Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước

Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước

MỞ ĐẦU

Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc được nhà nước xã hội chủ nghĩa ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân lao động trong quản lí hành chính nhà nước, nó cũng xác định những nhiệm vụ mà Nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước.

NỘI DUNG TÌM HIỂU

Trong quản lí hành chính nhà nước, nguyên tắc trên thể hiện ở những hình thức tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Các hình thức này bao gồm:

  • Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lí hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, người lao động có thể tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này, hay nói cách khác chính là những đại biểu được lựa chọn thông qua con đường bầu cử (đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân…) hoặc với tư cách là những cán bộ, công chức (của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử, cơ quan điều tra…); từ đó trực tiếp xem xét, sử dụng quyền lực nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, trong đó có các vấn đề về quản lí hành chính nhà nước.

Ngoài ra, những người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền bầu cử để lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương hoặc bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Đây là cách thức rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lí các công việc của Nhà nước.

  • Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đồng thời hỗ trợ nhân dân lao động có thể dễ dàng tham gia một cách tích cực vào các tổ chức xã hội. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có các tổ chức xã hội khác như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh, Hội nông dân việt Nam,… Đây là một hình thức hoạt động đã và đang được quần chúng nhân dân hưởng ứng, đạt được nhiều thành công nhất định trên thực tế, góp phần thúc đẩy mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

  • Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, nhà nước đã tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhân dân lao động phát huy được vai trò chủ động, tích cực, thường xuyên thực hiện các hoạt động mang tính chất tự quản như bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng, tổ hoà giải… Đây là những hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các công việc khác nhau của quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của người dân thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện.

  • Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lí hành chính nhà nước

Điều 53 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã quy định công dân có quyền “tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lí hành chính nhà nước. Những quyền, nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc cũng có thể được chính người dân trực tiếp thực hiện. Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ này cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lí hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy, đây cũng là một hình thức để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

KẾT LUẬN

Nhà nước xã hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình, nên tất yếu quyền được tham gia vào quản lí các công việc của Nhà nước và xã hội đã trở thành quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp nước ta ghi nhận, và trên thực tế nó đã được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt những hoạt động cụ thể.

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam
  • Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)

Bài luận liên quan:

1900.0191