Điều khiển ô tô cũ đã quá thời gian sử dụng thì bị phạt thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Điều khiển ô tô cũ đã quá thời gian sử dụng thì bị phạt thế nào

Ô tô tôi sử dụng đã được khoảng 30 năm rồi, hơn 15 năm của chủ cũ và tới tôi là gần 20 năm, như vậy liệu xe của tôi đã quá thời hạn sử dụng chưa, và nếu quá mà tôi vẫn sử dụng thì có thể bị phạt không, mức phạt là bao nhiêu.


Luật sư Tư vấn Luật xử lý vi phạm hành chính – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 31 tháng 07 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Xử phạt đối với hành vi điều khiển ô tô cũ đã quá thời gian sử dụng

  • Nghị định 95/2009/NĐ-CP Quy định niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở hàng và xe ôtô chở người
  • Thông tư 21/2010/TT-BGTVT về việc hướng dẫn thực hiện nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

3./ Luật sư tư vấn

Niên hạn sử dụng của xe ô tô là thời hạn sử dụng được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Xe cơ giới khi tham gia giao thông phải đảm bảo còn niên hạn sử dụng. Trường hợp xe đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định sau:

Căn cứ Điều 4, 5 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT, trừ xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái); Xe ô tô chuyên dùng (xe ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt), rơ moóc, sơ mi rơ moóc, các loại ô tô chở hàng và ô tô chở người phải áp dụng niên hạn sử dụng bao gồm: ô tô chở hàng (ô tô tải); ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng); ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái); ô tô chở người chuyên dùng.

Niên hạn sử dụng áp dụng đối với các loại ô tô nêu trên được quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP như sau:

– Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng.

– Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người.

– Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

d) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều này bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.”

Như vậy, nếu xe ô tô của anh/chị thuộc một trong các trường hợp phải áp dụng niên hạn sử dụng, thì anh/chị phải xem xét niên hạn sử dụng của xe trước khi tham gia giao thông. Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn cố tình tham gia giao thông thì anh/chị sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Với những tư vấn về câu hỏi Điều khiển ô tô cũ đã quá thời gian sử dụng thì bị phạt thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191