Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án
Ba mẹ tôi phải thi hành án. Chấp hành viên kê biên toàn bộ nhà và đất của gia đình tôi đang sinh sống. Quyền sử dụng đất là của hộ gia đình, nguồn gốc đất là của ông, bà tôi cho cả gia đình tôi cách đây 20 năm, gia đình tôi có 3 anh em. Tôi có làm đơn đề nghị Tòa án phân chia tài sản cho anh em tôi được giữ lại 2/4 diện tích đất nhưng Tòa án cho rằng chúng tôi không có công lao trong mảnh đất đó và quyết định 3 anh em tôi chỉ được hưởng 10% trên tổng giá trị phần đất và ngôi nhà trên phần đất đó. Chúng tôi phải làm gì để giữ lại 2/4 diện tích đất? Tôi rất mong được sự giúp đỡ và tư vấn của Ban tư vấn pháp luật. Xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Nguyễn Loan
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự quy định việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án thì 3 anh em bạn có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự. Do bạn không nêu rõ bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa nên không thể trả lời bạn chính xác được. Tuy nhiên chúng tôi trao đổi một số ý kiến để bạn tham khảo như sau:
Trường hợp bản án là của Tòa án cấp sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật: Nếu 3 anh em bạn không nhất trí với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, theo quy định Điều 243 và Điều 245 Bộ Luật tố tụng dân sự thì anh, em bạn có quyền làm đơn kháng cáo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Điều luật cũng quy định đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật: Theo quy định Điều 254, Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu 3 anh em bạn phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án đó thì trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật anh, em bạn có quyền đề nghị bằng văn bản với Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Các văn bản liên quan:
- Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
- Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Thu Hằng
Tham khảo thêm:
- Quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án
- Có đồng thời ra Quyết định hoãn thi hành án và Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 44a, Điều 48 Luật THADS không?
- Thi hành án xong và muốn xuất cảnh nhưng Cục quản lý xuất nhập cảnh chưa đồng ý vì chưa nhận được thông báo thi hành án xong
- Xin nhận tài sản trúng đấu giá để trừ khoản tiền phải thi hành án có được không?
- Biểu mẫu C46 về Quyết định giải quyết khiếu nại trong nghiệp vụ thi hành án
- Quy định về rút đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành
- Thi hành phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
- Yêu cầu Thừa phát lại thi hành án
- Vướng mắc trong việc thi hành bản án của Tòa án về giao quyền sử dụng đất?
- Thời điểm làm đơn yêu cầu thi hành án?