Đã viết giấy rút miễn truy tố có thể đòi thêm bồi thường không

Câu hỏi của khách hàng: Đã viết giấy rút miễn truy tố có thể đòi thêm bồi thường không

Xin các bác dành chút thời gian tư vấn vụ việc phức tạp ạ.

Cháu em năm nay 24 tuổi chưa lấy vợ. Tháng 9 năm 2017 cháu em gọi xe Uber để đi về nhà. Trên đường đi thì xe uber bị một xe ô tô khác đâm từ phía sau. Hậu quả cháu em bị gãy cổ, liệt hoàn toàn toàn thân . Vệ sinh cũng không tự chủ được. Công an giám định thương tật 90%. Công an đã khởi tố vụ án và điều tra sau đó chuyển lên Viện Kiểm sát. Kết quả lái xe uber bị Khoản 1 Điều 202 Vô ý gây tai nạn. Còn lái xe đâm kia bị Khoản 2 Điều 202 với tình tiết tăng nặng có rượu bia. Khung từ 3-7 năm tù . Hiện tại cháu em coi như liệt cả đời , gia đình cháu vì quá khó khăn nên đã đồng ý cho các bên kia đền bù 500 triệu và viết đơn miễn truy tố hình sự. 2 lái xe đồng ý chia theo tỷ lệ uber 150 triệu và ông say rượu 350 triệu. Nhưng hiện tại người say rượu đâm xe cứ chây ỳ mấy đợt mới đưa được 250 triệu. Và cứ khất lần nói là đang lo chạy án. Và có nói thẳng là lo chạy Viện Kiểm sát mất vài trăm, chưa có tiền đưa nốt cho nạn nhân. Hôm nay Viện Kiểm sát trả hồ sơ điều tra lại . Chi phí điều trị cho cháu đã lên gần 500 triệu. Cho em hỏi gia đình đã viết giấy miễn truy tố cho lái xe đâm , bây giờ lỡ nó không trả 100 triệu nữa thì phải làm sao, và gia đình nạn nhân muốn bồi thường thêm vì thiệt hại quá lớn. Xin lời khuyên ạ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại

  • Bộ luật tố tụng hình sự
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13
  • Bộ luật hình sự  năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

3./ Luật sư trả lời Đã viết giấy rút miễn truy tố có thể đòi thêm bồi thường không

Không giống như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính, yếu tố “lỗi” trong pháp luật hình sự khi một (hoặc nhiều) chủ thể thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để cơ quan chức năng định danh, định khung hình phạt. Như trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, người có lỗi vô ý và cố ý thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khác nhau. Khi vô ý, người có hành vi sẽ bị xử phạt về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể:

Theo thông tin bạn cung cấp, thì tai nạn xảy ra vào tháng 9 năm 2017 mà theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng như Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 thì pháp luật được áp dụng trong trường hợp bạn đưa ra là Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, văn bản điều chỉnh về thủ tục tố tụng từ năm 2018 sẽ được sử dụng theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1.Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2.Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. …”

Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” không phải là một trong những tội phạm “chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện”. Do đó, việc gia đình người bị hại viết giấy miễn truy tố cho người gây tai nạn chỉ là một trong những yếu tố để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho những người này, không phải yếu tố bắt buộc theo quy định của pháp luật hình sự.

Việc bồi thường trong trường hợp bạn đưa ra phải dựa trên pháp luật dân sự, và việc yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường khi không thỏa thuận được phải được giải quyết theo con đường tố tụng dân sự.

Do các bên chưa thông qua một cơ quan nhà nước cụ thể nào để giải quyết tranh chấp nên gia đình người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường thêm tiền thiệt hại dựa trên các chi phí thực tế: tiền điều trị, tiền trợ cấp hàng tháng do mất khả năng lao động,… ngay cả khi đã thỏa thuận với bên gây thiệt hại. Trong trường hợp bên gây thiệt hại không đồng ý, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vậy nên, trong trường hợp của bạn, nếu bên gây thiệt hại không thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo thỏa thuận, hoặc bạn nhận thấy mức bồi thường đó là không hợp lý, bạn có thể yêu cầu bên kia thực hiện đúng theo thỏa thuận, bồi thường thêm cho hợp lý. Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191