Giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực khi sử dụng như thế nào?


Văn bản công chứng, chứng thực là gì
Văn bản công chứng, chứng thực là gì

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực

a, Giá trị pháp lý của văn bản CC

Giá trị văn bản công chứng của hai loại hình tổ chức công chứng có giá trị ngang nhau, được quy định tại Điều 6 Luật công chứng: Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.

Giá trị chứng cứ của văn bản công chứng.

Có thể nói, quan điểm cho rằng văn bản công chứng có giá trị chứng cứ là quan điểm mang tính truyền thống, được thể hiện liên tục từ Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước, Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước cho đến Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực cũng như tiếp tục được ghi nhận tại Luật Công chứng năm 2006. Khoản 2, Điều 6, Luật Công chứng năm 2006 quy định “Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh,

trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu“. Nếu tham khảo nội dung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, chúng tôi thấy giá trị chứng cứ của văn bản công chứng được khẳng định tại Khoản 2, Điều 6, Luật Công chứng năm 2006 đã thể hiện một quan điểm phù hợp với quy định về tố tụng dân sự. Như vậy, không chỉ là nguồn chứng cứ thông thường mà lần đầu tiên, pháp luật công chứng cũng như pháp luật tố tụng dân sự cùng thừa nhận tình tiết, sự kiện nêu ra trong văn bản công chứng có một giá trị pháp lý cao hơn hẳn những nguồn chứng cứ khác và ngang bằng với “những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật” (xem Điều 80, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004). Đứng trên phương diện kỹ thuật lập pháp, việc khẳng định tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh đã thể hiện một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật lập pháp của chúng ta. Theo chúng tôi, đây là kết quả tất yếu của một thủ tục chặt chẽ, phức tạp do luật định khi tạo lập và chứng nhận văn bản công chứng, phương tiện ghi nhận ý chí, thỏa thuận của các bên khi tham gia giao kết một hợp đồng, giao dịch cụ thể. Tuy nhiên, giá trị chứng cứ nói chung của văn bản công chứng cũng như những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong văn bản công chứng sẽ không còn nếu như văn bản công chứng bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Theo Khoản

1, Điều 137, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập” và quy định “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…” được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 137, Bộ luật Dân sự năm 2005. Khi bị Tòa án tuyên bố vô hiệu, văn bản công chứng sẽ không có giá trị thực hiện, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên nhưng văn bản đó vẫn có giá trị chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng chính là chứng cứ xác đáng làm căn cứ để khôi phục

lại tình trạng ban đầu giữa các bên giao kết.

Giá trị thi hành của văn bản công chứng.

Khác với tư chứng thư, văn bản công chứng hay còn gọi là công chứng thư được tạo lập theo trình tự do luật định, dưới hình thức bắt buộc lại được chứng nhận bởi cá nhân có thẩm quyền nên giá trị pháp lý của nó cao hơn hẳn. Nếu như các bên tham gia giao kết hợp đồng bị tranh chấp không chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật hay sự thiếu trung thực của công chứng viên khi tạo lập và chứng nhận văn bản công chứng (công chứng thư), không ai có thể bác bỏ được giá trị pháp lý của nó. Khoản 1, Điều 6, Luật Công chứng năm 2006 quy định “Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác“. Tuy không phải là quy định mang tính truyền thống nhưng giá trị thi hành (giá trị thực hiện) của văn bản công chứng cũng đã được nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta ghi nhận. Qua từng thời kỳ, quy định về giá trị thi hành của văn bản công chứng ngày càng được hoàn thiện. Sau khi tham khảo nội dung Khoản 1, Điều 6, Luật Công chứng năm 2006, chúng tôi thấy văn bản công chứng không những chỉ có giá trị thi hành với các bên trực tiếp giao kết hợp đồng, giao dịch mà còn có hiệu lực cả với những bên khác liên quan đến hợp đồng, giao dịch đó. Bằng cách quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với “các bên liên quan“, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đây là cá nhân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính quy định này đảm bảo các cơ quan nhà nước mang tính công quyền thuộc nhiều nhánh quyền lực khác nhau phải tuân thủ, thực thi mọi điều khoản, điều kiện của một hợp đồng, giao dịch đã được công chứng ngay cả khi những hợp đồng, giao dịch này được chứng nhận bởi công chứng viên không phải là viên chức nhà nước, hành nghề trong một văn phòng công chứng. Đặc biệt, lần đầu tiên cách thức đảm bảo giá trị thi hành của văn bản công chứng đã được ghi nhận tại Luật Công chứng năm 2006. Căn cứ vào điều luật nêu trên, chúng ta thấy có hai cách thức được pháp luật quy định để đảm bảo giá trị thi hành của văn bản công chứng. Cách thứ nhất là khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền và cách thứ hai là các bên đương sự trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch có thể tự thỏa thuận cách thức đảm bảo giá trị thi hành của văn bản công chứng. Nếu như cách thức thứ nhất mang tính nguyên tắc thì cách thức thứ hai lại là một quy định hoàn toàn mới, thể hiện quan điểm mềm dẻo trong việc xác định cơ chế đảm bảo giá trị thi hành cho văn bản công chứng. Như vậy, các bên tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch có quyền thỏa thuận trước cách thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp đối với hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Cách thức giải quyết ở đây có thể bao gồm chỉ định sẵn cơ quan, cá nhân đóng vai trò trọng tài đứng ra phân xử, tài sản bảo đảm cũng như giá trị tài sản bảo đảm… Quy định như vậy tạo ra hành lang pháp lý để các bên giảm thiểu thời gian cũng như chi phí dành cho giải quyết tranh chấp, đặc biệt là giảm áp lực công việc lên hệ thống cơ quan Tòa án vốn đang bị quá tải.

b, Giá trị pháp lý của văn bản CT

Theo Điều 3 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ, giá trị pháp lý của bản sao và chứng thực được xác định như sau:

1- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

2- Chữ ký được chứng thực theo quy định của nghị định này có giá trị chứng thực người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

1900.0191