Phân tích những quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần? Giữa các cổ đông cũ và cổ đông cũ với cổ đông mới?
Ngoài cổ phần phổ thông là loại cổ phần bắt buộc phải có của công ty cổ phần, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Trong cổ phần ưu đãi bao gồm các loại được quy định tại Khoản 2 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014:
“a) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
b) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
c) cổ phần ưu đãi hoàn lại;
d) các loại cổ phần ưu đại khác do Điều lệ công ty quy định.”
Với từng loại cổ phần trên đây, cổ đông năm giữ cổ phần đó lại có những quyền và lợi ích khác nhau, việc chuyển nhượng các loại cổ phần cũng có những điểm không giống nhau.
Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”
Bên cạnh đó, căn cứ vào các Khoản 1 Điều 114, Khoản 3 Điều 116, Khoản 2, 3 Điều 117 và Khoản 2, 3 Điều 118 Luật Doanh nghiệp quy định về quyền của các cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đại biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đại hoàn lại như sau:
Khoản 1 Điều 114 tại điểm d: “…d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;…”.
Do đó, cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119: “3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.” mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hạn chế với cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ nhày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Khoản 3 Điều 116: “3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.” Có thể hiểu, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết của mình cho người khác.
Khoản 2, 3 Điều 117: “2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau đây:
a) Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
c) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3.Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.”
Dựa vào quy định trên, có thể hiểu quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức như quyền chuyển nhượng nhượng của cổ phần sở hữu cổ phần phổ thông. Do đó, quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi cổ tức như chuyển nhượng cổ phần phổ thông được nói đến ở trên.
Khoản 2, 3 Điều 118: “2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3.Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.”
Quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi hoàn lại của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại cũng tương tự quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đại cổ tức. Do đó, quyền chuyển nhượng cổ phần cổ phần ưu đãi hoàn lại như chuyển nhượng cổ phần phổ thông được nói đến ở trên.
Như vậy căn cứ vào các quy định trên đây, có thể phân chia các cổ phần dựa trên việc chuyển nhượng như sau:
– Cổ phần tự do chuyển nhượng: cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đại hoàn lại, cổ phần ưu đãi khác trừ trường hợp cổ phần thuộc sở hữu của cổ đồng sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
-Cổ phần hạn chế chuyển nhượng : Cổ phần do cổ đông sáng lập sở hữu trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cổ phần được quy định trong Điều lệ công ty về hạn chế chuyển nhượng.
– Cổ phần cấm chuyển nhượng: Cổ phần ưu đãi biểu quyết.
1. Cổ phần tự do chuyển nhượng
Theo như phân tích ở trên, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119 và Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ công ty quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, thì các loại cổ phần trong công ty được tự do chuyển nhượng.
Việc thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014:
“2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”
Theo quy định ở trên, thì việc chuyển nhượng hợp đồng của các cổ đông được thực hiện theo hai cách. Thứ nhất, chuyển nhượng theo cách thông thường là thông qua một hợp đồng chuyển nhượng. Các giấy tờ chuyển nhượng phải được cả hai bên, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của các bên ký. Thứ hai, thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán được quy định rõ tại Luật Chứng khoán năm 2006.
Sau khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng, thì bên nhận chuyển nhượng cổ phần chỉ trở thành cổ đông của công ty khi hoàn tất việc chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong sổ đăng ký cổ đông của công ty theo quy định tại khoản 7 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014:
“Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.”
Với cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng cổ phần của mình thì phải thông báo tới cơ quan đăng ký về thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần theo quy định tại Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 về đăng ký doanh nghiệp như sau:
“1. Cổ đông sáng lập quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sáng lập được kê khai trong Danh sách cổ đông sáng lập và nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
2.Trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
b) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập đối với cổ đông sáng lập là tổ chức hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;
c) Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập của công ty trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổđông công ty theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 112 Luật Doanh nghiệp và xóa tên khỏi Danh sách cổ đông sáng lập của công ty.
3.Trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, kèm theo các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này, hồ sơ thông báo phải có:
a) Danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;
b) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
c) Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư….”
Về trách nhiệm phải thông báo khoản 7 Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cũng quy định rõ như sau: “7. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.”. Như vậy, trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi có cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần do Doanh nghiệp đo chịu trách nhiệm thông báo. Hồ sơ thông báo được quy định tại khoản 2,3 Điều 51 của Nghị định như trên.
Các trường hợp chuyển nhượng cổ phần do phát sinh các căn cứ được quy định tại khoản 3,4,5 Điều 126 như sau:
“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty.
4.Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
5.Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.”
Theo như quy định trên đây, việc chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần phát sinh khi cổ đông là cá nhân chết, cổ đông sở hữu cổ phần tặng cho người khác, hoặc dùng cổ phần đó để trả nợ. Khi cổ đông là cá nhân cá nhân chết, có người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, thì những người thừa kế sẽ sở hữu cổ phần của cổ đông đó, sau khi hoàn tất việc ghi thông tin của họ vào sổ đăng kí cổ đông thì những người thừa kế sẽ trở thành cổ đông của công ty. Nếu cổ đông là cá nhân chết nhưng không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế, hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp cổ đông đó tặng cho cổ phần của mình, có thể tặng cho một phần hoặc toàn bộ; hoặc cổ đông dùng cổ phần để trả nợ, việc trả nợ cũng có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần của cổ đông; thì người được tặng cho hoặc được nhận cổ phần để trả nợ sẽ sở hữu số cổ phần mà cổ đông tặng cho hoặc dùng để trả nợ. Người được tặng cho hoặc nhận cổ phần để trả nợ sẽ trở thành cổ đông của công ty khi ghi đầy đủ thông tin tại sổ đăng kí cổ đông.
Trong trường hợp cổ đông sáng lập là cá nhân chết, tặng cho cổ phần thì người thừa kế, người được tặng cho cổ phần ghi đầy đủ thông tin vào sổ đăng ký cổ đông thì công ty có trách nhiệm thông báo với cơ quan đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐCP về đăng ký doanh nghiệp: “5. Việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong trường hợp tặng cho, thừa kế cổ phần được thực hiện như quy định đối với trường hợp thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần quy định tại Khoản 3 Điều này, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng hợp đồng tặng cho cổ phần hoặc bản sao hợp lệ văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp.”. Hồ sợ chuyển nhượng trong trường hợp thừa kế cổ phần, tặng cho cổ phần được thực hiện giống như trong trường hợp chuyển nhượng đã được nêu ở trên.
Với cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần, tặng cho hoặc dùng trả nợ một phần cổ phần của mình, cổ đông phải đăng ký thay đổi số cổ phần còn lại của mình trong sổ đăng ký cổ đông. Nếu một số cổ phần đã chuyển nhượng đó đã được ghi nhận cổ phiếu mà theo quy định tại Điều 120: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó…” thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại của cổ đông căn cứ vào Khoản 6 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014: “Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.”
Đối với cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không có những hạn chế về chuyển nhượng theo quy định tại khoản 4 Điều 119 như sau:
“4.Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.”
Cổ phần của cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể là cổ phần mà cổ đông sáng lập mua thêm, hoặc nhận chuyển nhượng từ người khác không phải cổ đông sáng lập… Như vậy, với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng kí thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty sẽ không phải áp dụng các hạn chế trong đó có hạn chế về việc chuyển nhượng theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
2. Cổ phần hạn chế chuyển nhượng
Theo như đã chỉ ra, cổ phần hạn chế chuyển nhượng là cổ phần do cổ đông sáng lập sở hữu trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần mà Điều lệ công ty quy định việc hạn chế chuyển nhượng.
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tại khoản 3 Điều 119 như sau:
“3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”
Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “ Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp”. Cổ đông sáng lập có thể sở hữu nhiều loại cổ phần trong công ty.
Theo như quy định trên, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần của cổ phần của cổ đông sáng lập sẽ phải chịu một số hạn chế, trong đó có hạn chế về chuyển nhượng cổ phần. Cổ đông sáng lập có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác cùng công ty, nhưng khi chuyển nhượng cổ phần của mình cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập trong công ty, thì việc chuyển nhượng sẽ gặp hạn chế. Nếu việc chuyển nhượng đó được chấp thuận bởi Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, nếu không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải cổ đông sáng lập đó. Khi biểu quyết về dự định chuyển nhượng cổ phần cho người khác của cổ đông sáng lập, thì cổ đông sáng lập đó không có quyền biểu quyết cho dự định của mình.
Về thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này được thực hiện như chuyển nhượng cổ phần ở phần 1. Vấn đề thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi cổ đông sáng lập cũng tương tự như đã nêu ở trên.
Việc quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một biện pháp để cơ quan nhà nước đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của doanh nghiệp khi mới thành lập, cổ đông sáng lập là những người đứng ra thành lập công ty, việc chuyển nhượng cổ phần của họ cho người khác không phải cổ đông sáng lập có thể dẫn tới những thiệt hại về uy tín của công ty. Tuy nhiên, nhà làm luật cũng không quy định bó chặt việc chuyển nhượng mà cho công ty đó tự quyết định việc cho hay không cho chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong công ty. Điều này giúp vừa đảm bảo tính ổn định, vừa đảm bảo tính tự quyết, quyền tự do cho doanh nghiệp kinh doanh khi mới thành lập.
3. Cổ phần cấm chuyển nhượng
Trường hợp cấm chuyển nhượng cổ phần được quy định đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết theo như đã chỉ ra ở phần đầu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:
“3. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.”
Theo như quy định trên, thì cổ phần ưu đãi biểu quyết được sở hữu bởi hai đối tượng: một là, tổ chức được Chính phủ ủy quyến; hai là, các cổ đông sáng lập trong công ty. Cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cũng trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, cổ đông sở hữu cổ cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ không được chuyển nhượng cổ phần này cho người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 116: “3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.”
Tuy nhiên, sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Do đó, sau thời hạn 03 năm đó, việc chuyển nhượng đối với số cổ phần này của cổ đông sáng lập được chuyển nhượng tự do. Về trình, tự thủ tục cũng tương tự các cổ phần được tự do chuyển nhượng như đã nêu ở phần 1.
Tham khảo thêm:
- Để được Q ( người đàn ông lớn tuổi, nhiều tiền và đã có vợ con) cung phụng tiền bạc cho việc ăn chơi, T( 16 tuổi 3 tháng) rủ M, H, N
- Về vị trí,tính chất, chức năng của chính phủ
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
- Cơ cấu tổ chức Chính phủ
- Quy định về Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
- Chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của Nhà nước Việt Nam hiện nay
- So sánh và đánh giá chế định hợp đồng của Bộ luật Hammurabi và Luật Dân sự La Mã thời kì cộng hòa hậu kì và thời kì quân chủ
- Lí luận về hàng hóa sức lao động của CMác với thị trường sức lao động (thị trường lao động) ở Việt Nam hiện nay
- Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách
- Phân tích nội dung và ý nghĩa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”