Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên

Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên.

Con người sống là con người hoạt động không có hoạt động thì con người không thể tồn tại. Trong quá trình hoạt động, con người tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần để thỏa mãn nhu cầu của bản thân và của xã hội. Do vậy hoạt động chính là phương thức tồn tại của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội.

Nước ta đang trong thời kì hội nhập, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và chú trọng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các trường đại học. Mỗi sinh viên có rất nhiều hoạt động để trao dồi khả năng, năng lực, nâng cao tri thức, hiểu biết của mình, trong đó hoạt động học tập của sinh viên được coi là hoạt động quan trọng nhất. Hoạt động học tập của sinh viên cũng bao gồm các đặc điểm cấu trúc tâm lí của hoạt động nói chung.

Vậy, cấu trúc tâm lí của hoạt động học tập của sinh viên như thế nào?. Nhận thức được vai trò của hoạt động học tập của sinh viên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế và để tìm hiểu về cấu trúc của hoạt động học tập của sinh viên, nhóm 02 chúng em chọn đề tài “Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động. Ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên”.

Hoạt động học tập tại trường-Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học tập tại trường
Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên

I.Cơ sở lý thuyết

1.Các khái niệm

1.1.Khái niệm hoạt động

     Hoạt động là một khái niệm trung tâm của tâm lý học. Nó được các nhà tâm lý học đặc biệt quan tâm nghiên cứu từ nửa sau của thế kỉ XIX. Có nhiều quan điểm khác nhau về hoạt động như: khi muốn nhấn mạnh về sinh lý, mặt thể lực của hoạt động, người ta định nghĩa hoạt động chính là sự tiêu hao năng lực thần kinh và sức bắp thịt nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của cá nhân hoặc của xã hội; hay khi muốn nhấn mạnh mặt cấu trúc của hoạt động, người ta lại định nghĩa hoạt động là toàn bộ những hành động được thống nhất lại theo một mục đích chung nhằm thực hiện một chức năng nào đó; đặc biệt một định nghĩa về hoạt động được sử dụng rất nhiều trong tâm lí học do nhà tâm lí học ngưởi Nga A.N. Leonchiev  đưa ra , theo đó hoạt động được coi là mối quan hệ chủ thể khách thể, là phương thức tồn tại của con người trong thế giới khách quan…

Có thể thấy, mặc dù có nhều cách định nghĩa về hoạt động khác nhau, nhưng có thể đưa ra một định nghĩa chung nhất về hoạt động như sau:

 Hoạt động là sự tác động qua lại có định hướng giữa con người với thế giới xung quanh, hướng tới biến đổi nó nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.

1.2.Khái niệm hành động

 Hành động là một bộ phận cấu thành hoàn chỉnh của hoạt động, hướng tới đạt được mục đích cụ thể.

1.3.Các khái niệm khác

       Động cơ là cái thúc đẩy hành động, gắn liền với việc thỏa mãn những nhu cầu của chủ thể, là toàn bộ những điều kiện bên trong và bên ngoài có khả năng khơi dậy tính tích cực của chủ thể và xác định xu hướng hành động.

       Mục đích là sự hình dung của cá nhân về kết quả sẽ đạt được khi thực hiện hành động.

       Thao tác là những cử động của cơ thể diễn ra theo một hệ thống, trật tự nhất định, phù hợp với những điều kiện cụ thể để thực hiện mục đích đã đề ra trong một thời gian nhất định.

2.Cấu trúc của hoạt động

Hoạt động
Động cơ

    Theo quan điểm duy vật, con người, thực hiện sự tác động qua lại với môi trường xung quanh bằng nhiều hoạt động, trong đó bao gồm quá trình sáng tạo ra thế giới đối tượng và quá trình lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử – xã hội. Như vậy, hoạt động là đơn vị của cuộc sống. Từng hoạt động riêng là tổ hợp phức tạp của các quá trình có chung một xu hướng nhằm đạt một kết quả nhất định.

Có thể thấy hoạt động rất đa dạng, song chúng lại có thành phần cấu trúc giống nhau. Qua nhiều năm nghiên cứu, nhà tâm lí học người Nga A.N. Leonchiev đã đưa ra được cấu trúc vĩ mô của hoạt động, bao gồm sáu thành tố và được mô tả, biểu diễn theo sơ đồ sau:

Hành động
Thao tác
Mục đích
Điều kiện

Sơ đồ cấu trúc tâm lí của hoạt động

        + Trước hết, để tham gia vào hoạt động, con người luôn luôn phải có động cơ thúc đẩy – đó chính là cái đích cuối cùng mà con người muốn vươn tới. Nói đến động cơ chính là nói đến những nhu cầu (hoặc hứng thú) của con người và chính những nhu cầu này sẽ là động cơ để thúc đẩy cá nhân tham gia hoạt động. Ở đây, ta có một bên là hoạt động, một bên là động cơ.

        + Hoạt động được hợp bởi các hành động – bộ phận cấu tạo nên hoạt động. Cái mà hành động nhằm đạt tới chính là mục đích  và ứng với mỗi hành động cụ thể là một mục đích cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, tất cả là đều nhằm thỏa mãn động cơ của họat động. Nếu coi động cơ  là mục đích cuối cùng ( mục đích chung ) thì mục đích mà hành động đạt tới chính là mục đích bộ phận. Ở đây, ta có một bên là hành động, một bên là mục đích.

Hoạt động trao đổi tương tác trong học tập-Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động trao đổi tương tác trong học tập
Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên

        + Hành động thì bao giờ cũng phải giải quyết một nhiệm vụ nhất định. Nhiệm vụ này được hiểu là mục đích đề ra trong những điều kiện cụ thể nhất định, tức là mục đích bộ phận phải được cụ thể hóa thêm một bước nữa. Sự cụ thể hóa này được  quy định bởi các phương tiện, điều kiện cụ thể nơi diễn ra hành động. Từ đây cũng xác định được phương thức để giải quyết nhiệm vụ.Các phương thức này gọi là thao tác. Ở đây, ta lại có một bên là thao tác và một bên sẽ là các phương tiện, điều kiện khách quan cụ thể.

    Tóm lại, cuộc sống của con người là một dòng các hoạt động. Dòng hoạt động này phân tích ra thành các hoạt động riêng rẽ theo các động cơ của hoạt động. Hoạt động lại được cấu tạo bởi các hành động là quá trình tuân theo mục đích. Và cuối cùng, hành động do các thao tác hợp thành, các thao tác sẽ phụ thuộc vào các phương tiện, điều kiện cụ thể để đạt được những mục đích  nhất định đã đề ra.

Từ những phận tích ở trên cho ta thấy, trong cấu trúc của hoạt động có sáu thành tố và được chia thành hai phần:

– Phần thứ nhất là động cơ – mục đích – điều kiện, thể hiện nội dung, tính chất của hoạt động. Giữa các yếu tố trên có mối quan hệ với nhau.Động cơ được cụ thể hóa thành mục đích. Mục đích lại quy định việc lựa chọn đối tượng tác động mà từ đó ảnh hưởng đến việc xác định điều kiện của hoạt động

  – Phần thứ hai là hoạt động –hành động – thao tác, thể hiện phương thức và các đơn vị thực hiện hoạt động. Một hoạt động được thực hiện bởi nhiều hành động. Một hành động lại được tiến hành bởi nhiều thao tác.

    Hai phần này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó chính là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung là hình thức. Trong đó, nội dung (phần thứ nhất) quyết định hình thức ( phần thứ hai). Hay nói cách khác, động cơ và mục đích sẽ chi phối việc lựa chọn phương thức tiến hành hoạt động; ngược lại, trong quá trình tiến hành hoạt động sẽ là hình thành những động cơ và mục đích mới. Từ đó mà nhà tâm lí học A.N. Leonchiev đã khái quát mối liên hệ này bằng sơ đồ rút gọn hơn là : HĐ – NC – HĐ ( hoạt động – nhu cầu – hoạt động ).

II.Ứng dụng cấu trúc tâm lí của hoạt động vào hoạt động học tập của sinh viên.

1.Khái niệm hoạt động học tập của sinh viên dưới góc độ tâm lí.

    Khi nói đến hoạt động học tập, cần làm rõ khái niệm học với khái niệm hoạt động học tập.Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn luôn có quá trình tiếp thu, tích lũy những kinh nghiệm sống, những tri thức nhân loại. Đó chính là việc học, là cách học theo phương pháp cuộc sống thường ngày, giống như khi con người từ khi sinh ra đến khi chết đi học ăn, học nói, học gói, học mở, đi một ngày đàng, học một sàng khôn…

Trên thực tế chỉ có phương thức đặc thù – phương thức học tập ở nhà trường mới có khả năng tổ chức để cá nhân tiến hành hoạt động đặc biệt, đó là hoạt động học tập. Dưới góc nhìn của tâm lí học, hoạt động học chỉ những hoạt động nhằm mục đích chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, hình thành ở cá nhân kiến thức khoa học, năng lực cá nhân phù hợp với thực tiễn.

2.Ứng dụng cấu trúc tâm lí vào hoạt động học tập của sinh viên

2.1.Nội dung, tính chất của hoạt động học tập của sinh viên

a,Động cơ học tập:

       Để tham gia vào một hoạt động, mỗi cá nhân cần phải có động cơ thúc đẩy. A.N.Leonchiev đã viết: “Không thể có loại hoạt động không có động cơ”. Các yếu tố của hoạt động được hình thành trong chính quá trình hoạt động học. Nói đến hình thành hoạt động học, trước đến phải nói đến sự hình thành trong động cơ học tập.

        Hoạt động học với chủ thể là sinh viên, còn đối tượng của nó là những tri thức khoa học, với mục tiêu cuối cùng là hình thành nhân cách cho người học phù hợp với công việc sau này. Hoạt động học tập của sinh viên không giống học sinh trung học, bởi sinh viên đại học cần tiếp thu nhiều hơn kiến thức thực tế chuyên môn phục vụ đời sống, đồng thời hoạt động học tập ở sinh viên đòi hỏi hình thành các năng lực cá nhân nhất định. Sinh viên khi tiến hành hoạt động học, chiếm lĩnh tri thức thì tri thức dần dần thúc đẩy tiếp tục quá trình học tập. Động cơ ở hoạt động học tập ở sinh viên được hiện thân ở những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mà giáo dục ở nhà trường mang lại.

Hoạt động học tập tại thư viện-Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học tập tại thư viện
Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên

Đặc biệt, đối với sinh viên, động cơ học tập được chia thành 2 loại: động cơ hoàn thiện tri thức và động cơ quan hệ xã hội. Thuộc về loại động cơ hoàn thiện tri thức ở đây là lòng ham mê, khát khao hoàn thiện tri thức, say mê với những môn học,…Hoạt động học tập được thúc đẩy bởi những động cơ này, không chứa những mâu thuẫn bên trong và nó đòi hỏi phải có những nỗ lực ý chí để đạt được nguyện vọng chứ không phải hướng vào đấu tranh với chính bản thân mình. Động cơ quan hệ xã hội đó là sự thưởng phạt hoặc đe dọa, những áp lực gia đình, nhà trường, công việc,…Ở mức độ nào đó đối với sinh viên, động cơ này mang tính cưỡng bách, và có lúc xuất hiện như một vật cản khắc phục để vượt qua đạt được mục đích của mình.

Xét về mặt lí luận, mỗi hoạt động được thúc đẩy bởi một động cơ nhất định. Hoạt động học hướng đến là những tri thức khoa học, thì chính nó( tức là đối tượng của hoạt động học) trở thành động cơ của hoạt động ấy. Động cơ hoàn thiện tri thức là động cơ chính của hoạt động học tập. Khi động cơ hoàn thiện tri thức được đáp ứng thì đồng nghĩa với nó là động cơ quan hệ xã hội được thỏa mãn. Cả hai loại động cơ này đều hoàn thiện trong quá trình học tập và từng hoàn cảnh cụ thể, tùy điều kiện của sinh viên mà động cơ này hay động cơ kia trở nên chiếm ưu thế.

Động cơ học tập định hướng, quy định sự lựa chọn, thúc đẩy và duy trì tính tích cực trong học tập nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của sinh viên và phát triển nhân cách.

 b,Mục đích học tập:

        Hoạt động cấu thành bởi các hành động, ví dụ để thực hiện được hoạt động học tập, sinh viên cần phải có các hành động khác nhau như: lên lớp nghe giảng, đi thư viện, học ôn bài, làm bài tập ở nhà,…Như vậy, hoạt động đã được cụ thể hóa thành những hành động. Và cái mà hành động hướng tới thực hiện gọi là mục đích. Hành động lên lớp nghe giảng nhằm mục đích tiếp thu kiến thức, hành động đi thư viện nhằm mục đích mở rộng thêm kiến thức, hành động ôn bài nhằm mục đích củng cố kiến thức đã học,…

Tuy mỗi hành động đều hướng tới thực hiện một mục đích cụ thể, nhưng tất cả đều nhằm thỏa mãn động cơ của hoạt động, đó là nhu cầu học tập. Như vậy, có thể coi động cơ là mục đích chung, khái quát, còn mục đích mà hành động đạt tới là mục đích cụ thể, mục đích bộ phận.

        Hành động bao giờ cũng nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể nhất định, nhiệm vụ này chính là mục đích của hành động được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện, hoàn cảnh mà cá nhân đang tồn tại. Nghĩa là, mục đích bộ phận được cụ thể hóa thêm một bước nữa. Khi tham gia vào hoạt động nhất định, cá nhân gặp nhiều điều kiện và tình huống khác nhau. Dưới tác động của từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nơi diễn ra hành động, ở cá nhân sẽ xuất hiện những nhiệm vụ, hình thành những mục đích cụ thể cho hành động. Từ đây, cũng xác định phương thức để giải quyết nhiệm vụ.

c,Điều kiện học tập:

    Có thể thấy điều kiện là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên cấu trúc tâm lí của hoạt động. Cùng với động cơ, mục đích, điều kiện thể hiện nội dung, tính chất của hoạt động và có mối liên hệ chặt chẽ với 2 yếu tố trên. Mục đích có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định điều kiện của  hoạt động học tập.

Trong hoạt động học tập của sinh viên cũng vậy, hoạt động học tập muốn diễn ra tốt không chỉ cần đến mục đích mà phải có điều kiện tác động nhất định. Điều kiện có thể xem là yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Trước hết, muốn học tốt phải có sự tham gia của các yếu tố bên ngoài ( ngoại lực ) như : sự hướng dẫn của thầy cô, phải có sách vở và dụng cụ học tập đầy đủ như : giáo trình, bút, thước máy tính…. với sinh viên luật thì cần thêm bộ luật, các sánh tham khảo khác cần thiết. Đó là những trang bị đầu tiên, cần thiết có thể hỗ trợ tốt nhất cho chúng ta trong việc học tập. Hơn nữa, với sinh viên nói chung và sinh viên Luật nói riêng, cần có sự chủ động trong hoạt động học tập. Đây cũng là điều kiện thứ hai, tức điều kiện bên trong thúc đẩy mục đích của học tập. Chủ động đó là sự vẫn động của chính bản thân người học, hay còn gọi là sự vận động của chính bản thân người học hay còn gọi là yếu tố nội lực – yếu tố quyết định kiến thức, tri thức mà con người có khả năng tiếp thu được, trình độ, trí tuệ của người học, khả năng tiếp thu bài, học hỏi những cái hay, cái lạ mà thầy cô truyền đạt,… luôn khám phá đi sâu vào tìm hiểu thực tế trang bị cho mình những hình ảnh, kinh nghiệm, kỹ năng.

Có đầy đủ những điều kiện đó thì hoạt động học tập của chúng ta sẽ diễn ra mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là cả lúc không có sự theo sát của thầy cô. Và kể cả khi ra trường, mỗi sinh viên cũng đã rèn luyện cho mình những thái độ tích cực như tự học, tự sáng tạo và đó sẽ là nền tảng cho sự nghiệp. Từ đây, ta có thể hiểu , học tập là quá trình tương tác các yếu tố ngoại lực với các yếu tố nội lực thông qua hoạt động dạy và học. Một lần nữa khẳng định yếu tố nội lực đóng vai trò đặc biệt, quyết định trong hoạt động học tập.

2.2.Phương thức, đơn vị thực hiện hoạt động học tập của sinh viên

    Học tập là một quá trình do đó khi nói đến hoạt động học tập phải nói đến sự hình thành các hành động học tập. Hành động học ở đây được hiểu là hành động trí óc, nhằm chiếm lĩnh tri thức. Hành động học có rất nhiều các hành động khác nhau, và bản chất nhất, cơ bản nhất có các hành động chính sau:hành động phân tích ( tìm ra nguồn gốc nội tại, cấu trúc lôgíc của đối tượng), hành động mô hình hoá ( giúp con người diễn đạt các khái niệm một cách trực quan, nó bao gồm mô hình gần giống với vật thật, mô hình tượng trưng, mô hình mã hoá, nó được dùng nhiều trong sinh học…), hành động cụ thể hoá (nhằm vận dụng giúp người học hiểu được rõ nhất bản chất của vấn đề, giải quyết những vấn đề trong mối liên hệ cụ thể từng lĩnh vực.

Hoạt động học nhóm-Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học nhóm
Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên

    Như chúng ta đã biết, để thực hiện hành động thì phải có những thao tác nhất định. Đó là những cử động của cơ thể diễn ra theo một trật tự nhất định, phù hợp với những điều kiện cụ thể để thực hiện mục đích đã đề ra trong một thời gian nhất định. Để thực hiện hoạt động học tập thì cần phải thực hiện các hành động như là lên lớp nghe giảng, lên thư viện đọc sách, làm bài tập ở nhà, ôn bài chuẩn bị cho kì thi… Như vậy, muốn tiến hành các hành động trên thì cần phải có các thao tác được tiến hành theo trình tự. Cụ thể:

Với hành động lên lớp nghe giảng ta cần tiến hành các thao tác như sau: tới lớp, nghe giảng, ghi chép bài, phát biểu ý kiến, ..

Với hành động lên thư viện ta cần tiến hành các thao tác như sau: tới thư viện, xuất trình thẻ, gửi đồ, chọn vị trí ngồi, chọn sách, đọc sách và ghi chép những gì cần thiết.

Tương tự như vậy, với các hành động làm bài tập ở nhà hay là ôn bài…cũng phải thực hiện các thao tác cụ thể tùy theo từng loại hành động.

Từ  những phân tích trên đây về hoạt động học tập của sinh viên ta thấy đó là một quá trình tâm lí phức tạp đòi hỏi mỗi sinh viên cần có sự kiên trì, có ý chí để vượt qua khó khăn trong hoạt động học tập để đạt được mục đích nhằm phục vụ cho động cơ đặt ra. Xã hội ngày càng tiến bộ không ngừng và biến động mạnh mẽ. Để tiến kịp với xu thế ấy không có con đường nào khác ngoài con đường học tập.

Mỗi sinh viên cần xác định rõ động cơ và mục đích tốt đẹp của việc học đó là học để làm người, học để phục vụ tổ quốc, xã hội quan trọng hơn là học để làm chủ, chiếm lĩnh tri thức biến tri thức ấy trở thành của mình để phục vụ cho chính mình và phục vụ cho cộng đồng xã hội. Chính bởi hoạt động học tập là một quá trình lâu dài, khó khăn nên đòi hỏi con người nói chung và sinh viên nói riêng phải thực hiên hoạt động học tập với thái độ tích cực. Phải xuất phát từ động cơ trong sáng qua những hành động chăm chỉ, siêng năng rèn luyện nhằm hướng tới mục đích tốt đẹp là xây dựng đất nước. Bởi sinh viên là điều kiện quan trọng, là thế hệ tương lai của đất nước trong sự nghiệp phát triển đi lên hay đi xuống của một quốc gia.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội,2013.
  2. Nguyễn Quang Uẩn, Giáo trình tâm lí đại cương, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005.
  3. Nguyến Ngọc Bích, Tâm lý học nhân cách – một số vấn đề lý luận, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 1998.
  4. Trần Trọng Thủy, Bài tập thực hành Tâm lý học, Nxb.Đại học Quốc Gia, Hà Nội, 2002.
  5. A.N.Leonchev, Hoạt động – ý thức – nhân cách, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.

Tham khảo thêm:

1900.0191