Câu hỏi của khách hàng: Bảo vệ nhờ trông hộ rồi mất xe thì ai phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu
Tôi có một số thắc mắc không biết hỏi ai, rất mong quý anh chị tư vấn, chỉ bảo giúp gia đình tôi.
Chuyện là, hoàn cảnh gia đình tôi hiện nay đang rất khó khăn. Tôi là giáo viên, lương trung bình 3 triệu 1 tháng, đang mang thai đứa thứ 2 và sẽ sinh trong 5-7 ngày nữa, đứa thứ nhất mới gần 2 tuổi. Chồng tôi đang làm nhân viên ở cửa hàng bách hoá xanh với thu nhập 4 triệu 1 tháng. Sắp đến ngày đi sinh nhưng chúng tôi vẫn bế tắc, chưa chuẩn bị được gì cho mẹ cũng như em bé. Chồng tôi cũng từng mở lời hỏi mượn anh em trong chỗ làm 5 triệu để vợ đi sinh. Tài sản lớn nhất của chúng tôi là chiếc xe Exciter 150 được bố mẹ chồng mua cho năm 2015 với giá 60 triệu, không tính tiền trang trí xe, mua biển số đẹp… Tới nay xe đã sử dụng được khoảng 3 năm.
Hôm nay 15/8, anh đến cửa hàng làm việc thì bị trộm lấy mất xe. Lúc đó người bảo vệ trông xe đang đi vệ sinh, có nhờ một cô nhân viên trong cửa hàng trông xe hộ, cô ấy có đồng ý. Trong lúc cô ấy tính tiền cho khách bên trong cửa hàng , nhìn ra thấy tên trộm leo lên xe, cô ấy lao vội ra, nhưng không kịp trở tay. Camera có ghi lại diễn biến nhưng tên trộm trùm kín bằng khẩu trang và mũ, không thể điều tra ra là ai.
Vậy người phải bồi thường xe bây giờ là anh bảo vệ, cô nhân viên nhận lời giữ hộ, công ty của anh bảo vệ?
Và vấn đề tôi quan tâm nhất là, liệu họ sẽ bồi thường bao nhiêu? Tham khảo các trang tư vấn luật suốt nãy giờ vẫn không trang nào đưa ra câu trả lời đúng trọng tâm tôi cần biết cả.
Bên đại diện bách hoá xanh và công ty bảo vệ hẹn chồng tôi sáng mai lên thương lượng bồi thường. Tôi sợ chồng tôi hiền lành nhút nhát khù khờ nào giờ rồi họ nói sao nghe vậy, đền bù không thỏa đáng. Trong khi gia đình đang túng, tiền đâu mua xe khác đi làm. Nên chủ yếu tôi muốn hỏi, anh chị nào rành luật chỉ giúp, hoặc ai gặp trường hợp tương tự, được đền bù bao nhiêu, để tôi lấy đó làm căn cứ mà đối đáp với người ta.
Chưa gì mà chồng tôi chiều giờ rụt rịch, kêu tội nghiệp thằng bảo vệ, lúc mất xe nó run bần bật, tái méc mặt mày, rối rít xin lỗi. Anh kể thằng đó nhỏ tuổi, ốm yếu, tội nghiệp, hiền lành lắm, nhờ gì nó cũng giúp. Còn nhỏ giữ hộ cũng khổ, nó nhỏ xíu, có chống cũng không lại thằng ăn trộm… Lấy tiền tụi nó mốt đi làm nhìn mặt nhau kỳ lắm… Tôi nghe mòi chồng tôi không muốn bắt đền ai. Thiệt nghe anh nói tôi cũng thương 2 người kia, mà giờ không biết phải làm sao. Chỉ có thể khuyên anh, đúng luật phải bắt đền thôi. Trong 6 tháng tôi được nghỉ hộ sản, anh lấy cái xe tàn của tôi mà đi. Tiền họ bồi thường tôi sẽ giữ nguyên. Khi nào công an tìm ra được xe, trả lại cho mình thì tôi trả tiền lại cho người ta nguyên vẹn thôi.
Chiều giờ ai cũng nói xe mua 60 triệu, đi 3 năm, giờ trị giá nếu bán phải 35 triệu, họ phải đền ít nhất 30 triệu. Người nói trừ mỗi năm 10% hao mòn, giờ phải đền 70% giá trị xe ban đầu. Giờ lại có người nói chỉ được 15 triệu. Đang có 1 chiếc xe mới keng, mua 60 triệu, tự dưng đền 15 triệu, vậy mua lại được cái gì?
Tôi hoang mang nhất là con số đền bù, mong anh chị em tư vấn giúp. Xin cảm ơn!
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 19/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ của bên giữ tài sản
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối
3./ Luật sư trả lời Bảo vệ nhờ trông hộ rồi mất xe thì ai phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu
Trong trường hợp bạn đưa ra thì giữa chồng của bạn và bên bảo vệ đã có xác lập với nhau một hợp đồng gửi giữ tài sản. Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Do đó, khi tài sản gửi giữ bị mất, bên bảo vệ sẽ phải bồi thường cho chồng của bạn.
Căn cứ Điều 557 Bộ luật dân sự:
“Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản
1.Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. …
4.Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự thì “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Mà sự kiện bảo vệ làm mất xe của chồng bạn xảy ra không do sự kiện bất khả kháng, nên bên bảo vệ phải bồi thường thiệt hại cho chồng của bạn theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp bạn đưa ra thì giữa chồng của bạn và bên nhận trông giữ xe đã hình thành một hợp đồng gửi giữ tài sản. Việc bồi thường được quy kết cho bên nhận trông giữ xe. Việc bảo vệ có nhờ cô nhân viên trông xe hộ không ảnh hưởng tới nghĩa vụ bồi thường của bảo vệ khi làm mất tài sản được gửi giữ, tuy nhiên, người bảo vệ sẽ có quyền yêu cầu cô nhân viên hoàn trả lại khoản tiền dùng để bồi thường. Do việc người bảo vệ nhờ cô nhân viên kia trông hộ xe được xác định là một hợp đồng dân sự, trong đó, cô nhân viên này có trách nhiệm coi xe, để xe không bị mất trộm.
Về chủ thể bồi thường cho chồng của bạn do để mất xe. Chủ thể có trách nhiệm được xác định theo hợp đồng bảo vệ.
Nếu hợp đồng bảo vệ được ký kết giữa chồng của bạn (công ty của chồng bạn) với công ty bảo vệ thì trách nhiệm bồi thường là của công ty bảo vệ. Tuy nhiên, sau khi bồi thường, công ty bảo vệ có quyền yêu cầu nhân viên bảo vệ kia hoàn lại tiền bồi thường.
Nếu hợp đồng bảo vệ được ký kết với chính người bảo vệ thì trách nhiệm bồi thường là của chính người bảo vệ đó.
Về chi phí bồi thường. Chồng của bạn và chủ thể có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận về số tiền bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Nói cách khác, hai bên sẽ tự thỏa thuận về giá trị bồi thường của chiếc xe trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Căn cứ xác định mức bồi thường có thể là:
-Giá thị trường của tài sản (là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá).
-Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định là mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc quyết định đang có hiệu lực áp dụng tại thời điểm được yêu cầu định giá. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá thì áp dụng mức giá cụ thể do cơ quan hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh quy định tại thời điểm được yêu cầu định giá;
-Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp.
-Giá trong tài liệu, hồ sơ hợp pháp về loại tài sản đó do các cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan yêu cầu định giá cung cấp;
-Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá là những thông tin, tài liệu giúp xác định giá của tài sản cần định giá, như mức độ sử dụng tốt nhất có khả năng mang lại giá trị cao nhất, hiệu quả nhất của tài sản; quan hệ cung cầu về tài sản; ý kiến đánh giá về giá trị của tài sản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân có kiến thức, hiểu biết về tài sản; lời khai và hồ sơ tài liệu của các bên liên quan đến tài sản; giá của tài sản tương tự với tài sản cần định giá trong vụ án khác và đã được Hội đồng định giá tài sản thực hiện định giá trước đó; giá của tài sản tương tự với tài sản cần định giá thu thập được trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức trong khu vực và trên thế giới khi Hội đồng tiến hành mở rộng thu thập giá tại khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, do tài sản cần định giá đã mất nên việc đính giá ở đây tương đối khó.
Nói cách khác, khoản bồi thường này không được quy định cụ thể mà tùy thuộc vào mức độ hao mòn do sử dụng của tài sản. Chồng bạn có quyền yêu cầu bên kia bồi thường một mức mà gia đình cho là hợp lý.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, số tiền bồi thường tùy thuộc vào độ hao mòn tài sản do quá trình sử dụng và ý chí chủ quan của chồng bạn và bạn. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường là bên bảo vệ trong hợp đồng bảo vệ mà chồng của bạn (công ty mà chồng của bạn đang làm việc) đã ký kết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.