Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương

Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương.


Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương
Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương

LỜI MỞ ĐẦU

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các Quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967. Kể từ khi ra đời đến nay, ASEAN đã từng bước cải tổ thường xuyên cơ cấu tổ chức trong quá trình tồn tại và phát triển. Đặc biệt là kể từ khi Hiến chương ra đời và có hiệu lực, hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN được hoàn thiện dần, vận hành ổn định và chủ động hơn.

Để có một cách nhìn khái quát và toàn diện về hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN, nhóm đã đi sâu vào phân tích, tìm hiểu về vấn đề này qua Đề tài số 1: “Hệ thống các thiết chế pháp lý của ASEAN theo Hiến chương”, qua đó so sánh với các thiết chế pháp lý của Liên minh Châu Âu và đánh giá ưu điểm, hạn chế của các thiết chế pháp lý.

NỘI DUNG

I.Tổ Chức, Chức Năng Và Nhiệm Vụ Của Từng Thiết Chế Pháp Lý:

  • Hội nghị cấp cao – ASEAN Summit:

Hội nghị cấp cao ASEAN (còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN) bao gồm những Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các Quốc gia thành viên. Được tiến hành tổ chức 2 lần một năm, và do các Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tổ chức.

Là cơ quan quyền lực cao nhất của ASEAN nên có những nhiệm vụ và chức năng được ghi nhận cụ thể trong khoản 2 Điều 7 Hiến Chương ASEAN như: Là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN; Xem xét, đưa ra các chỉ đạo về chính sách và quyết định các vấn đề then chốt và quan trọng của ASEAN và các Quốc gia thành viên; Tiến hành những biện pháp thích hợp để xử lý các tình huống khẩn cấp tác động tới ASEAN;…

  • Hội đồng điều phối – Coordinating Council:

Đây là thiết chế pháp lý có tổ chức bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên của ASEAN và họp ít nhất hai lần một năm. Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ được các quan chức cao cấp liên quan hỗ trợ.

Về chức năng và nhiệm vụ thì được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 8 của Hiến chương ASEAN thì Hội đồng điều phối có các nhiệm vụ như: Chuẩn bị cho các cuộc họp Cấp cao ASEAN; Điều phối việc thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Cấp cao ASEAN;Phối hợp với các Hội đồng Cộng đồng ASEAN nhằm tăng cường sự nhất quán về chính sách, hiệu quả và hợp tác giữa các cơ quan này;…

  • Các hội đồng Cộng đồng – Community Council:

Theo Điều 9 Hiến chương ASEAN, các Hội đồng Cộng đồng bao gồm Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh, Hội đồng Cộng đồng kinh tế, Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN. Mỗi quốc gia thành viên sẽ cử đại diện quốc gia tham dự các cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng ASEAN, trực thuộc mỗi Hội đồng Cộng đồng ASEAN sẽ có các Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng.

Mỗi Hội đồng Cộng đồng ASEAN sẽ họp ít nhất hai lần một năm và sẽ do Bộ trưởng có liên quan của Quốc gia thành viên đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì.

Tại khoản 4 Điều 9 Hiến chương ASEAN thì các Hội đồng này có chức năng và nhiệm vụ như sau: Đảm bảo việc thực hiện các quyết định có liên quan của Cấp cao ASEAN; Điều phối công việc trong các lĩnh vực phụ trách, và những vấn đề có liên quan đến các Hội đồng Cộng đồng khác; Đệ trình các báo cáo và khuyến nghị về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm lên Cấp cao ASEAN.

  • Các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng – Sectoral Ministerial:

Theo Điều 10 Hiến chương ASEAN, các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng ASEAN là các thiết chế trực thuộc các Hội đồng Cộng đồng (Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh có 6 cơ quan, Hội đồng Cộng đồng kinh tế có 14 cơ quan, Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội có 17 cơ quan trực thuộc), chúng có chức năng và nhiệm vụ như sau: Hoạt động theo chức năng, quyền hạn đã được xác định; Thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Cấp cao ASEAN trong phạm vi phụ trách; Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức trách của mình để hỗ trợ liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN; Đệ trình các báo cáo và khuyến nghị lên các Hội đồng Cộng đồng liên quan.

  • Tổng thư ký và Ban thư ký:

* Tổng thư ký ASEAN là quan chức hành chính cao cấp nhất của ASEAN, do Hội nghị cấp cao bổ nhiệm với nhiệm kì 5 năm và không được tái bổ nhiệm. Tổng thư ký tiến hành chức năng và nhiệm vụ của mình theo các quy định tại Điều 11 Hiến chương ASEAN.

* Ban thư ký ASEAN bao gồm Tổng thư ký và các nhân viên khác tùy theo yêu cầu đặt ra. Theo khoản 8, 9 Điều 11 thì Ban thư ký sẽ: Giữ vững các chuẩn mực cao nhất về sự liêm khiết, hiệu quả và năng lực trong khi thi hành nhiệm vụ; Không tìm kiếm hoặc nhận chỉ đạo từ bất kỳ chính phủ hoặc đối tượng nào ngoài ASEAN; Không tham gia bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến vị thế quan chức Ban thư ký ASEAN của mình và chỉ chịu trách nhiệm trước ASEAN.

* Ban thư ký ASEAN quốc gia (Điều 13 Hiến chương ASEAN): do mỗi quốc gia thành viên lập ra một Ban thư ký ASEAN quốc gia với nhiệm vụ: Đóng vai trò là đầu mối quốc gia, Là nơi lưu trữ thông tin về tất cả các vấn đề liên quan đến ASEAN ở cấp độ quốc gia…

  • Ủy ban đại diện thường trực bên cạnh ASEAN – Committee of Permanent Representatives to ASEAN:

Theo Điều 12 Hiến chương ASEAN, các Quốc gia thành viên ASEAN sẽ bổ nhiệm một Đại diện thường trực có hàm Đại sứ bên cạnh ASEAN đặt tại Jakarta.

Các Đại diện thường trực tạo thành Ủy ban các Đại diện Thường trực có chức năng, nhiệm vụ cụ thể tại khoản 2 Điều 12 Hiến chương ASEAN như: Hỗ trợ công việc của các Hội đồng Cộng đồng ASEAN và các Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEA; Phối hợp với Ban thư ký ASEAN Quốc gia và các Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng khác của ASEAN;…

  • Ủy ban ASEAN ở nước thứ ba và các tổ chức quốc tế:

Theo Điều 43 Hiến chương ASEAN Ủy ban ASEAN ở các nước thứ ba có thể được thành lập tại các nước ngoài khối ASEAN, bao gồm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia thành viên ASEAN tại quốc gia đó. Các Ủy ban tương tự có thể được lập ra bên cạnh các tổ chức quốc tế. Các ủy ban này sẽ thúc đẩy lợi ích và bản sắc ASEAN tại nước chủ nhà và các tổ chức quốc tế. Thủ tục hoạt động của các ủy ban này sẽ do hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN quy định cụ thể.

Bên cạnh các thiết chế này còn có Các cơ quan giúp việc trực thuộc, đây là các cơ quan trực thuộc các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng. Các cơ quan này thực hiện các chức năng chuyên môn về các lĩnh vực như quản lí nhân sự, hành chính văn phòng, truyền thông hay các phòng ban khác. Ngoài ra, Hiến chương còn quy định sẽ thành lập một Cơ quan nhân quyền ASEAN (Điều 14 Hiến chương ASEAN) và Quỹ ASEAN (Điều 15 Hiến chương ASEAN).

II.Liên Hệ Với Các Thiết Chế Pháp Lý Của Liên Minh Châu Âu:

2.1. Các thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu (EU)

Liên minh Châu ÂU (European Union) là một tổ chức liên chính phủ của các nước châu Âu. Từ 6 thành viên ban đầu, hiện nay có 27 quốc gia thành viên. Liên minh Châu Âu được thành lập bởi hiệp ước Masasticht vào ngày 1/1/1993 dựa trên cộng đồng Châu Âu (EC). Thiết chế pháp lý của EU bao gồm: Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu, Tòa án châu Âu, Tòa kiểm toán châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu. Cụ thể:

Hội đồng châu Âu: theo Điều 13 Hiệp ước Lisbon năm 2009, Hội đồng châu Âu là một trong 7 cơ quan chính của EU có nhiệm vụ xác định động lực phát triển và đường lối chính trị chung, các vấn đề ưu tiên cho Liên minh; bao gồm: người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của các quốc gia thành viên, Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Các cuộc họp được tiến hành tối thiểu 4 lần/năm, có thể họp bất thường khi cần thiết, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng.

Nghị viện châu Âu: là cơ quan đại diện cho người dân châu Âu, gồm 736 thành viên do công dân 27 nước thành viên trực tiếp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo 7 nhóm chính trị đại diện cho các quan điểm chính trị khác nhau chứ không phụ thuộc vào quốc tịch; có 3 chức năng cơ bản: lập pháp, thực hiện giám sát dân chủ đối với các thiết chế của EU và quyết định ngân sách hàng năm của EU.

Ủy ban châu Âu: là cơ quan đại diện cho lợi ích của Liên minh, có vai trò như cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các quyết định của Nghị viện và Hội đồng cũng như quản lý các hoạt động hàng ngày của EU. Ủy ban châu Âu gồm 27 ủy viên, nhiệm kỳ 5 năm, trong đó có 1 chủ tịch và đại diện cấp cao Chính sách đối ngoại và an ninh chung đảm nhiệm trong các chức vụ Phó Chủ tịch.

Hội đồng Bộ trưởng châu Âu: bao gồm đại diện cấp bộ trưởng của tất cả các nước thành viên; nhiệm vụ cơ bản: cơ quan lập pháp chính của EU, thực hiện phối hợp chính sách của các nước thành viên, ký kết điều ước quốc tế với các chủ thể Luật quốc tế và với các nước thành viên về một số lĩnh vực cụ thể…

Tòa án công lý Liên minh châu Âu: bao gồm 27 thẩm phán và 8 công tố viên có nhiệm kỳ 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Các thẩm phán sẽ bầu ra chánh tòa với nhiệm kỳ 3 năm và có thể được tái bổ nhiệm.

Tòa kiểm toán châu Âu: bao gồm 27 thành viên với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Các thành viên của tòa sẽ bầu ra chánh tòa với nhiệm kỳ 3 năm và có thể được tái bổ nhiệm.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB): thành lập năm 1998 và là cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của EU. ECB có sự độc lập về mục tiêu, tổ chức, tài chính với các quốc gia thành viên và các thiết chế khác của cộng đồng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, còn có một số cơ quan nhỏ khác phụ trách tư vấn cho EU hoặc hoạt động chuyên trách trong các lĩnh vực đặc thù như: Ủy ban kinh tế- xã hội, Ủy ban về khu vực, Ngân hàng đầu tư Châu Âu.

2.2. Sự giống và khác nhau giữa thiết chế của ASEAN với các thiết chế pháp lý của Liên minh Châu Âu

2.2.1. Giống nhau:

Dựa trên những nội dung về thiết chế pháp lý của ASEAN và của Liên minh châu Âu  EU đã trình bày, trước tiên, chúng ta có thể thấy một cách toàn diện thì thiết chế pháp lý của ASEAN và EU có những điểm tương đồng khá tiêu biểu. Để lý giải cho điều này, theo nhóm, Liên minh EU là một tổ chức quốc tế lớn trên thế giới, hoạt động có hiệu quả và tập trung hầu hết các cường quốc trên thế giới. Cơ cấu tổ chức, thể chế pháp lý của Liên minh châu Âu EU được đánh giá là khá toàn diện và chặt chẽ, có sự phân công phân nhiệm rõ ràng, xứng đáng là mô hình để cho các khu vực khác học tập và ASEAN cũng không phải ngoại lệ.

Thứ hai, đi vào cụ thể thì chúng ta thấy, cả ASEAN và EU đều có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định. Sự sắp xếp và cơ cấu lại bộ máy cả hai đều theo mô hình chóp quyền lực, vừa đảm bảo sự tập trung, vừa đảm bảo sự chuyên sâu, chuyên trách giúp cho bộ máy vận hành nhịp nhàng hơn, không dàn trải và chồng chéo.

Điểm giống nhau thứ ba giữa ASEAN và EU về thiết chế phải kể đến thành viên của cơ quan cao nhất trong cơ cấu của ASEAN (Hội nghị cấp cao ASEAN) và EU (Hội đồng Châu Âu) đều bao gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu các nước thành viên, nhiệm vụ của cơ quan này là quyết định các vấn đề quan trọng và đưa ra các quyết nghị định hướng cho sự phát triển của tổ chức.

 Thứ tư, quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan của các tổ chức này đều được quy định cụ thể trong các văn kiện pháp lý quan trọng của tổ chức (Hiến chương ASEAN , Hiệp định Lisbon (EU).

2.2.2. Khác nhau, Tại sao lại có sự khác biệt đó?

 Trên cơ sở nhận thức về cơ cấu tổ chức của AC và thiết chế pháp lý của EU, ta nhận thấy giữa các thiết chế này bên cạnh điểm tương đồng thì về cơ bản khác biệt nhau tạo nên nét đặc trưng riêng có của mỗi thiết chế.

Thứ nhất, nguyên tắc xây dựng và tính chất của toàn hệ thống các thiết chế pháp lý: EU xây dựng dựa trên nguyên tắc liên bang, theo mô hình “siêu quốc gia”, cấp độ liên kết chặt chẽ; còn cơ cấu tổ chức của ASEAN xây dựng trên nguyên tắc liên kết tiểu hợp bang lỏng lẻo. Nếu cơ cấu tổ chức của ASEAN gồm có sự tham gia của các nước thành viên đại diện cho quyền lợi của quốc gia mình thì ở thiết chế pháp lý của EU còn có những thiết chế mang tính chất siêu quốc gia cụ thể là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu….Sự khác biệt đó xuất phát từ nhiều lý do nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bản chất hợp tác của mỗi tổ chức. ASEAN là liên kết “thống nhất trong đa dạng” của các quốc gia độc lập trong khu vực Đông Nam Á. ASEAN không hướng tới mục tiêu “nhất thể hóa” và liên kết kiểu “siêu quốc gia” như của Liên minh Châu Âu. Cơ chế hợp tác của ASEAN là cơ chế liên chính phủ trên cơ sở nguyên tắc “tham vấn” và “đồng thuận” (theo các nguyên tắc này, các quyết định của ASEAN chỉ được đưa ra trên cơ sở có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên).

Thứ hai, hệ thống thiết chế pháp lý của EU phức tạp hơn cơ cấu tổ chức của ASEAN vì có sự kết hợp giữa cách thức tổ chức bộ máy của tổ chức quốc tế khu vực (Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu) với cách thức tổ chức bộ máy quyền lực của một nhà nước liên bang (Nghị viện châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu). Thiết chế pháp lý của EU được tổ chức rõ nét thành các cơ quan quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp và các cơ quan chuyên trách. Như chúng ta biết, EU là một tổ chức khu vực mang tính cộng đồng cao, giữa các nước thành viên gần như không còn bất kỳ một trở ngại, một rào cản nào về địa lý, về tiền tệ hay tài chính. EU đã thành lập được một thị trường chung thống nhất. Chính vì vậy, việc lập ra cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cho Liên minh là một điều cần thiết để điều chỉnh tất cả các hoạt động của mỗi quốc gia thành viên, nhằm đạt tới một sự thống nhất chung cao nhất, giải quyết triệt để, nhanh chóng và kịp thời các tranh chấp giữa các nước thành viên.

Cơ quan lập pháp của EU là Hội đồng Bộ trưởng châu Âu và Nghị viện châu Âu là những cơ quan hoạt động thường trực nên dễ thống nhất trong quá trình xây dựng các quy định và nhanh chóng đưa vào thực tiễn cuộc sống.

Tòa án châu Âu là thiết chế đặc thù của EU mà ở ASEAN không có. Nó vừa mang tính chất của tòa án quốc tế vừa mang tính chất của tòa án quốc gia liên bang.

Ở ASEAN không có tòa án chung để theo dõi và thực thi pháp luật chung trong Cộng đồng. Chức năng giám sát thực thi pháp luật được quy định cho tất cả các cơ quan của Cộng đồng và các quốc gia thành viên. Tại EU chức năng giám sát thực thi pháp luật được giao cho Uỷ ban Châu Âu với một thủ tục giám sát chặt chẽ. Khi có sự vi phạm pháp luật của ASEAN sẽ được đưa lên Hội nghị cấp cao giải quyết, trong khi đó tại EU khi phát hiện ra vi phạm Uỷ ban Châu Âu sẽ đưa ra Toà án Châu Âu để xét xử. Như vậy tại ASEAN thiếu đi cơ quan Toà án chung cho cả cộng đồng nhằm giải quyết tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia đồng thời tạo ra một cơ chế bảo đảm cho việc tuân thủ pháp luật của Cộng đồng. Do không có một cơ quan tư pháp chuyên biệt nên trên thực tế giải quyết trên cơ sở thương lượng, hoà giải.

Tuy trong thiết chế của ASEAN chưa có sự xuất hiện của một cơ quan chuyên biệt nào hoạt động với sự phân chia rõ ràng về các mảng lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng từ năm 2003, ASEAN cũng đang hướng tới hình thành nên Cộng đồng chung ASEAN mà ở đó cũng không hề có bất kỳ một rào cản nào giữa các nước, đường biên giới coi như “ vô hình”. Tới khi đó thì việc thành lập nên một hệ thống lập – hành – tư cũng sẽ là một điều cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện.

Thứ ba, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan khác trong hệ thống thiết chế pháp lý.

EU trừ Hội đồng châu Âu thì các cơ khác đều là cơ quan hoạt động thường trực. Còn ở cơ cấu tổ chức của ASEAN trừ Ban thư ký hoạt động thường trực thì các cơ quan trong cơ cấu tổ chức hoạt động không thường trực, khi cần thiết thì nhóm họp bất thường điều này cũng hạn chế phần nào tính kịp thời của việc chỉ đạo, điều hành hoạt động trong điều kiện đời sống kinh tế quốc tế luôn luôn biến động bất thường.

EU có Ngân hàng trung ương chung châu Âu để quản lý chính sách tiền tệ của Liên minh và ban hành đồng tiền chung; còn ở ASEAN không có thiết chế này, mà mức độ liên kết trong Cộng đồng kinh tế mới chỉ ở mức giữa khu vực thương mại tự do FTA+ và thị trường chung CM – , do đó không có cơ quan tài chính chung cho cả cộng đồng và cũng không có thiết chế Tòa kiểm toán thực hiện chức năng bảo đảm cho các hoạt động thu, chi và quản lý tài chính chung cho Cộng đồng như EU.

Các trụ cột trong thiết chế của mỗi cộng đồng cũng có sự khác nhau. Ở EU có sự chuyển dịch chủ quyền của quốc gia thành viên cho cộng đồng còn ở ASEAN không có sự dịch chuyển chủ quyền quốc gia thành viên cho cộng đồng mà các trụ cột được hình thành theo các lĩnh vực riêng.

III.Đánh Giá Ưu Điểm Và Hạn Chế Của Hệ Thống Các Thiết Chế Pháp Lý Của ASEAN:

Các quy định thiết chế trong Hiến chương ASEAN đã có những cải cách lớn hơn so với trước đây nhằm đảm bảo cho bộ máy của ASEAN được thực hiện có hiệu quả theo mục đích đã đề ra. Với tư cách là hiến chương – văn bản gốc và hợp nhất của một tổ chức quốc tế thì tất cả các thiết chế pháp lý của ASEAN đều đã được thể chế hóa trong hiến chương mà không còn được quy định rải rác trong các văn kiện khác nhau như trước đây. Đồng thời chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan này cũng được quy định chi tiết và cụ thể ngay trong Hiến chương chứ không cần các thỏa thuận riêng biệt khác như trước đây.

  • Ưu điểm:

Thứ nhất, Thiết kế, xây dựng và vận hành các thiết chế theo hướng vừa tập trung vừa đảm bảo tính chuyên trách.

Trong Hiến chương ASEAN các thiết chế pháp lý được xây sựng và cơ cấu lại bộ máy theo mô hình “ hình chóp quyền lực”[1] vừa đảm bảo sự tập trung. Ví dụ : Bên cạnh hội nghị cấp cao là cơ quan quyền lực cao nhất, Hiến chương đã thành loại các cơ quan điều phối của ASEAN như : Hội đồng điều phối để phối hợp thống nhất và đồng bộ các hoạt động của ASEAN trong mọi lĩnh vực. Thành lập 3 hội đồng cộng đồng tương ứng với 3 trụ cột của ASEAN. Vừa đảm  bảo được sự chuyên sâu, chuyên trách. Ví dụ: trong mỗi hội đồng cộng đồng lại có các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng trực thuộc, mỗi cơ quan chuyên ngành này lại có các cơ quan chuyên môn cấp dưới giúp việc.

Sự phân công, phân nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy được phân định rõ ràng, chặt chẽ hơn trước đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan hoạch định chính sách với các cơ quan chếp hành, giữa cơ quan điều phối với cơ quan thực hiện, giữa cơ quan trụ cột với cơ quan chuyên ngành và giữa cơ quan cấp trên với cơ quan trực thuộc…

Thứ hai, so với trước đây thì tương quan về mặt số lượng giữa các cơ quan hoặc định chính sách và cơ quan chấp hành đã có những cải tổ lớn, Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan theo quy  định của hiến chương có thể thấy các thiết chế của ASEAN chỉ duy nhất hội nghị cấp cao là cơ quan hoặc định chính sách, các cơ quan còn lại đều là các cơ quan điều phối, điều hành và chấp hành điều này chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả, hiệu lực trong thực tế triển khai các quyết định, chính sách của ASEAN.

Thứ ba, khoảng cách giữa các kỳ họp của các hội đồng đã được rút ngắn hơn nhiều so với trước. Hội nghị cấp cao, hội nghị điều phối, 3 hội nghị cộng đồng đều họp ít nhất 2 lần trong 1 năm so với trước đây là 3 năm 1 lần của hội nghị cấp cao và mỗi năm 1 lần của hội nghị bộ trưởng. Vì vậy giúp cho các cơ quan này, đặc biệt với hội nghị cấp cao với tư cách là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất có khả năng phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và thường xuyên hơn đối với các vấn đề đặt ra trong ASEAN.

Thứ tư, Hiến chương ASEAN đã đồng bộ hóa chức chủ tịch của các cơ quan theo chức chủ tịch ASEAN nhằm tránh sự bất bình đẳng giữa các chức chủ tịch của các cơ quan khác trong bộ máy như trước đây. Theo Điều 31 Hiến chương ASEAN chức chủ tịch ASEAN sẽ được luân phiên hàng năm theo thứ tự chữ cái tên của các quốc gia thành viên bằng tiếng Anh.

Thứ năm, Hiến chương đã nhấn mạnh vị trí của Tổng thư ký, các phó Tổng thư ký và Ban thư ký trong bộ máy hoạt động cảu ASEAN. Hiến chương chuẩn hóa quy chế pháp lý của từng thành phần trong Ban thư ký, tăng cường hơn nữa vai trò của Tổng thư ký và Ban thư ký – Cơ quan hành chính thường trực của ASEAN nhằm thúc đẩy  việc xây dựng AEC và các hoạt động khác của ASEAN đi vào thiết thực và hiệu quả.

  • Hạn chế và giải pháp:

Nếu đặt trong mối quan hệ so sánh với EU thì trong các cơ quan của ASEAN được thể chế hóa tại Hiến chương vẫn chưa có nhiều các cơ quan hoạt động thường kỳ. Hiện tại chỉ có 2 cơ quan là Ủy ban đại diện thường trực và Ban thư ký so với các cơ quan còn lạ chỉ tiến hành họp theo định kỳ hoặc khi cần thiết. Điều này một mặt làm cho mối liên kết giữa các cơ quan trong ASEAN còn lỏng lẻo, đồng thời các thiết chế này chỉ hoạt động theo cơ chế kỳ họp nên có thể sẽ làm hạn chế khả năng chỉ đạo, điều hành của các cơ quan này trước những biến động, khó khăn bất thường cần được phối hợp giải quyết ở cấp độ Hiệp hội.[2]

* Để nâng cao tầm ảnh hưởng và hiệu quả trong hoạt động của ASEAN, cần khắc phục những hạn chế trên và lẽ tất nhiên là hệ thống thiết chế ASEAN trong hiến chương cũng cần bổ sung và sửa đổi để phù hợp hơn, nhóm có đưa ra một số giải pháp:

Thứ nhất, việc cần thay đổi trong hệ thống thiết chế của ASEAN trong thời gian tới theo nhóm chính là bổ sung một số cơ quan chuyên trách trong việc giám sát các quốc gia thực thi quy định của tổ chức, đồng thời cũng giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên một cách nhanh chóng nếu thấy khó khăn trong việc thương lương, hòa giải. Có thể thành lập tòa án ASEAN giống như Tòa án EU, hay thành lập hội đồng tư pháp ASEAN.

Thứ hai, cần tăng cường cơ quan làm việc thường kì lên, để có thể theo sát được tình hình trong khu vực và trên thế giới, để có những đề xuất và biện pháp kịp thời giải quyết các vấn đề hay tình huống mới xuất hiện, hạn chế sự ảnh hưởng tác động của những hiện tượng xấu ảnh hưởng tới khu vực nói chung và các quốc gia thành viên. Đồng thời tăng các kì họp (Hội nghị) của các cơ quan nhiều hơn so với hiện tại. như: có thể quy định cho Hội đồng Điều phối họp ít nhất 2-3 lần/năm…

Thứ ba, các thiết chế trong ASEAN cũng có nhiều điểm tương đồng với các thiết chế của EU. Trong thời gian tới, khi thay đổi, sửa đổi hay bổ sung các thiết chế của ASEAN các nhà lãnh đạo cũng nên tham khảo cơ cấu tổ chức và hoạt động của các thiết chế chuyên môn trong EU và vận dụng vào ASEAN một cách sáng tạo, đồng thời vẫn giữ được những nét đặc thù về văn hóa, chính trị và con người Phương Đông.

KẾT LUẬN


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Tập bài giảng Pháp Luật Cộng Đồng ASEAN, trường ĐH Luật Hà Nội, 2011.

2.Giáo trình Luật Quốc Tế, ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – ThS. Chu Mạnh Hùng, nxb GDVN.

3.Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

4.Nguyễn Trần Quế (chủ biên) – Trung tâm KHXH và NVQG, Viện Kinh tế thế giới, 35 năm ASEAN hợp tác và phát triển, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

5.Tạp chí Luật học số 9 năm 2008.

6.Trần Khánh, Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

7.Tiểu luận cơ cấu tổ chức của ASEAN và so sánh với thiết chế pháp lý của Liên minh Châu Âu


[1] Tạp chí Luật Học số 9 năm 2008.

[2] “ ASEAN 35 năm hợp tác và phát triển” . Trung tâm khoa học xã hôi và nhân văn quốc gia – Viện kinh tế thế giới . nxb Khoa học xã hội năm 2003.


 

Bài luận liên quan:

1900.0191