Một số vấn đề chung về khuyến mại và pháp luật về khuyến mại.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KHUYẾN MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN MẠI
1.Khái niệm và đặc trưng của hoạt động khuyến mại:
a.Khái niệm về hoạt động khuyến mại:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.” Có thể nói đây là một hình thức thực hiện xúc tiến thương mại phổ biến nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ. Bằng việc dành cho khách hàng những lợi ích vật chất hoặc tinh thần, thương nhân kích thích nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy người tiêu dùng mua và mua nhiều hơn các hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc phân phối. Ngoài ra, khuyến mại cũng là một hoạt động nhằm mục đích quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
b.Đặc trưng của hoạt động khuyến mại:
Qua quá trình xem xét và phân tích các quy định cụ thể về hoạt động khuyến mại trong Luật Thương mại 2005 và Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (gọi tắt là Nghị định 37) có thể thấy hoạt động khuyến mại nói riêng có những đặc trưng sau:
– Về mặt chủ thể: theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Thương mại 2005 thì: “Thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh; Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó” Như vậy theo quy định của Luật Thương mại thì thương nhân có thể tự mình thực hiện hoạt động khuyến mại hoặc thông qua một thương nhân chuyên kinh doanh dịch vụ khuyến mại trên cơ sở một hợp đồng dịch vụ.
– Về cách thức tiến hành: cách thức tiến hành hoạt động khuyến mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Cần lưu ý rằng đó không chỉ là những lợi ích về mặt vật chất như quà tặng, hàng mẫu dùng thử…mà đó còn có thể là những lợi ích về mặt tinh thần như tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hoá, nghệ thuật, giải trí…Tuỳ thuộc vào mục tiêu của đợt khuyến mại, trạng thái cạnh tranh, phản ứng của đối thủ cạnh tranh trên thương trường, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh phí dành cho khuyến mại mà thương nhân lựa chọn hình thức cho phù hợp.
– Về đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động khuyến mại: đó có thể là khách hàng, hoặc trung gian phân phối VD như các đại lý bán hàng.
– Về mục đích của hoạt động khuyến mại: xúc tiến việc bán hàng và cung ứng dịch vụ. Các hoạt động khuyến mại hướng tới mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng, giới thiệu một sản phẩm mới, kích thích trung gian phân phối chú ý hơn đến hàng hoá của doanh nghiệp, tăng lượng hành mua…từ đó tăng cao thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hàng hoá, dịch vụ.
2.Pháp luật về hoạt động khuyến mại:
a.Nguyên tắc thực hiện hoạt động khuyến mại:
Cũng như các loại hình hoạt động xúc tiến thương mại khác, trong quá trình thực hiện các thương nhân cũng phải tuân theo các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cả thương nhân lẫn người tiêu dùng. Đối với hoạt động khuyến mại, các nguyên tắc này được quy định tương đối rõ ràng trong Điều 4 Nghị định 37 theo đó:
Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
Không được phân biệt đối xử giữa các khách hàng tham gia chương trình khuyến mại trong cùng một chương trình khuyến mại.
Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết rõ ràng, nhanh chóng các khiếu nại liên quan đến chương trình khuyến mại (nếu có).
Thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân nào.
Việc thực hiện khuyến mại không được tạo ra sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người (kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông) để khuyến mại. Riêng điều khoản này đã được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Nghị định số 68/2009/NĐ-CP ngày 6/8/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 7 điều 4 Nghị định 37 như sau: “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc”
b.Các quy định về hình thức khuyến mại:
Theo qui định tại Điều 92 Luật Thương mại 2005 thì các hình thức khuyến mại bao gồm:
– Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
– Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
– Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
– Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
– Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.
Qua quá trình xem xét các quy định về hình thức khuyến mại có thể thấy rằng lợi ích mà khách hàng nhận được thông qua hoạt động khuyến mại là khá đa dạng. Đó có thể là những lợi ích vật chất hay tinh thần. Và tuỳ thuộc mức độ ảnh hưởng của mỗi hình thức khuyến mại đến lợi ích của người tiên dùng và thương nhân mà pháp luật có những quy định riêng biệt về thủ tục thực hiện.
c.Các quy định về hoạt động khuyến mại bị cấm:
Do bản chất của hoạt động khuyến mại là nhằm kích thích nhu cầu mua bán hàng hoá và sử dụng dịch vụ vì thế nếu không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bất lợi cho các thương nhân khác và các khách hàng. Vì vậy để ngăn ngừa các tác động tiêu cực này Luật Thương mại đã quy định một số hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại:
– Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.
– Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.
– Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.
– Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
– Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng.
– Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác.
– Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
– Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
– Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật thương mại.
d.Hạn mức tối đa về giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại:
Như ta đã biết thì khuyến mại là một hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ bằng việc dành cho khách hàng những lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Tuy nhiên cấn lưu ý rằng việc cung cấp những lợi ích dành cho khách hàng này của các thương nhân cũng bị giới hạn nhằm bảo vệ quyền lợi của các thương nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 37 thì hạn mức tối đa về giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định như sau:
– Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức: đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không trả tiền; Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên.
– Tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không trả tiền.
– Giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại là chi phí mà thương nhân thực hiện khuyến mại phải bỏ ra để có được hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm khuyến mại, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hoá hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, chi phí này được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại.
+ Hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, chi phí này được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại.
e.Quyền và nghĩa vụ của thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại:
* Quyền của thương nhân thực hiện khuyến mại: thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại có những quyền lợi sau:
– Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
– Quy định các lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng phù hợp với quy đcủa pháp luật (cụ thể là theo khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại 2005 và Nghị định hướng dẫn )
– Thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình.
– Tổ chức thực hiện các hình thức khuyến mại quy định tại Điều 92 của Luật Thương mại 2005
* Nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mạ:
– Thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện các hình thức khuyến mại.
– Thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng theo quy định tại Điều 97 của Luật Thương mại 2005.
– Thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng.
– Đối với một số hình thức khuyến mại quy định tại khoản 6 Điều 92 của Luật Thương mại 2005, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.
– Tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại nếu thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại.
f.Các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động khuyến mại:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý hoạt động khuyến mại là Sở thương mại nơi tổ chức khuyến mại. Cụ thể là theo quy định tại Nghị định 37 thì:
– Thương nhân thực hiện các hình thức khuyến mại quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định phải gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại. Các hình thức bao gồm: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi; Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác
– Riêng với chương trình khuyến mại bằng hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham gia các chương trình mang tính may rủi phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền sau đây:
+ Sở Thương mại đối với chương trình khuyến mại thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Bộ Thương mại đối với chương trình khuyến mại thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
– Với các chương trình khuyến mại ngoài các hình thức quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 37 đã nêu trên chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại.
II.THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM
Cũng như các hình thức xúc tiến thương mại khác khuyến mại đã mang lại cho thương nhân nhiều cách tiếp cận với thị trường. Tuy nhiên trong thực tế áp dụng pháp luật vào các hoạt động khuyến mại của các thương nhân vẫn còn tồn tại những vấn đề cần xem xét:
Thứ nhất,các quy định của pháp luật thương mại về hai hình thức khuyến mại : đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dung thử không phải trả tiền” và “ tặng quà, cung ứng dịch vụ không thu tiền,không kèm theo việc mua,bán hàng hóa, cung ứng” còn tồn tại nhiều điểm khác nhau. Nếu là “đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền” thì thương nhân không phải chịu bất cứ quy định nào về hạn mức khuyến mại, trong khi đó nếu là “tặng quà, cung ứng dịch vụ không thu tiền, không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ” thì thương nhân phải quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa (“Tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại” khoản 2 Điều 5 Nghị định 37). Chính do sự tương đồng về bản chất, hành vi và các quy định pháp luật không rõ ràng, không xác định rõ các trường hợp được áp dụng, nên trong quá trình thực hiện các thương nhân thực hiện khuyến mại thường có xu hướng chuyển từ quà tặng sang hàng mẫu nhằm tránh các quy định về hạn mức tối đa.
Thứ hai, về quy định xử lý giải thưởng tồn đọng. Theo khoản 4 điều 96 Luật thương mại 2005 thì thương nhân khuyến mại theo hình thức “ bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi” phải có nghĩa vụ “sung công” 50% giá trị giải thương vào ngân sách nhà nước nếu không có người trúng thưởng. Quy định này không đảm bảo quyền lợi của các thương nhân bởi số lượng hàng hoá thương nhân dùng khuyến mại cũng tương ứng với lượng hàng hoá cần tiêu thụ. Khi thực hiện hoạt đồng khuyến mại cũng đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng của họ không được như mong muốn vậy mà còn phải mất một khoản đóng cho ngân sách nhà nước thì điều này là không thực tế. Hơn thế việc hàng hoá khuyến mại là hiện vật cũng gây khó khăn trong việc nộp vào ngân sách nhà nước khi việc định giá các sản phẩm đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi đưa ra quy định này các nhà làm luật muốn hạn chế tình trạng khuyến mại gian dối, thiếu trung thực của thương nhân về cơ cấu, số lượng và sự phân phối giải thưởng. Tuy nhiên cần hiểu rằng không phải thương nhân nào khi thực hiện hoạt động khuyến mại cũng có hành vi gian lận lừa dối, hơn nữa trong hình thức khuyến mại này việc có còn tồn đọng giải thưởng hay không còn phụ thuộc vào việc có khách hàng trúng thưởng hay không. Vì vậy việc hạn chế tình trạng gian lận của thương nhân theo phương thức này là không thật sự phù hợp.
Thứ ba, về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, LTM 2005 và Nghị định số 37/2006/NĐ – CP đã quy định về hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại; về hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại; quyền và nghĩa vụ pháp lý của thương nhân thực hiện khuyến mại; các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại; về nguyên tắc thực hiện khuyến mại. Tuy nhiên, những quy định này chưa thực sự đầy đủ để đảm bảo lợi ích của khách hàng. Trong thực tế, khách hàng luôn là người phải chịu thiệt thòi do những hành vi gian lận trong khuyến mại hoặc do các sai sót kỹ thuật trong in ấn tem, phiếu, vật phẩm có chứa đựng thông tin về lợi ích vật chất mà khách hàng được hưởng trong đợt khuyến mại.
Ví dụ: Một khách hàng của công ty sữa Hanoimilk đã mua sản phẩm sữa IZZI trong đợt khuyến mại từ 15-04 đến 15-08-2005 với một thẻ cào có thông tin trúng thưởng 30.000.000 đồng (sau khi cào phần nhũ bạc). Khi liên hệ với Công ty để nhận giải thưởng, khách hàng nhận được trả lời: “phiếu cào đó không hợp lệ “. Sau khi sự việc xảy ra, Công ty TNHH Sáng tạo (đơn vị thực hiện in ấn toàn bộ thẻ cào của đợt khuyến mại theo hợp đồng đã ký với Hanoimilk) đã thừa nhận lỗi sai sót kĩ thuật. Nhưng lợi ích mà khách hàng nhận được chỉ là lời xin lỗi của Hanoimilk, bởi vì không tìm thấy quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành làm cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của họ trong trường hợp này. Hay trong các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, thì việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là việc rất khó bởi lẽ: LTM 2005 chỉ quy định thương nhân có nghĩa vụ “thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng” (Đ6.3 LTM). Chỉ với quy định này thì việc kiểm soát tính trung thực của thương nhân khi thực hiện khuyến mại bằng hình thức này là vô cùng khó khăn. Ví dụ như trong chương trình khuyến mại “bật nắp chai trúng thưởng” với cơ cấu 200.000 giải thưởng trong đó có 06 xe ô tô BMW của một công ty bia, không ai có thể chắc chắn rằng có đủ 200.000 giải thưởng với 06 nắp chai in hình xe BMW trong số sản phẩm được bán trong đợt khuyến mại?. Như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng là không thể đảm bảo trong khi hàng hoá vẫn được tiêu thụ trong thời gian khuyến mại.
Thứ tư,về trình tự, thủ tục thực hiện khuyến mại, LTM 2005 và Nghị định số 37/2006/NĐ – CP đã có những quy định hợp lý. Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 16 và khoản 3 điều 17 của Nghị định số 37/2006/NĐ – CP thì cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền khi nhận hồ sơ đăng kí thực hiện chương trình khuyến mại phải xem xét, xác nhận bằng văn bản về việc đăng kí thực hiện chương trình khuyến mại, trường hợp không xác nhận phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lí do. Nhưng luật lại không quy định các điều kiện để thương nhân có được sự xác nhận của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền và trong trường hợp bị từ chối xác nhận thì luật cũng không quy định những quyền của thương nhân trong trường hợp này. Quy định như trên đã biến thủ tục “đăng kí” thành thủ tục “xin phép”. Như vậy sẽ hạn chế quyền tự do hoạt động khuyến mại của thương nhân, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
Theo Điều 17 Nghị định 175/2004/NĐ – CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về khuyến mại là 70.000.000 VNĐ. Mức phạt như vậy dường như còn thấp nên sẽ không đủ sức răn đe. Do đó, mà tình trạng vi phạm quy định về khuyến mại còn rất phổ biến.
Ví dụ: Bà Lê Thị Ngọc, ngụ ở Q.8 mua một chiếc chảo không dính ở một siêu thị điện máy tại quận 1 với mức giảm giá 20%. Sau đó, so sánh với giá không giảm tại siêu thị Co-opmart, bà nhận ra mức giá ban đầu của siêu thị điện máy cao hơn khỏang gần 10%. Như vậy xét về tổng giá trị, bà đã mua được hàng rẻ hơn siêu thị, nhưng không đúng với cam kết “giảm giá 20%”, bởi lẽ cơ sở của việc giảm giá – tức giá thị trường, đã bị nâng lên cao hơn rất nhiều. Hay như trong cuốn cẩm nang mua sắm phát hành trong tháng khuyến mãi tại TP.HCM năm 2007 này, rất nhiều đơn vị chỉ nêu chung chung: giảm giá 20 – 50% “một số mặt hàng”, hoặc hàng bán giá đặc biệt giảm từ 50% trở lên với “số lượng có hạn”… Tình trạng khách đến, nơi bán trả lời “hết hàng” vẫn tiếp tục xảy ra. Với hình thức đăng ký khuyến mãi suốt tháng 9.2007, mà không đủ hàng bán cho khách,là nhà kinh doanh đã thông tin sai sự thật.
III.KIẾN NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM
Qua quá trình phân tích việc thực hiện các quy định của pháp luật thương mại về hoạt động khuyến mại và xem xét các vấn đề còn tồn tại như: việc hiểu và vận dụng các hình thức khuyến mại theo quy định của pháp luật, các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng khuyến mại….sau đây em xin đưa ra một số kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại:
Một là, cần xem xét huỷ bỏ quy định nghĩa vụ nộp 50% trị giá giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước theo khoản 4 Điều 96 Luật Thương mại 2005. Quy định này không đảm bảo quyền lợi của các thương nhân bởi lẽ như đã phân tích ở trên không phải thương nhân nào khi thực hiện hoạt động khuyến mại cũng có hành vi gian lận lừa dối, hơn nữa trong hình thức khuyến mại này việc có còn tồn đọng giải thưởng hay không còn phụ thuộc vào việc có khách hàng trúng thưởng hay không. Vì vậy việc hạn chế tình trạng gian lận của thương nhân theo phương thức này là không thật sự phù hợp.
Hai là, việc thực hiện các quy định về hình thức khuyến mại còn gặp nhiều sự nhầm lẫn giữa các thương nhân. Đặc biệt là hình thức “hàng mẫu”, “tặng quà”. Vì vậy trong quá trình xây dựng pháp luật chúng ta cần đưa ra những quy định hoặc văn nbản hướng dẫn cụ thể hơn giúp thương nhân phân biệt dễ dàng hai hình thức này.
Ba là, cần quy định rõ ràng, cụ thể về các hình thức khuyến mại, các dấu hiệu, các qui định pháp luật cho từng loại, giúp cho các thương nhân và các cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng nhận diện.
Bốn là, các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại cần có sự quy định rõ ràng, hợp lý. Theo quy định của Luật thương mại 2005 và nghị định hướng dẫn thì hạn mức tối đa giá trị hàng hoà, dịch vụ đối với hình thức khuyến mại giảm giá là 50% và hạn mức về tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại cũng không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ trước khuyến mại. Tuy nhiên theo quy định tại điều 14 Luật cạnh tranh thì việc giảm giá của thương nhân trong thời gian khuyến mại cũng có thể là “bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”. Như vậy nếu một doanh nghiệp vừa có vị trí thống lĩnh thị trường, vừa thực hiện hoạt động khuyến mại giảm giá với mức 50% và dưới toàn bộ so với các doanh nghiệp khác sẽ phải chịu sự điều chỉnh của cả hai bộ luật. Như vậy việc đưa ra hạn mức tối đa đã phần nào làm phức tạp, chồng chéo giữa các ngành luật khác nhau gây nên sự khó khăn cho các cơ quan quản lý khi xử lý vi phạm.
Một vấn đề khó khăn nữa cũng đang tồn tại đó là thương nhân muốn tuân thủ các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hoá, dịch vụ tuy nhiên pháp luật lại không quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí xác định hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại, đặc biệt là đối với chương trình khuyến mại của thương nhân kinh doanh dịch vụ và các chương trình khuyến mại có kết hợp nhiều hình thức khuyến mại.
Năm là, cần bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật như: bổ sung các quy định về trách nhiệm của cá nhân thương nhân hoặc người đại diện khi thực hiện các chương trình khuyến mại mang tính may rủi để đảm bảo tính trung thực về giải thưởng và chọn người trúng thưởng.
Một vấn đề nữa đang diễn ra hiện nay là việc thiếu kiểm soát chất lượng của hàng hoá dùng cho khuyến mại. Trong các văn bản quy đinh chi tiết về hoạt động khuyến mại thường chỉ tập trung vào giá và số lượng của hàng hoá các thương nhân dùng cho hoạt động khuyến mại. Trong khi đó chất lượng hàng hoá khuyến mại lại bị thả nổi mà trong nhiều trường hợp đây là các sản phẩm tồn kho lâu ngày, chất lượng đã suy giảm…Vì vậy pháp luật cần bổ sung các quy định về chất lượng, chủng loại của hàng hoá được sử dụng cho khuyến mại nhằm tránh tình trạng khách hàng bị lừa đang diễn ra ở nhiều nơi.
KẾT LUẬN
Qua những vừa làm rõ trên có thể thấy còn tồn tại vô vàn những vấn đề xung quanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và khuyến mại nói riêng. Đặc biệt là thực trạng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hành vi gian lận, lừa dối khách hàng mà các doanh nghiệp đã sử dụng kiếm lời núp dưới danh nghĩa khuyến mại. Nguyên nhân của sự tồn tại những hành vi gian lận này là do những kẽ hở còn tồn tại trong pháp luật hiện hành và sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng. Việc pháp luật còn thiếu những chế tài xử phạt nghiêm khắc đã làm giảm đi tinh răn đe của pháp luật……Mức xử phạt cao nhất với hành vi vi phạm các quy định về khuyến mãi chỉ tử 25 triệu đến 30 triệu, đây là mức phạt quá thấp so với số lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau mỗi chương trình khuyến mại vi phạm. Về phía người tiêu dùng hiện nay do không nắm được hết các thông tin từ nhà sản xuất và do không hiểu rõ các quy định của pháp luật nên khi tham gia mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ trên thị trường dễ bị các nhà sản xuất lợi dụng. Bên cạnh thực trạng này vẫn còn nhiều vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem xét, khắc phục. Chỉ có như vậy thì quyền lợi của người tiêu dùng, thương nhân và cả Nhà nước mới có thể được đảm bảo.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo trình Luật thương mại, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2008
2.Luật thương mại 2005, Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, Nghị định số 68/2009/NĐ-CP ngày 6/8/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 7 điều 4 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại…
3.Pháp luật về khuyến mại – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Thị Thu Hồng; Người hướng dẫn: TS Nguyễn Thị Dung, năm 2007 .
4.Pháp luật về khuyến mại – Một số vướng mắc về lý luận và thực tiễn, TS. Nguyễn Thị Dung, Tạp chí Luật Học, Trường đại học luật Hà Nội, Số 7, năm 2007.
5.Tìm hiểu pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, Bùi Thanh Tú, Người hướng dẫn: ThS. Đoàn Trung Kiên, năm 2009.