Câu hỏi của khách hàng: Giám định giọng nói có đúng không và chi phí hết bao nhiêu?
Tôi là nguyên đơn trong vụ án dân sự hiện đang bị tạm đình chỉ giải quyết do thiếu chứng cứ. Tôi có đoạn ghi âm ghi lại lời thừa nhận của hai người về việc có vay tôi tiền (bây giờ họ không thừa nhận), một tôi ghi âm qua điện thoại, một tôi ghi âm trực tiếp. Tòa án có ra quyết định để tôi đi giám định giọng nói trong băng ghi âm trên.
Cho tôi hỏi, giám định giọng nói khi tôi ghi âm qua điện thoại thì có đúng không và hết bao nhiêu.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 09/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giám định giọng nói
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị định 81/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng
3./ Luật sư trả lời Giám định giọng nói có đúng không và chi phí hết bao nhiêu?
Khi có chủ thể đưa ra một đoạn ghi âm có nội dung ảnh hưởng tới phán quyết, nhận định của Thẩm phán giải quyết vụ án mà người có giọng nói trong đoạn ghi âm không thừa nhận, thì để chứng minh giọng nói trong đoạn ghi âm đúng là của người này, bên còn lại có quyền yêu cầu trưng cầu giám định giọng nói.
Độ chính xác của kết luận khi giám định giọng nói còn tùy thuộc vào kỹ năng chuyên môn cũng như chất lượng của đoạn ghi âm, giọng nói gốc. Yếu tố phụ thuộc nhiều nhất là kỹ năng chuyên môn của nhân viên giám định. Do vậy, không thể khẳng định việc giám định có chính xác hay không. Nhưng, khi bạn nghi ngờ kết luận giám định là không chính xác thì bạn có thể yêu cầu trưng cầu giám định lại.
Căn cứ Khoản 5 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự:
“Điều 102. Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định
… 5.Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.”
Còn về chi phí giám định giọng nói. Căn cứ Điều 3 Mục 1 Nghị định 81/2014/NĐ-CP thì chi phí giám định được xác định như sau:
“Điều 3. Xác định chi phí giám định
Căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
1.Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định.
2.Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị.
3.Chi phí vật tư tiêu hao.
4.Chi phí sử dụng dịch vụ.
5.Các chi phí khác tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Nghị định này.”
Các chi phí khác trong quy định trên gồm những chi phí liên quan phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định tư pháp phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể, chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Thông thường, chi phí giám định giọng nói sẽ do tổ chức giám định quy định, trừ những tổ chức giám định của nhà nước.
Như vậy, độ chính xác của hoạt động giám định giọng nói phụ thuộc nhiều vào trình độ của nhân viên giám định, chi phí giám định sẽ tùy thuộc vào tổ chức mà bạn trưng cầu giám định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.