Phân tích Tội sử dụng trái phép tài sản theo các quy định của Luật Hình sự.
TỘI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP TÀI SẢN ( ĐIỀU 142 )
Sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do đang chiếm giữ.
Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hành vi sử dụng trái phép tài sản của công dân là hành vi phạm tội mà chỉ quy định hành vi sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa mới là hành vi phạm tội. Vì vậy, nếu hành vi sử dụng trái phép tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, thì không coi là hành vi phạm tội và người có hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản.
Đặc trưng cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích do tài sản đem lại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản, sau khi đã khai thác lợi ích của tài sản, người phạm tội sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu như: dùng xe ôtô của cơ quan để chở hàng thuê lấy tiền, dùng tiền quỹ đem gửi tiết kiệm hoặc cho người khác vay lấy tiền lãi, vay tiền ngân hàng nhưng không sử dụng tiền vào mục đích khi vay mà sử dụng vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng thanh toán…
Thực tiễn xét xử trong thời gian qua do không năm chắc đặc trưng cơ bản của tội phạm này, nên trong nhiều trường hợp lẽ ra chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản thì lại truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà dư luận gọi là hiện tượng “hình sự hoá”.
So với Điều 137 và Điều 137a Bộ luật hình sự năm 1985 quy định vế tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa thì Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều quy định mới, đặc biệt điều luật quy định giá trị tài sản bị sử dụng trái phép làm ranh giới phân biệt giữa hành vi được coi là tội phạm với hành vi chỉ bị xử phạt hành chính, đồng thời quy định trường hợp giá trị tài sản bị sử dụng trái phép chưa đến mức cấu thành tội phạm mà người phạm tội dã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì cũng bị coi là tội phạm; quy định thêm dấu hiệu là tình tiết định khung hình phạt; hình phạt bổ sung đươc quy định ngay trong cùng một điều luật.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Đối với tội sử dụng trái phép tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào quy định là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội sử dụng trái phép tài sản tuy cũng xâm phạm đến sở hữu nhưng chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản, tất nhiên muốn sử dụng thì phải chiếm hữu, nhưng không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản, cũng không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Nếu sau khi đã chiếm hữu, sử dụng trái phép tài sản, người phạm tội bị đòi lại tài sản mà có hành vi dũng vũ lực, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Hành vi khách quan duy nhất của tội phạm tội này hành vi sử dụng tài sản một cách trái phép, nhưng để khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép trước hết người phạm tội phải tìm cách chiếm hữu được tài sản.
Việc chiếm hữu tài sản có thể được thực hiện một cách công khai hợp pháp, nhưng cũng có thể được thưc hiện một cách lén lút, trái phép.
Trường hợp người phạm tội chiếm hữu tài sản một cách công khai, hợp pháp rồi sau đó đã sử dụng trái phép tài sản đã chiếm hữu việc xác định tội danh không có gì phức tạp như: lái xe của cơ quan, lợi dụng lúc thủ trưởng cơ quan đang họp nên đã sử dụng xe chở khách thuê để lấy tiền. Nhưng nếu tài sản mà người sử dụng trái phép lại là tài sản trước đó họ chiếm hữu trái phép thì vấn đề định tội sử dụng trái phép hay tội có tính chất chiếm đoạt lại là vấn đề khá phức tạp như: thủ quỹ tự ý lấy tiền quỹ đem gửi tiết kiệm hoặc cho người khác vay lấy lãi, thủ kho tự ý lấy tài sản trong kho đem cho thuê lấy tiền với ý thức sau đó sẽ trả lại quỹ, trả lại kho. Gặp trường hợp này, nhiều nơi xác định thủ quỹ, thủ kho phạm tội thâm ô, nhưng thực tế người thủ quỹ, thủ kho không có ý định chiếm đoạt tài sản mà chỉ có ý định khai thác lợi ích của tài sản.
Như vậy, đặc điểm nổi bật của hành vi sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích của tài sản chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản. Nếu người phạm tội lại có ý định chiếm đoạt tài sản còn hành vi sử dụng trái phép tài sản chỉ là thủ đoạn, phương thức để đạt được mục đích chiếm đoạt thì không nên vội vàng xác định người phạm tội chỉ sử dụng trái phép tài sản. Ví dụ: Một giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn do làm ăn thua lỗ nên đã nợ hàng tỷ đồng của ngân hàng và của nhiều người khác, nhưng đã dùng tài sản của công ty thế chấp ngân hàng vay tiền rồi dùn tiến đó để thanh toán các khoản nợ cũ để trốn tránh trách nhiệm.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi sử dụng trái phép tài sản là giá trị sử dụng của tài sản bị sử dụng trái phép và những thiệt hại khác do hành vi sử dụng trái phép tài sản đó gây nên.
Điều luật chỉ quy định gía trị tài sản bị sử dụng trái phép mà không quy định giá trị sử dụng (hoa lợi) của tài sản bị sử dụng trái phép, do đó không cần phải xác định giá trị sử dụng mà người phạm tội đã khai thác lợi ích của tài sản mà chỉ cần xác định giá trị tài sản bị sử dụng trái phép. Tuy nhiên, do khai thác lợi ích của tài sản bị sử dụng trái phép cho nên có trường hợp người phạm tội ngoài việc khai thác lợi ích của tài sản họ đã làm cho giảm giá trị sử dụng của tài sản (hao mòn) hoặc làm cho tài sản bị thiệt hại (hư hỏng, mất mát), những thiệt hại này được chia ra hai loại:
Nếu hậu quả đó là hậu quả nghiêm trọng thì hành vi sử dụng trái phép tài sản mới cấu thành tội phạm, nếu hậu quả gây ra chưa phải là nghiêm trọng thì người có hành vi sử dụng trái phép phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản hoặc đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản.
Nếu hậu quả đó là hậu quả rất nghiêm trọng thì đó là tình tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật.
Như vậy, ngoài giá trị tài sản bị sử dụng trái phép thì hành vi sử dụng trái phép tài sản còn phải gây ra hậu quả nghiêm trọng thì hành vi sử dụng trái phép tài sản mới cấu thành tội phạm. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi sử dụng trái phép tài sản gây ra nếu:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 21% đến 40%;
– Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định…Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa, nếu tổng hợp các tình tiết mà xác định đã gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người sử dụng trái phép tài sản mới bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội sử dụng trái phép tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn khai thác giá trị sử dụng của tài sản. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Động cơ của người phạm tội là vì vụ lợi, tức là đem lại lợi ích vật chất tinh thần cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cũng là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nếu không chứng minh được người phạm tội có động cơ vì vụ lợi thì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản không có tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản. So với tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 1 Điều 137. Vì vậy, đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 (ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì được áp dụng khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Khi áp dụng khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự cần chú ý một số điểm sau:
– Giá trị tài sản bị sử dụng trái phép từ 50.000.000 đồng trở lên là giá thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (từ khi người phạm tội sử dụng trái phép tài sản).
– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính cũng về hành vi sử dụng trái phép tài sản bằng một trong các hình thức được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dung mà chưa quá một năm; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác ( không phải là hành vi sử dụng trái phép) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự;
– Đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, người phạm tội đã bị Toà án kết án về tội sử dụng trái phép tài sản nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội sử dụng trái phép tài sản) thì cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự;
Khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự, Toà án căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Tài sản bị sử dụng trái phép càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội đáng được khoan hồng nhưng chưa tới mức được miến trách nhiệm hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ.
2. Sử dụng trái phép tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự
a. Phạm tội nhiều lần
Cũng như các trường hợp phạm tội nhiều lần khác, sử dụng trái phép tài sản nhiều lần là có từ hai lần sử dụng trái phép tài sản trở lên và mỗi lần sử dụng trái phép tài sản đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội sử dụng trái phép tài sản nhiều lần.
b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Đây là trường hợp người sử dụng trái phép tài sản là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để sử dụng trái phép tài sản.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng chức vụ để sử dụng trái phép tài sản thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội.
Người có quyền hạn là người được giao thực hiện một công vụ và do thực hiện công vụ đó nên họ có một quyền hạn nhất định. Người có quyền hạn thông thường là người có chức vụ, nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao hoặc được thạm gia thực hiện một công vụ.
c. Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi phạm tội sử dụng trái phép tài sản gây ra. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Nói chung, hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi sử dụng trái phép tài sản gây ra phải tương đương với các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự, vì nó được quy định trong cùng một khung hình phạt với các tình tiết này.
Có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phạm tội sử dụng trái phép tài sản gây ra:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 41% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 41%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 41% đến 60%;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Ngoài những thiệt hại về sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, như: ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định. Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác
d. Tái phạm nguy hiểm
Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của tội phạm này hay tội phạm khác.
Khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù, đối với người phạm tội dưới 16 tuổi cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
– Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật;
– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Tài sản bị sử dụng trái phép càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt ( dưới hai năm tù) hoăc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo, nhưng không được áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội.
3. Sử dụng trái phép tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 142 Bộ luật hình sự
Khoản 3 Điều 142 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là hành vi sử dụng trái phép tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi sử dụng trái phép tài sản gây ra là những thiệt hại về thể chất, vật chất và tinh thần cao hơn mức hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật. Dựa vào những thiệt hại được coi là hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi sử dụng trái phép tài sản gây ra, chúng ta có thể xác định được hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như sau:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 61% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
– Ngoài những thiệt hại về tính mạng sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, như: ảnh hưởng đặc biệt xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn rộng. Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.
Khoản 3 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng là tội phạm nghiêm trọng nhưng mức độ nghiêm trọng cao hơn khoản 2 của điều luật vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, đối với người phạm tội dưới 16 tuổi cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo khoản 3 Điều 142 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Tài sản bị sử dụng trái phép càng có giá trị cao, hình phạt càng nặng;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt ( dưới ba năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo, nhưng phải hết sức hạn chế.
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội sử dụng trái tài sản
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội sử dụng trái phép tài sản còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước
- Phân tích Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
- Mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực thẩm mỹ
- A 22 tuổi, M 21 tuổi, hai người yêu nhau được 2 năm, trong thời gian yêu nhau, A và M nhiều lần có hành vi quan hệ tình dục
- A trộm cắp tài sản của H trị giá 300 triệu đồng Hành vi của A được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS
- Khái niệm năng lực hành vi dân sự
- Mức độ xác định, tình trạng năng lực hành vi dân sự của cá nhân
- Đánh giá các quy định của BLDS năm 2005 về năng lực hành vi dân sự cá nhân
- Khái niệm quyết định hành chính
- Vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước