Đề 3 Hình sự 1 – Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản – Các tội xâm phạm sở hữu.
Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm gây nguy hiểm, và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Về trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này, thì mỗi quốc gia có cách xử lý, giải quyết khác nhau, tùy thuộc vào tình hình phát triển của mỗi quốc gia, cũng như ý chí, thái độ của nhà làm luật của mỗi quốc gia đó đối với hành vi của phạm tội này. Với nước ta, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản đã được quy định rõ ràng trong chương XIV “ Các tội xâm phạm sở hữu” – Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi và bổ sung năm 2009, cụ thể được quy định tại điều 134 của Bộ luật này.
Để tìm hiểu rõ hơn về tội phạm này, cũng như các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhóm em đã chọn đề bài tập nhóm như sau:
Đề 3 :
A (30 tuổi) đã lôi kéo B (15 tuổi) cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ B là C (5 tuổi) để đòi bố mẹ C phải nộp tiền chuộc là 150 triệu đồng. Hành vi của A và B bị xử lý về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi:
- Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy xác định hành vi phạm tội của A và B thuộc loại tội phạm nào ?
- Xác định những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của vụ án trên ?
- Trong vụ án trên có đồng phạm hay không ? Tại sao?
- Phân tích lỗi của A và B trong tình huống trên ?
- Xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với hành vi phạm tội của A và B trong tình huống trên ?
NỘI DUNG
1.Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy xác định hành vi phạm tội của A và B thuộc loại tội phạm nào?
Tội phạm, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.
Theo đề bài, A (30 tuổi) lôi kéo B (15 tuổi) cùng thực hiện hành vi bắt cóc em họ B là C (5 tuổi) để đòi bố mẹ C phải nộp tiền chuộc là 150 triệu đồng. Hành vi của A và B là hành vi bắt cóc chiếm đoạt tài sản. Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt giữ người trái pháp luật do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt giữ.
A và B không có dấu hiệu của việc mất năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 13 BLHS. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, A (30 tuổi) đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 12 BLHS, B (15 tuổi) theo quy định tại khoản 2 Điều 12 thì B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu chung nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Luật hình sự Việt Nam phân tội phạm ra thành bốn nhóm tội phạm khác nhau, được quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự, theo đó :
“ Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù,tù chung thân hoặc tủ hình.”
Như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của BLHS thì tội phạm được phân hóa thành 4 nhóm, đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hai căn cứ để phân chia các loại tội phạm đó là căn cứ vào nội dung chính trị – xã hội của tội phạm và hậu quả pháp lý mà tội phạm phải gánh chịu.
Xét với tình huống trên, A và B cùng thực hiện hành vi bắt cóc C (5 tuổi) và đòi bố mẹ C phải đưa tiền chuộc là 150 triệu đồng. Hành vi của A và B được quy định tại điểm đ và điểm h, khoản 2 Điều 134 BLHS, trong đó điểm đ “Đối với trẻ em” vừa là tình tiết định khung tăng nặng, vừa là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Hình sự. Theo đó :
“ Phạm tội thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm :
- Có tổ chức;
- Có tính chuyên nghiệp;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm;
- Đối với trẻ em;
- Đối với nhiều người;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
- Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triện đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
- Gây hậu quả nghiêm trọng.”
Như vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 134 BLHS, thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm này là 12 năm, đối chiếu với căn cứ tại khoản 3 Điều 8 về phân loại tội phạm thì tội phạm này thuộc “tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”. Theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2000/NQ – HĐTP ngày 04 tháng 08 năm 2000 Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định “ tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù”. Do vậy, những hành vi cấu thành của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2 Điều 134 là tội phạm rất nghiêm trọng.
Theo đó, có thể kết luận, hành vi phạm tội của A, B thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.
2. Xác định những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của vụ án trên?
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan như : hành vi khách quan của tội phạm, hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của tội phạm và hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian địa điểm, hoàn cảnh tội phạm,…
2.1.Hành vi khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm là xử sự cụ thể của con người được thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Trong tình huống này, hành vi khách quan được thể hiện ở hành vi bắt cóc em họ của B là C (5 tuổi) của A (30 tuổi) và B (15 tuổi).
Bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đén tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm.
Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiên bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt ête, lừa dối… để bắt được người làm con tin. Thủ đoạn bắt cóc không phải là đấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội (không có ý nghĩa trong việc định tội), nhưng hành vi bắt cóc người làm con tin lại là đặc trưng cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ bắt người làm con tin chính là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Người bị bắt cóc làm con tin là người bất kỳ ( người lớn, trẻ em, người già, nam giới, nữ giới…, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội…).
Ngoài hành vi bắt cóc người làm con tin, người phạm tội còn có hành vi đe doạ người khác ( cơ quan, tổ chức hoặc người thân của con tin ) nếu không giao nộp tiền hoặc tài sản thì con tin sẽ bị giết, bị đánh đập, hành hạ… Hành vi đe doạ người khác cũng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: gọi điện thoại, viết thư, nhắn tin qua người khác hoặc trực tiếp gặp người thân của con tin…
Cùng với việc đe doạ người khác, người phạm tội còn có thể có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có những hành vi, thủ đoạn khác đối với người bị bắt làm con tin để người này sợ hãi mà yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc người thân của mình nộp tiền hoặc tài sản như: đánh, trói, bắt nhịn ăn, nhịn uống, làm nhục, doạ giết, doạ đánh, doạ đem bán ra nước ngoài, bán cho các ổ mại dâm… Đối với hành vi xâm phạm trực tiếp đến con tin, nếu cấu thành một tội độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với hành vi xâm phạm.
Trở lại với tình huống trên, căn cứ vào các tình tiết cho thấy A và B đã có hành vi bắt cóc C là em họ của B một cách lén lút, sau đó báo cho bố mẹ của C biết và đòi bố mẹ của C phải nộp 150 triệu đồng tiền chuộc thì mới thả C ra. Ở đây có thể thấy được hành vi bắt cóc trẻ em là C (5 tuổi) của A và B, sau đó A và B đã đe dọa bố mẹ của C để lấy được tiền chuộc là 150 triệu đồng.
Như vậy, hành vi khách quan ở đây là hành vi bắt cóc C của A và B và hành vi đòi bố mẹ C phải nộp 150 triệu đồng tiền chuộc.
2.2.Hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm
Cũng như tội cướp tài sản, hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi bắt cóc người làm con tin là tội phạm đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt. Và cũng như đối với tội cướp tài sản, hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt có thể là tài sản nhưng cũng có thể là tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Khi xác định hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt cần chú ý: Chỉ những hậu quả do hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản gây ra mới là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt ( có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bắt cóc hằm chiếm đoạt tài sản với hậu quả xẩy ra). Nếu hậu quả xảy ra lại không phải do hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản gây ra, thì không coi là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, mà tuỳ từng trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu về một tội phạm khác.
Xét trong tình huống cụ thể này, tội phạm của A và B gây ra đã hoàn thành, A và B đã bắt cóc được C làm con tin. Do tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, cho nên hậu quả của việc A và B có lấy được 150 triệu đồng hay không không phải dấu hiệu bắt buộc, mà nó chỉ có ý nghĩa là căn cứ để xác định định khung tăng nặng trong truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.3.Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của tội phạm và hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm
Nếu không có hành vi bắt cóc thì sẽ không có hậu quả, việc xảy ra hậu quả đó chỉ xuất phát từ hành vi phạm tội. Tức là chỉ những hành vi do hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của A và B gây ra mới là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu hậu quả xảy ra lại không phải do hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản gây ra thì không coi là hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, mà tùy từng trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu vì một tội khác. Điều đó đồng nghĩa với hành vi bắt cóc phải có trước và hậu quả gây thiệt hại cho xã hội là cái có sau.
3. Trong vụ án trên có đồng phạm hay không ? Tại sao?
Theo Khoản 1 Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Để có đồng phạm thì phải đáp ứng được đủ hai điều kiện:
*Về mặt khách quan: phải có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm ( những người tham gia đồng phạm phải có năng lực TNHS và phải đạt độ tuổi chịu TNHS; hoặc nếu tội phạm có đòi hỏi chủ thể đặc biệt thì chỉ có người thực hành mới cần phải đáp ứng về điều kiện này). Và những người này phải cùng thực hiện tội phạm (cố ý).
Về dấu hiệu thứ nhất : Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người và hai người này có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS.
Trong vụ án trên có hai đối tượng là A (30 tuổi) và B (15 tuổi) đã cùng nhau thực hiện hành vi bắt cóc em họ của B. Cả A và B đều không có dấu hiệu của việc mất năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 13 BLHS. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, A (30 tuổi) mà theo Khoản 1 Điều 12 BLHS thì “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” nên A đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với B (15 tuổi), căn cứ vào Khoản 2 Điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo phân tích ở mục 1 thì tội phạm mà A và B cùng thực hiện là tội rất nghiêm trọng. Hơn nữa, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoàn toàn do lỗi cố ý của người phạm tội. Vậy căn cứ vào loại tội phạm được quy định tại Khoản 2 Điều 134 BLHS và Điều 12 BLHS thì có thể khẳng định B (15 tuổi) phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Về dấu hiệu thứ hai: cùng thực hiện hành vi tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau:
-Hành vi thực hiện tội phạm (thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm). Người này có hành vi được gọi là người thực hành;
-Hành vi tổ chức thực hiện tội phạm. Người có hành vi này được gọi là người tổ chức;
-Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm. Người có hành vi này được gọi là người tổ chức;
-Hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Người có hành vi này được gọi là người giúp sức.
Họ có thể tham gia từ đầu đến cuối hành vi phạm tội nhưng cũng có thể tham gia khi tội phạm đang xảy ra nhưng chưa được kết thúc. Mỗi người trong đồng phạm đều có một vai trò trong việc thực hiện tội phạm, đều góp phần để tội phạm được hoàn thành.
Với vụ án trên, A và B đã cùng nhau thực hiện hành vi bắt cóc bé C nhằm chiếm đoạt tài sản của bố mẹ C. Trong đó A vừa là người nghĩ ra kế hoạch vừa là người rủ rê, lôi kéo B, cùng B thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, A vừa có vai trò là người chủ mưu vừa là người xúi giục cũng đồng thời là người thực hành tội phạm. B cũng tham gia với vai trò là người thực hành tội phạm.
*Về mặt chủ quan: đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý.
– Dấu hiệu lỗi: những người đồng phạm phải cùng biết hành vi trái pháp luật và hậu quả của hành vi và cùng mong muốn cho nó xảy ra. Những người đồng phạm có sự bàn bạc với nhau trong việc thực hiện tội phạm. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí:
+ Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó.
Đối với vụ án trên ta thấy: A biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đã rủ B cùng thực hiện. B biết hành vi của A là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cùng thực hiện. Như vậy, cả hai đều nhận thức rõ hành vi của mình và đối phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, A và B đều thấy rõ hậu quả chung của tội phạm mà cả hai đang thực hiện.
+ Về ý chí: những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.
Xét trong vụ án thì giữa A và B có sự bàn bạc, liên kết với nhau trong việc thực tội phạm và để đạt được mục đích cuối cùng là đòi bố mẹ C giao nộp tiền chuộc.
– Dấu hiệu mục đích: những người đồng phạm thực hiện cùng một hành vi nhưng phải cùng hướng đến một mục đích, hậu quả cuối cùng của hành vi là do họ cùng mong muốn hướng tới.
Trong vụ án này thì cả A và B đều hướng tới một mục đích cuối cùng đó là chiếm đoạt được tài sản là 150 triệu đồng tiền chuộc từ bố mẹ của C.
Qua các phân tích trên ta thấy A và B có đầy đủ các yếu tố để được coi là đồng phạm. Như vậy, vụ án được nêu ở đề bài là có đồng phạm.
4. Phân tích lỗi của A và B trong tình huống trên?
Trong bộ luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Người phải chịu TNHS theo luật hình sự Việt Nam không chỉ đơn thuần vì người này có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó. Theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc ” quy tội khách quan ”, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự của con người chỉ trên cơ sơ hành vi khách quan mà không xét đến lỗi của họ.
Xem xét tình huống trên ta có thể khẳng định lỗi của A và B là lỗi ” cố ý trực tiếp ”. Lỗi cố ý trực tiếp được quy định trong khoản 1 điều 9 BLHS Việt Nam năm 1999 được quy định như sau: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Ta đi phân tích để rút ra những dấu hiệu sau:
+ Về lí trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước được hậu quả của hành vi đó. Nhận thức rõ tính chất nguy hiển cho xã hội của hành vi là sự nhận thức được tính chất gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện trên cơ sở nhận thức những tình tiết khách quan của nó – những tình tiết tao nên tính gây thiệt hại của hành vi. Những tình tiết đó có thể là mặt thực tế của hành vi, là đặc điểm đối tượng tác động của tội phạm, là những điều kiện khách quan như công cụ, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội…
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xá hội của hành vi và thấy trước hậu quả của hành vi đó là hai nội dung của yếu tố lí trí liên quan chặt chẽ với nhau. Thấy trước hậu quả của hành vi là kết quả và là sự cụ thể hóa nhận thức tính chất gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trái lại, nhận rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là cơ sở cho việc thấy trước hậu quả của hành vi.
Với tình huống đề bài, cả A và B đều nhận thức rõ được hành vi bắt cóc C một đứa trẻ 5 tuổi là một hành vi nguy hiểm cho xã hội và cả hai đều thấy trước hậu quả của hành vi của mình. Có nghĩa là A và B đều biết C là một đứa trẻ 5 tuổi không thể chống cự lại hành vi bắt cóc và rất có thể C sẽ bị chịu những tổn thương và thể xác lẫn tâm hồn do hành vi bắt cóc làm con tin của A và B. Vì vậy, hành vi này là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, điều này đã phân tích ở phần những dấu hiệu thuộc khách quan của tội phạm. Cả A và B đều nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
+Về ý trí: Người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh. Điều đó có nghĩa hậu quả của hành vi phạm tội mà người phạm tội thấy trước hoang toang phù hợp với mục đích – phù hợp với sự mong muốn của người đó. Bởi vì khi đã nhận thức rõ được tính chất của hành vi mà vẫn thực hiện thì chứng tỏ chủ thể mong muốn thực hiện hành vi đó.
Cụ thể, trong tình huống trên, A và B đều mong muốn hậu quả xảy ra, tức là cả A và B đều nhận thức được hành vi bắt cóc tống tiền của mình là trái với pháp luật. Nhưng vẫn mong muốn thực hiện được hành vi bắt cóc C để chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng từ bố mẹ C. Cả A và B đều mong muốn chuyện bắt cóc C thành công nghĩa là rất mong muốn hậu quả phát sinh từ hành vi trái pháp luật của mình.
Từ các phân tích như trên, ta có thể khẳng định lỗi của A và B trong tình huống này là lỗi cố ý trực tiếp.
5. Xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với hành vi phạm tội của A và B trong tình huống trên?
Các giai đoạn thực hiện tội phạm là mức độ thực hiện tội phạm cố ý (cố ý trực tiếp) bao gồm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó:
Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó.
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Phân tích dấu hiệu phạm tội của A và B ta thấy:
Thứ nhất, A và B đã bắt đầu thực hiện tội phạm, hành vi của A và B thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong cấu thành tội phạm của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự đã được phân tích rõ tại mục 2 của bài. Đó là A và B đã bắt cóc người khác làm con tin nhắm chiếm đoạt tài sản cụ thể là bắt cóc C(5 tuổi) đòi bố mẹ C phải nộp tiền chuộc là 150 triệu đồng.
Thứ hai , A và B đã thực hiện tội phạm được đến cùng, hành vi của A và B thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS : “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”
“1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Hành vi của A và B được thực hiện dưới dạng hành động đó là bắt cóc C(5 tuổi) em họ của B để chiếm đoạt tài sản của bố mẹ C cụ thể là 150 triệu đồng. Hành vi của A và B là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã diễn ra trong thực tế, ngoài ra A và B còn lợi dụng điều kiện bên ngoài là mối quan hệ giữa B và C vì C là em họ của B, C nhỏ tuổi dễ dàng bị dụ dỗ, khống chế…Hành vi của A và B là hành vi có lỗi cố ý trực tiếp đã được phân tích ở mục 3, có mục đích, động cơ thúc đẩy, nhằm chiếm đoạt tài sản của bố mẹ C.
Giai đoạn phạm tội của A và B :
Ý định phạm tội | Chuẩn bị phạm tội | Tội phạm hoàn thành |
Bắt cóc C(5 tuổi) , tống tiền, chiếm đoạt tài sản | Lôi kéo B (15 tuổi) là anh họ của C cùng thực hiện hành vi phạm tội – bắt cóc C | Thực hiện được hành vi bắt cóc C, yêu cầu bố mẹ C phải nộp số tiền chuộc là 150 triệu đồng |
Như vậy, trong trường hợp này người phạm tội là A và B đã thực hiện hành vi phạm tội có đầy đủ các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, hành vi phạm tội của A và B có lỗi cố ý trực tiếp. Vì tất cả các lí do trên, đối chiếu với các giai đoạn thực hiện tội phạm kết luận giai đoạn phạm tội của A và B là tội phạm hoàn thành.
KẾT LUẬN
Qua tình huống trên đây đã phần nào cho nhóm chúng em thấy, tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi gây nguy hại lớn cho xã hội, cũng như hiểu được những quy định của pháp luật nước ta đối với loại tội phạm này. Việc ghi nhận loại tội phạm này có ý nghĩa quan trọng trong việc răn đe, giáo dục ý thức của cộng đồng, cũng như để mọi người dân đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ người thân và chính bản thân mình, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.
Trên đây là bài tập nhóm của nhóm chúng em, chúng em đã cùng nhau xây dựng và đưa ra ý kiến cho các câu hỏi mà đề bài đặt ra, nhưng chắc hẳn ẫn còn nhiều thiếu xót. Chúng em rất mong nhận được những nhận xét cũng như đóng góp của thầy cô để chúng em có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề được đưa ra ở trên, cũng như những quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam tập 1, nxb Công an nhân dân, 2014.
- Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2009), nxb Lao động.
- Dương Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự – Phần các tội phạm Tập 2, nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
- ThS. Đinh Thế Hưng, TS. Trần Văn Biên, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nxb Lao động, 2013.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2000/NQ – HĐTP ngày 04 tháng 08 năm 2000 Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Hỏi – đáp pháp luật Hình sự Việt Nam hiện hành, nxb Tư pháp, 2014.
- TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Bài tập Luật Hình Sự, nxb Công an Nhân dân, 2014.
- Tạp chí Nghề luật, Một số vấn đề về đồng phạm trong vụ án hình sự, nxb Học viên Tư pháp, số 5/2007.
Tham khảo bài viết:
- Phân tích Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Bắt cóc, tống tiền và quy định pháp luật
- Thế nào bị cho là bắt cóc và truy tố về tội bắt cóc?
- Mua hộ bạn cỏ, cần, đá có bị bắt không
- Phân tích cấu trúc tâm lí của hoạt động, ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên
- Đề 3 Hình sự 1 – Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản – Các tội xâm phạm sở hữu
- Tìm hiểu về nhận thức và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở nước ta hiện nay
- Phân tích các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên
- Các quy định trong bộ Luật Dân sự năm 2005 về bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân
- Phân tích khái niệm của quyết định hành chính và nêu vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước
- Đánh giá các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 về năng lực hành vi dân sự của cá nhân
- Sự khác nhau giữa sáp nhập và trộn lẫn tài sản?