Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt và đề ra các ý kiến pháp lý nhằm thực thi tốt pháp luật thuế này.
MỞ ĐẦU
Thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia, đối với đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Thuế là công cụ kinh tế hỗ trợ đảm bảo cho sự tồn tại của nhà nước và bộ máy nhà nước, mặt khác thuế cũng là công cụ hiệu quả để Nhà nước điều tiết nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội của đất nước; điều tiết một phần tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân vào ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu chi tiêu chung của nhà nước và xã hội.
Qua quá trình học tập và nghiên cứu môn Luật Tài Chính Việt Nam, trong nội dung bài này em xin được đi sâu tìm hiểu về vấn đề phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt và đề ra các ý kiến pháp lý nhằm thực thi tốt pháp luật thuế này.
NỘI DUNG
I.Khái niệm về Thuế tiêu thụ đặc biệt và vài nét về quá trình phát triển của loại thuế này
1) Khái niệm Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu đánh vào hoạt động tiêu dùng của xã hội hay một số loại hàng hoá dịch vụ đặc biệt, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Mục tiêu của loại thuế này là nhằm điều tiết mạnh vào các loại hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm tiêu dùng cao cấp góp phần hướng dẫn phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng xã hội theo định hướng của Nhà nước, qua đó góp phần đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Thuế gián thu là loại thuế mà người có nghĩa vụ nộp thuế không phải là người gánh chịu thuế. Nói cách khác, đã có sự chuyển nghĩa vụ thuế từ người này sang người khác. Ví dụ như đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, người nộp thuế là cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nhưng người phải gánh chịu thuế lại là những người mua hay sử dụng các loại hàng hoà, dịch vụ này.
Những hàng hoá, dịch vụ đặc biệt là đối tương chịu thuế của Thuế tiêu thụ đặc biệt là những hàng hoá, dịch vụ xa xỉ, có khả năng gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khoẻ người sử dụng như thuốc lá, rượu, bia; hoặc những hàng hoá chỉ được sử dụng bởi những người có thu nhập cao trong xã hội như ô-tô, du thuyền; hoặc những dịch vụ không thực sự cần thiết cho cuộc sống như vũ trường, mát-xa, karaoke,…và tất nhiên còn những mặt hàng khác không khuyến khích tiêu dùng hay bị hạn chế như xăng, điều hoà nhiệt độ, vàng mã, kinh doanh gôn (golf), xổ số.
2) Lịch sử phát triển của Thuế tiêu thụ đặc biệt
Ở nước ta, tiền thân của thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành là thuế hàng hóa được ban hành năm 1951. Lúc đầu thuế hàng hóa thu vào 50 nhóm mặt hàng với thuế suất từ 5-50%.Trong giai đoạn này để khuyến khích sản xuất, thuế hàng hóa không thu hoặc chỉ thu rất nhẹ vào tư liệu sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thuế đánh nặng vào những mặt hàng cao cấp hoặc chưa cần thiết như: mỹ phẩm, hàng mã, thuốc lá, cà phê, rượu . . .
Thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành lần đầu tiên dưới dạng luật, được quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30.6.1990. Sau đó được sữa đổi bổ sung vào năm 1993, 1995. Tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa X đã thông qua luật thuế tiêu thụ đặc biệt (mới) có hiệu lực từ ngày 1.1.1999, thay thế toàn bộ các luật và luật sửa đổi, bổ sung vừa qua, cùng với sự áp dụng Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Sau đó, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 1999 lại được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003 và 2005. Nội dung của những lần sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn và các yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 1998 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải được nghiên cứu, xem xét để bổ sung nhiều hơn nữa.
Cuối cùng, vào năm 2008, sau một quá trình nỗ lực nghiên cứu bổ sung, bản dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương có liên quan trước khi đem trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.
Ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngày 28 thánh 11 năm 2008, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 25/2008/L-CTN công bố Luật này.
Bộ luật hiện hành này gần như đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu mà xã hội đặt ra lúc bấy giờ như:
– Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý. Bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;
– Mặt khác còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát, và không gây đột biến trong sản xuất, tiêu dùng;
– Thực hiện yêu cầu cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, bảo đảm phù hợp với các thông lệ quốc tế.
II.Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
1) Các yếu tố khách quan:
a.Yếu tố hàng hoá, dịch vụ
Đối tượng của Thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào những hàng hoá, dịch vụ đặc biệt. Nên yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là yếu tố hàng hoá và dịch vụ. Trong quá trình phát triển của xã hội, cùng với những nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân loại là những mặt hàng mới, dịch vụ mới liên tục ra đời.
Ví dụ trong thời gian gần đây, ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rộ lên dịch vụ lạ lùng là “Cho thuê chồng, người yêu”. Tung ra dịch vụ có một không hai này là Công ty cổ phần Vinamost (Cty Vinamost). Theo quảng cáo, Cty Vinamost có văn phòng đặt tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên, P. Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội và một chi nhánh đặt ở Q2, TPHCM Không chỉ cho thuê người yêu, Cty Vinamost còn giới thiệu rất nhiều dịch vụ cho thuê khác như: giúp việc và giám sát vợ; cắt đuôi bồ nhí của sếp; đưa đón công sở; tổ chức sinh nhật gây “shock”; café @; tiếp viên du lịch; người mẫu tổ chưc sự kiện… Giá cho một lần thuê từ đôi ba trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng (Nguồn: Báo Dân trí_Thứ Hai, 07/09/2009; Công an TPHCM).
Không chỉ có thế các dịch vụ thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, xăm mình, xăm môi, hay cấy tạo nhiều thứ khác lên cơ thể theo trào lưu xã hội cũng xuất hiện và ngày càng phổ biến hơn. Theo em, những loại hình dịch vụ này đều là những loại hình không thiết yếu cho cuộc sống, chủ yếu nhắm vào những người có điều kiện kinh tế và có nhiều tác động xấu đến sức khoẻ cho người sử dụng, nên cần phải đưa vào danh sách những hàng hoá, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng.
Từ những dẫn chứng trên, ta có thể thấy, việc xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng, dịch vụ mới sẽ có rất nhiều tác động đến phạm vi đối tượng chịu thuế của Thuế tiêu thụ đặc biệt, và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực thi của đạo luật Thuế này.
b.Yếu tố phát triển của xã hội
Xã hội ngày càng văn minh hơn cùng với đời sống của con người cũng ngày càng được phát triển hơn, vậy nên có thể những hàng hoá, dịch vụ lúc bấy giờ là xa xỉ không phù hợp với đại đa số quần chúng nhân dân nhưng nó lại là kết quả của quá trình phát triển góp phần đáng kể vào sự cải thiện cuộc sống của con người. Ví dụ các mặt hàng được xem là xa xỉ như ô tô dưới 24 chỗ sẽ không phải là đối tượng của thuế TTĐB khi kinh tế tăng lên, đời sống cũng như cơ sở hạ tầng ở Việt Nam ngày càng đươc nâng cao hơn. Hay việc đánh thuế cao cả vào những mặt hàng cần khuyến khích sử dụng như ô tô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời… hoặc các năng lượng sạch khác là điều không nên.
Như vậy, yếu tố xã hội là tác động rất lớn đối với luật Thuế tiêu thụ đăc biệt, nếu luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định không phù hợp với tình hình phát triển của xã hội thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng thì sẽ không những không đạt được những mục đích đề ra mà còn góp phần kìm hãm sự phát triển tiến bộ của xã hội.
c.Yếu tố văn hoá và giáo dục
Ở mỗi nước khác nhau, lại có một nền văn hoá- giáo dục khác nhau, văn hoá- giáo dục cao thể hiện ở mức hiểu biết của người dân cũng cao, và pháp luật sẽ được tuân theo như một tất nhiên của cuộc sống ở những nơi đó, mà không cần đến bất cứ loại chế tài nào. Giáo dục còn là quá trình khơi gợi các tiềm năng sẵn có trong mỗi con người, góp phần nâng cao các năng lực và phẩm chất cá nhân của con người theo hướng hoàn thiện hơn, đáp ứng các yêu cầu tồn tại và phát triển trong xã hội. Nếu không có các hình thức giáo dục tuyên truyền, thì luật pháp sẽ không thể được đưa vào cuộc sống, vì vậy các hình thức giáo dục càng tiến bộ thì hiệu quả giáo dục càng được nâng cao, từ đó trình độ văn hoá của nhân dân sẽ được nâng lên hiển nhiên pháp luật nói chung và pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng sẽ được thực thi một cách có hiểu quả hơn.
d.Yếu tố kinh tế trong nước
Kinh tế là tổng thể các yếu tố sản xuất, các điều kiện sống của con người. Nói đến kinh tế suy cho cùng là nói đến vấn đề sở hữu tài sản của cá nhân hay Nhà nước lúc bấy giờ. Vậy một nền kinh tế phát triển thể hiện ở chỗ đời sống của nhân dân cao, thu nhập bình quân đầu người cũng cao. Một khi có thu nhập cao, thì các cá nhân, tổ chức sẽ có điều kiện đóng thuế và tất nhiên hoạt động thu thuế sẽ được tiến hành đơn giản hơn. Nhưng ngược lại, nếu nền kinh tế phát triển quá nhanh, mức thu nhập của người dân quá cao và các căn cứ tính thuế như giá tính thuế, thuế suất không còn đủ sức để kiềm chế tiêu thụ đối với những mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu cho cuộc sống, thì buộc luật Thuế tiêu thụ đặc biệt phải sửa đổi bổ sung nâng mức thuế lên nếu vẫn muốn giữ được vai trò của mình.
Như vậy yếu tố kinh tế cũng góp phần tác động vào việc thực thi của pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
e.Yếu tố tình hình ký kết gia nhập thị trường quốc tế
Trên thực tế, sự sửa đổi bổ sung dẫn đến sự ra đời của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 lần này có lý do xuất phát từ các cam kết khi chúng ta gia nhập WTO. Qua quá trình đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã chấp nhận việc phân loại bia, rượu chịu thuế theo cách phân loại của họ. Vì chúng ta đang phấn đấu hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế thế giới, nên cần thực hiện đúng các cam kết.
Việc đảm bảo thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO nhằm tạo một sân chơi bình đẳng thực sự cho các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới – WTO (tức là từ năm 2010), tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên sẽ chịu một mức thuế tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất hoặc một mức thuế phần trăm. Do vậy, quy định hiện hành về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên không còn phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam (hiện áp dụng hai mức 30% và 65%), tất nhiên sẽ phải sửa đổi trong luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.
Đối với mặt hàng bia: Tương tự như rượu, theo cam kết, trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất phần trăm (%) chung đối với các loại bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì.
Như vậy, yếu tố gia nhập vào các tổ chức quốc tế có một tác động vô cùng lớn đến quá trình hình thành cũng như việc sửa đổi, bổ sung pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
2) Các yếu tố chủ quan:
Bên cạnh những yếu tố khách quan trên là những yếu tố chủ quan có tầm quan trọng cũng không thể tách rời.
a.Yếu tố từ phía Nhà nước
Thuế luôn luôn được gắn với yếu tố quyền lực Nhà nước, nó do Quốc hội lập ra dưới hình thức một đạo luật – là hình thức văn bản có tính pháp lý cao nhất do cơ quan quyền lực cao nhất đặt ra. Vì vậy việc thực thi pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tất nhiên phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố Nhà nước. Nhà nước là cơ quan lập ra các quy định của Thuế tiêu thụ đặc biệt nên việc những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không và có đem lại được hiệu quả khi thực hiện hay không chính là phụ thuộc vào nội dung của những quy định này, hay nói cách khác chính là phụ thuộc vào Nhà nước. Nhà nước ban hành quy định các đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất,… và các văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong đời sống.
Ví dụ như quy định về phương pháp tính thuế, dựa trên hướng dẫn của Nghị định số 26/2009/NĐ-CP và Thông tư số 64/2009/TT-BTC sẽ là:
Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp
|
=
|
Số lượng hàng hóa tiêu thụ
|
x
| Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt |
x
|
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
|
– Số lượng hàng hóa tiêu thụ:
+ Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là số lượng, trọng lượng của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất ra
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu là số lượng, trọng lượng ghi trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân có hàng nhập khẩu.
– Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ vài mặt hàng tiêu biểu như:
1.Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt | = | Giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng |
1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt |
Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
2.Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu.
Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.
3.Đối với dịch vụ, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ bán ra. Như đối với kinh doanh dịch vụ gôn (golf):
Đối với kinh doanh gôn giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả tiền phí chơi gôn và tiền ký quỹ (nếu có). Trường hợp có kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế tiêu thụ
Mặt khác, Nhà nước không chỉ quy định phương pháp tính toán các khoản Thuế tiêu thụ đặc biệt mà Nhà nước còn là cơ quan tiến hành thu thuế, thực hiện các công việc như hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế trong quá trình áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt vào đời sống xã hội.
Từ những luận điểm trên, ta có thể thấy yếu tố Nhà nước có tác động chủ đạo đến việc tiến hành thực thi của đạo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
b.Yếu tố từ phía nhân dân
Pháp luật nói chung và pháp luật Thuế nói riêng được ban hành đều nhằm mục đích hướng vào con người. Bởi lẽ, con người sáng tạo ra pháp luật và cũng chính con người sẽ thực thi pháp luật, nếu không có người thực hiện thì pháp luật sẽ chẳng khác gì một loại văn chương khô khan chỉ mang tính hình thức. Nhưng cái việc “thực thi” pháp luật này lại không đơn giản đến vậy. Thực tế cho thấy, vì hành vi của con người được hình thành từ những suy nghĩ mang tính chủ quan, nên trong quá trình thực thi pháp luật, bên cạnh các lợi ích của Nhà nước, không thể không tính đến mức độ hiểu biết pháp luật, các nhu cầu, nguyện vọng, mục đích của người dân. Nếu công dân không có sự hiểu biết pháp luật nhất định, không nhận thức được một cách rõ ràng những lợi ích mình có thể nhận được từ việc thực hiện pháp luật, thì tất nhiên họ sẽ tìm mọi cách để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ như trốn thuế, khai man thuế, lậu thuế,.. các hành vi này sẽ không chỉ dẫn đến hậu quả thâm hụt ngân sách Nhà nước mà còn dẫn đến thái độ bất mãn do bị áp dụng những thứ thuế vô lý hà khắc. Dần dần qua thời gian ấn tượng để lại sẽ chỉ là nỗi khiếp sợ của các chế tài, hình phạt, thứ duy nhất bắt họ phải tuân theo pháp luật, và từ đây mầm mống của sự bất bình ổn xã hội sẽ hình thành.
Trong thực tế thực hiện, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 cũng đã gặp phải một số ý kiến, thông tin trái chiều như sau:
– Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia hơi nêu ý kiến nếu áp dụng mức thuế bia hơi lên 50%, thì hàng nghìn cơ sở sản xuất bia tại các địa phương sẽ phá sản, hàng vạn lao động tại cơ sở sản xuất và dịch vụ tiêu thụ bia có nguy cơ mất việc làm; và từ đó sẽ tạo điều kiện cho rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng, rượu nhập lậu càng có cơ hội tung hoành cao hơn ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân.
Theo số liệu của Hiệp hội Rượu bia nước giải khát, hiện tại số rượu do dân tự nấu chiếm khoảng 75% mức độ tiêu thụ trên thị trường với sản lượng khoảng 300 triệu lít, và phần lớn là trốn thuế.
– Đại diện Công ty Honda Việt Nam nói: “Bộ luật này sẽ đẩy thị trường ô tô vào vòng suy thoái, điều này sẽ là “đòn chí tử” đối với ngành công nghiệp ô tô. Những mức thuế suất được đề nghị thay đổi quá lớn và một chiều, tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt thêm 10% hoặc hơn nữa sẽ gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư”.
Theo em, tuy những thông tin trái chiều là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra xem xét, nhưng nếu nhìn theo khía cạnh khác, ta có thể thấy đây cũng chỉ là những lý do của cá nhân đưa ra nhằm trì hoãn việc thực hiện pháp luật, và trên thực tế, thì dù có bị đánh thuế với mức thuế suất cao như vậy nhưng chắc chắn những loại hình hàng hoá, dịch vụ xa xỉ này vẫn có thể đem lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Như vậy yếu tố con người hay nói cách khác là yếu tố từ phía quần chúng nhân dân cũng là một trong những yếu tố có tác động rất lớn tới quá trình thực thi pháp luật nói chung và pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng. Muốn pháp luật được thực thi tốt thì tầm hiểu biết và nhận thức của con người phải được nâng cao.
III. Thực tiễn thực hiện và kiến nghị nhằm thực thi tốt Thuế tiêu thụ đặc biệt
1) Kết quả đạt được:
Sau gần 4 năm đưa vào áp dụng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 đã đạt được những kết quả to lớn không thể phủ nhận mà đại diện là:
– Việc thu Thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu giúp hạn chế việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, qua đó, khuyến khích việc tiêu dùng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt đã góp phần hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng theo định hướng của Nhà nước. Đối tượng chịu thuế chủ yếu là những loại hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích hoặc hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh vũ trường hoặc hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cần điều tiết như ô tô, kinh doanh sân gôn… Quy định này một mặt có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, cũng thông qua việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đáp ứng yêu cầu phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc quy định lộ trình từng bước điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; áp dụng một mức thuế suất đối với mặt hàng bia, rượu, thuốc lá…Từ đó dần dần tạo sự thống nhất với các quy định Quốc tế đã ký kết.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng qua các năm, năm 2003 là 11.046 tỷ đồng, năm 2004 là 14.861 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2003; năm 2005 là 18.326 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2004; năm 2006 là 20.835 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2005 và năm 2007 là 26.564 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2006; năm 2008 là 28.120 tỷ đồng; năm 2009 là 29.357 tỷ đồng và năm 2010 là 32.149 tỷ đồng (Nguồn: Ban dự toán- Tổng cục thuế).
2) Hạn chế trong thực tiễn và một số kiến nghị:
Thứ nhất, trong quá trình áp dụng luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 đã nảy sinh một số bất cập như sau, ví dụ như đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU, quy định tính thuế TTĐB với mặt hàng này nhằm vào các đối tượng sử dụng trong gia đình, khách sạn, nhà hàng, văn phòng… Nhưng trên thực tế, các loại máy điều hoà có công suất dưới 90.000 BTU cũng được doanh nghiệp nhập khẩu rất nhiều để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh như gắn trên ô tô, tàu hoả, tàu biển. Như vậy nếu tính thuế TTĐB vào tư liệu sản xuất như vậy là rất bất hợp lý và không kích thích được tình hình sản xuất.
Mặt khác, cách đây gần 20 năm, khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ra đời, điều hòa nhiệt độ đúng là loại hàng hóa xa xỉ, vừa đắt vừa tốn nhiều điện. Nhưng hiện nay, loại hàng hóa này đã trở nên quá phổ biến, thông dụng. Điều hòa nhiệt độ có công suất 18.000 BTU trở xuống được dùng cho gia đình, một đồ dùng khá bình dân. Vì vậy, không nên xếp loại hàng hoá này vào mặt hàng phải chịu thuế.
Thứ hai, một điểm không hợp lý khác của luật thuế TTĐB hiện hành là thuế suất TTĐB với mặt hàng ô tô 10 chỗ ngồi trở lên chỉ tính theo tiêu chí chỗ ngồi trong khi hầu hết các nước là bên cạnh tiêu chí này, còn phải tính theo cả dung tích của máy. Dung tích càng lớn thì thuế suất càng phải cao nhằm khuyến khích sử dụng các loại phương tiện tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba, là việc đánh thuế cao cả vào những mặt hàng cần khuyến khích sử dụng như ô tô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời… là điều rất không đáng có. Bởi lẽ những mặt hàng này tuy có giá trị khá cao nhưng lại là một mặt hàng tiến bộ, góp phần bảo vệ môi trường cần được ưu tiên, khuyến khích sử dụng để thay thế dần các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt có tác động xấu đến sức khoẻ của cả cộng đồng.
Thứ tư, xã hội liên tục phát triển nên pháp luật cần phải được liên tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện nhằm thực thi tốt trong đời sống thực tiễn. Cụ thể như bổ sung thêm các dịch vụ thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, xăm mình, xăm môi,…và nhiều dịch vụ mới khác vào diện những hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB. Như vậy mới đảm bảo được nhiệm vụ đã đặt ra của Nhà nước là điều tiết nền kinh tế trong thời kì đổi mới, hội nhập.
Thứ năm, mặt khác khi đã có những quy định pháp luật, việc thực hiện các quy định đó lại còn phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể. Vì vậy, còn phải chú trọng đến các biện pháp tổ chức đối với các cán bộ, cơ quan có thẩm quyền, biện pháp giáo dục, tuyên truyền để nâng cao tầm hiểu biết của người dân, từ đó tạo ý thức tự giác thực thi pháp luật hạn chế tình trạng trốn thuế, lậu thuế, khai man thuế,…
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã trở thành một xu hướng chung trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực từng bước tham gia vào quá trình hội nhập với các nước trên thế giới và trong khu vực. Song hành với việc cải cách hệ thống chính sách, pháp luật thuế trong nước để đáp ứng yêu cầu phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh thực tế, Việt Nam còn phải tuân thủ rất nhiều điều khoản đã cam kết thực hiện với cộng đồng thế giới.
Trên đây là một số yếu tố tác động tới quá trình thực thi chính sách thuế TTĐB hiện hành ở nước ta và những kiến nghị góp phần từng bước hoàn thiện chính sách thuế này trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội nước ta theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chú thích:
- TTĐB : Tiêu thụ đặc biệt
Mục lục
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I.Khái niệm về Thuế tiêu thụ đặc biệt và vài nét về quá trình phát triển của loại thuế này
1) Khái niệm Thuế tiêu thụ đặc biệt
2) Lịch sử phát triển của Thuế tiêu thụ đặc biệt
II.Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
1) Các yếu tố khách quan
a.Yếu tố hàng hoá, dịch vụ
b.Yếu tố phát triển của xã hội
c.Yếu tố văn hoá và giáo dục
d.Yếu tố kinh tế trong nước
e.Yếu tố tình hình ký kết gia nhập thị trường quốc tế
2) Các yếu tố chủ quan
a.Yếu tố từ phía Nhà nước
b.Yếu tố từ phía nhân dân
III. Thực tiễn thực hiện và kiến nghị nhằm thực thi tốt Thuế tiêu thụ đặc biệt
1) Kết quả đạt được
2) Hạn chế trong thực tiễn và một số kiến nghị
KẾT LUẬN
Danh mục tài liệu tham khảo
- Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư Pháp, Hà nội 2004
- Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 1998 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2003 và 2005)
- Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008
- Nghị định 26/2009/NĐ-CP của chính phủ ngày 16 tháng 3 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thông tư 64/2009/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Luật Quản lý thuế 2006
- Nghị định 85/2007/NĐ-CP của chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế.
Bài luận liên quan:
- Hình sự hóa quan hệ dân sự
- Áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em – Những khó khăn vướng mắc thực tiễn
- Một số sai sót, bất cập trong bộ luật Hình sự năm 2015 (phần 1)
- Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương
- Đối với các dấu vết khác nhau cần sử dụng các phương tiện khác nhau để thu lượm
- Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt
- Hiện nay, nguyên tắc đồng thuận đang được ASEAN sử dụng dể thông qua các quyết định của mình, bên cạnh những ưu điểm, nguyên tắc đồng thuận cũng đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế – Vì vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành, ASEAN cần phải thay thế nguyên tắc đồng thuận bằng một nguyên tắc khác linh hoạt và phù hợp hơn
- Lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm
- Đặc trưng cơ bản để phân biệt quy tắc xử sự chung với xử sự riêng
- Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước
- Thủ tục kháng án giành quyền nuôi con