chiếu quy định của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm
- Vấn đề đại lý thương mại và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lý
- Phân tích các cơ sở khi quy định các điều kiện chi ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước 2015 , thực trạng áp dụng các điều kiện chi ngân sách nhà nước từ năm 2015 và ý kiến pháp lý của nhóm về tính khả thi theo luật ngân sách nhà nước 2015
- Phân tích một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về quy chế thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ
- Xây dựng một tình huống về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức – Giải quyết tình huống đó trên cơ sở so sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015
- Quá trình phát triển và kế thừa của pháp luật Thừa kế
- Vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước