Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự

Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự. Đương sự chính là những thành phần quan trọng tạo nên một vụ án, vụ việc dân sự, vậy quy định về khái niệm, vai trò của những người này như thế nào, xin mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.


1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự

Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự
Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự

Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, đương sự được hiểu là “người tham gia tố tụng  để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”[1]. Hẹp hơn, Điều 56 BLTTDS quy định: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, đương sự có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức (khi cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án nhưng dù là ai thì họ phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Trong trường hợp không có hoặc có không đầy đủ thì họ phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của mình (Điều 57). Đương sự là cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch. Điều 57 đưa ra các trường hợp cụ thể (người chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 56 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và người đủ 18 tuổi) và tương ứng là các quy định về năng lực pháp luật TTDS, năng lực hành vi TTDS của những cá nhân này trong mỗi trường hợp. Bên cạnh đó, vấn đề năng lực pháp luật TTDS, năng lực hành vi TTDS của công dân nước ngoài, người không quốc tịch được quy định tại Điều 407 BLTTDS.

– Đương sự là cơ quan bao gồm: các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân tham gia TTDS thông qua người đại diện theo pháp luật (thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền. Thông thường một cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành, về nguyên tắc nếu những bộ phận cấu thành này không có quyền độc lập về tài sản thì các bộ phận này không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự.

– Đương sự là tổ chức bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức (là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân) tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Trường hợp tổ chức có nhiều bộ phận thì chỉ những bộ phận hoàn toàn độc lập về tài chính mới có tư cách đương sự.

Năng lực pháp luật TTDS của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong TTDS được quy định tại Điều 408 BLTTDS.

2. Đặc điểm của đương sự trong vụ án dân sự

Đương sự trong TTDS là người tham gia TTDS, do đó, họ có đầy đủ các đặc điểm của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, do đương sự là những người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, không giống với mục đích của hai nhóm còn lại là để bảo về quyền, lợi ích hợp pháp cho người khác hoặc để hỗ trợ cho hoạt động tố tụng nên đương sự có những đặc điểm khác biệt dưới đây.

Thứ nhất, đương sự là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung mà trong quan hệ đó, họ có quyền, lợi ích bị tranh chấp, bị xâm phạm hoặc cần được xác định trong vụ việc dân sự. Trước khi trở thành đương sự trong TTDS, các chủ thể này đã tham gia vào một quan hệ pháp luật nội dung và khi có tranh chấp hay yêu cầu phát sinh, họ mới khởi kiện hoặc nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, quá trình giải quyết các vụ việc dân sự thực chất là giải quyết các quan hệ pháp luật nội dung phát sinh giữa các chủ thể.

Thứ hai, đương sự là chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Họ có thể mong muốn tham gia hoặc buộc phải tham gia vào hoạt động tố tụng, nhưng họ tham gia trước hết là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Những lợi ích mà họ hướng tới có thể là lợi ích cá nhân, lợi ích của pháp nhân hoặc lợi ích của các chủ thể đặc biệt khác.

Thứ ba, các đương sự bình đẳng với nhau trong tố tụng, có thể tham gia tố tụng độc lập hoặc thông qua người đại diện trong TTDS. Họ bình đẳng với nhau về các quyền và nghĩa vụ tố tụng. Mặc dù các đương sự với tư cách tố tụng khác nhau có một số quyền và nghĩa vụ khác nhau nhưng với những quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho họ đó, họ có điều kiện thuận lợi như nhau khi tham gia tố tụng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ tư, đương sự có quyền tự định đoạt trong TTDS. Điều đó nghĩa là việc các đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ là cơ sở làm phát sịnh, thay đổi hay chấm dứt quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Chỉ đương sự mới có quyền tự định đoạt này, trong khi các chủ thể khác có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo đảm.

3. Vai trò của đương sự trong vụ án dân sự

Trong TTDS, có nhiều chủ thể tham gia và mỗi chủ thể đóng vai trò khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói đương sự là chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng bởi lợi ích của họ vừa là nguyên nhân, vừa là mục đích của quá trình tố tụng.

Thứ nhất, đương sự có quyền quyết định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động TTDS. Trong một quan hệ pháp luật dân sự mà các bên không thống nhất được vấn đề thực hiện quyền và nghĩa vụ, họ yêu cầu tòa án giải quyết, khi đó phát sinh tư cách mới là đương sự, và đồng thời, phát sinh các quyền và nghĩa vụ mới được điều chỉnh bởi Luật TTDS.

Thứ hai, yêu cầu của đương sự là cơ sở quan trọng cho việc tham gia tham gia của các chủ thể khác của quá trình TTDS. Khi đương sự yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản,… mà được Tòa án chấp nhận thì vụ việc dân sự đó sẽ có sự tham gia của người làm chứng, người giám định, người định giá,…

Thứ ba, đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng là cơ sở để làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khác như Tòa án, Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác. Chẳng hạn, về nguyên tắc, đương sự là chủ thể có nghĩa vụ chính trong việc cung cấp chứng cứ, chứng minh yêu cầu của họ là hợp pháp và có căn cứ, Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong một số trường hợp pháp luật quy định (khi đương sự không tự thu thập được…).


Danh sách tài liệu:

  • Luận văn của thầy NGUYỄN TRIỀU DƯƠNG “đương sự – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” năm 2004 và 2010
  • Giáo trình trường đh luật hà nội
  • Luật TTDS 2005
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan
  • Tạp chí, NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, “người tham gia tố tụng”, tạp chí TAND, số 8/2005, tr. 14-20.
  • Tạp chí, NGUYỄN TRIỀU DƯƠNG, “về đương sự trong tố tụng dân sự”, tạp chí luật học, đặc san góp ý dự thảo BLTTDS, 2004, tr26-31
  • Tạp chí, NGUYỄN THÁI PHÚC, “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong BLTTDS” tạp chí nhà nước và pháp luật, số 10/2005, tr.41-48

Bài luận liên quan:

1900.0191