Vấn đề Xác định sai tư cách đương sự trong Tố tụng Dân sự, ví dụ thực tiễn về các trường hợp có liên quan.
Xác định sai tư cách đương sự
1. Xác định sai tư cách của bị đơn
Ví dụ: Vụ án “tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà” giữa nguyên đơn là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức (Quyết định giám đốc thẩm số 29/DS-GĐT ngày 9/7/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao); cụ thể như sau:
Cụ Trương Văn Kiệm (chết năm 2002) và cụ Nguyễn Thị Tâm (chết năm 1998) chung sống có 3 con là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ. Khoảng năm 1949, cụ Kiệm chung sống với cụ Nguyễn Thị Tiết sinh được 12 người con. Năm 1957, cụ Tâm không sống chung với cụ Kiệm nữa, mà cùng 3 con về sống tại tỉnh T. Năm 1972 cụ Kiệm mua căn nhà số 4, đường Phong Phú, thành phố H và sống cùng cụ Tiết cho đến khi chết. Ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ khởi kiện cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức tranh chấp ngôi nhà nêu trên.
Khi Tòa án cấp sơ thẩm đang giải quyết vụ án thì cụ Nguyễn Thị Tiết chết. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm thủ tục để đưa những người thừa kế của cụ Tiết tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại Điều 62 BLTTDS, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định cụ Nguyễn Thị Tiết là bị đơn là sai.
2. Sai sót khi xác định người đại diện theo uỷ quyền của đương sự
2.2.1. Công nhận các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận:
Theo khoản 1 Điều 418 BLTTDS quy định: “Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được Toà án Việt Nam công nhận nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác”.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp Tòa án nhận được văn bản, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận, nhưng lại không hướng dẫn cho đương sự hợp pháp hóa lãnh sự. Khi giải quyết vụ án, Tòa án chấp nhận luôn các văn bản, tài liệu đó là không đúng quy định.
Vụ án thứ nhất: Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là chị Ngô Thị Huyền, anh Ngô Đức Bằng với bị đơn là chị Vũ Thị Dôi, anh Dương Công Nghĩa; Quyết định giám đốc thẩm số 47/DS-GĐT ngày 6/12/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Anh Bằng đang cư trú tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy ngày 8/2/2005 anh Bằng ủy quyền cho chị Huyền tham gia tố tụng; nhưng giấy ủy quyền của của anh Bằng chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định chị Huyền là người đại diện của anh Bằng là không đúng.
Vụ án thứ hai: Vụ tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là bà Bùi Thị Liễu với bị đơn là ông Bùi Trọng Sơn, ông Bùi Trọng Thành và bà Bùi Thị Lan. Quyết định giám đốc thẩm số 05/DS-GĐT ngày 18/3/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Bà Liễu trú tại Mỹ có đơn khởi kiện ngày 01/10/2006 và ủy quyền cho ông Phạm Văn Nghị tham gia tố tụng; đơn khởi kiện và văn bản ủy quyền không được hợp pháp hóa lãnh sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn thụ lý, giải quyết là không đúng quy định pháp luật.
2.2.2. Người được ủy quyền thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền, nhưng vẫn được Tòa án chấp nhận là không đúng pháp luật
Thực tế có vụ án người được ủy quyền (đại diện theo ủy quyền) thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền, nhưng Tòa án vẫn chấp nhận là không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là ông Võ Thanh Dũng với bị đơn là ông Võ Văn Thành, ông Võ Thanh Huyền. Quyết định giám đốc thẩm số 45/DS-GĐT ngày 4/11/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; cụ thể như sau:
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/5/1997 ông Dũng có đơn kháng cáo. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, ngày 7/11/2006 ông Dũng làm giấy ủy quyền cho ông Lê Minh Tín tham dự phiên tòa phúc thẩm, trong đó không có nội dung ông Dũng đồng ý cho ông Tín rút đơn kháng cáo. Đồng thời tại giấy ủy quyền còn nêu rõ: mọi phát sinh ngoài việc ủy quyền phải có ý kiến của người ủy quyền bằng văn bản, người được ủy quyền không được tự mình quyết định. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/11/2006, ông Lê Minh Tín đã rút toàn bộ kháng cáo mà không có sự đồng ý bằng văn bản của ông Dũng là vượt quá phạm vi ủy quyền. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét nội dung và phạm vi ông Dũng ủy quyền cho ông Tín, nhưng lại chấp nhận việc rút kháng cáo của ông Tín là không đúng pháp luật vì việc ông Tín rút kháng cáo là vượt quá phạm vi mà ông Dũng đã ủy quyền cho ông Tín.