Tin nhắn Facebook, Zalo có thể coi là bằng chứng

Tin nhắn Facebook, Zalo có thể coi là bằng chứng để chứng minh không?

Tôi và chồng tôi kết hôn tới nay đã được 17 năm, cuộc sống hôn nhân đang hạnh phúc thì chồng tôi bị thuyên chuyển công tác đi xa, do xa gia đình anh ấy có quen và có quan hệ tình cảm với 1 người phụ nữ khác, người này đã có một đời chồng và một đứa con, cô ta rất hung hăng, khi biết được tài khoản facebook, zalo của tôi thì còn nhắn tin đe dọa và bắt tôi phải ly hôn chồng, ngoài ra còn nhờ nhiều đối tượng vào gây chuyện, trêu ghẹo, tôi muốn tố cáo công an mà dùng chứng cứ là tin nhắn facebook và zalo thì có ổn không luật sư?


Luật sư Tư vấn Luật Hình sự – Gọi 1900.0191

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 24 tháng 04 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề quy định pháp luật về chứng cứ chứng minh

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

3./ Luật sư tư vấn

Khi giải quyết vụ án dân sự hay hình sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay Tòa án dựa trên cơ sở pháp luật và những chứng cứ khác quan để đưa ra quyết định, bản án sao cho đảm bảo sự công bằng và đúng pháp luật. Việc tin nhắn facebook, zalo có được coi là bằng chứng hay không cần dựa quy định pháp luật về chứng cứ chứng minh của trong hoạt động tố tụng.

Trước hết, căn cứ Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo đó, căn cứ theo quy định pháp luật trên, chứng cứ cần đáp ứng các điều kiện: thứ nhất, là những gì có thật mang tính khách quan, không theo ý chí chủ quan của ai, là những gì diễn ra trên thực tế; thứ hai, được thu thập theo trình tự theo pháp luật quy định; thứ ba là có ý nghĩa xác định các tình tiết trong vụ án.

Cũng theo quy định pháp luật, chứng cứ được chứa đựng trong các nguồn chứng cứ, bao gồm:

– Vật chứng;

–  Lời khai, lời trình bày;

– Dữ liệu điện tử;

– Kết luận giám định, định giá tài sản;

– Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

– Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

– Các tài liệu, đồ vật khác.

Theo đó, chứng cứ được chứa đựng trong nhiều hình thức khác nhau không bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản hay bằng hiện vật cụ thể. Các nguồn chứa đựng chứng cứ được công nhận là chứng cứ có giá trị chứng minh khi nó được thu thập theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định và đáp ứng các điều kiện về nội dung nêu trên.

Do đó, tin nhắn Facebook, Zalo có thể được coi là nguồn của chứng cứ khi nó được thu thập một cách hợp pháp, chứa đựng sự thật khách quan có liên quan tới vụ án và được cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết vụ án xem xét, thừa nhận nó có giá trị chứng minh các tình tiết có liên quan. Việc sử dụng nội dung tin nhắn Facebook, Zalo được thu thập bằng phương thức bất hợp pháp, hoặc có dấu hiệu của sự lừa dối làm sai lệch sự thật khách quan sẽ không được công nhận là nguồn của chứng cứ.

Vậy, khi có những đoạn tin nhắn Facebook, Zalo có chứa những nội dung liên quan đến vụ án, người nắm giữ những nội dung này có thể cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để được xem xét công nhận là nguồn chứng cứ chứa đựng chứng cứ có giá trị chứng minh cho vụ án.

Với những tư vấn về câu hỏi Tin nhắn Facebook, Zalo có thể coi là bằng chứng, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191